1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Huế:

Triển lãm hình ảnh, cổ vật hiếm hoi còn lại thời chúa Nguyễn

(Dân trí) - Ngày 22/11, Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức triển lãm “Một số hình ảnh, hiện vật về Ca Huế và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn”, đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Trong triển lãm, bộ sưu tập “Đồ sứ ký kiểu” của nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng đã gây sự ngạc nhiên cho người xem với khoảng 70 hiện vật là đồ sứ ký kiểu thời Lê-Trịnh, thời các chúa Nguyễn và thời các vua Nguyễn.

 

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (áo trắng, thứ 3 từ phải qua) giới thiệu công chúng bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của mình
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (áo trắng, thứ 3 từ phải qua) giới thiệu công chúng bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của mình

 

Đây là những hiện vật cao cấp, rất quý hiếm, do hoàng triều và các quan lại đặt các lò sứ cao cấp Trung Quốc làm cũng như đặt làm ở châu Âu như Anh, Pháp... Đặc biệt có 2 hiện vật từ thời chúa Nguyễn lần đầu tiên ra mắt.

Đó là chiếc tô sứ Thuận Hóa vãn thị, thời chúa Nguyễn Phúc Chu đặt làm ở Trung Quốc. Chiếc tô này có in bài thơ Thuận Hóa vãn thị do chúa Nguyễn Phúc Chu tả cảnh một khu chợ chiều ở khu vực Huế đương thời chừng 300 năm trước.

 

Chiếc tô sứ hiếm hoi còn lại từ thời chúa Nguyễn
Chiếc tô sứ hiếm hoi còn lại từ thời chúa Nguyễn

 

Kế đến là chiếc đĩa Ngự y chính ký, in bài thơ Nôm, do thời chúa Nguyễn đặt làm vào cuối thế kỷ 18. Hiện vật này chưa thấy cái thứ 2 tại Việt Nam...

Ngoài ra, triển lãm còn giới 62 hình ảnh, cùng hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của Ca Huế như: “Dàn nhạc cổ điển Huế, Ca Huế đầu thế kỉ XX, “ban Ca Huế Hương Bình”, “ban nhạc Ca Huế xưa”… nhân dịp Ca Huế được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Các nhạc cụ Ca Huế
Các nhạc cụ Ca Huế

 

Nhiều chân dung các nghệ nhân đã cống hiến cho Ca Huế như Trần Kích, Trần Hữu Ba, Thanh Hương, Nguyễn Kế, Tôn Thất Toàn, cô nhơ và đặc biệt còn có sự tham gia của nghệ nhân Minh Mẫn (91 tuổi) đã hát Ca Huế từ năm 14 tuổi, các nhạc cụ Ca Huế từng được các nghệ nhân sử dụng biểu diễn và các sách vở, tư liệu viết về Ca Huế… cũng được giới thiệu.

 

Người xem thích thú trước các tư liệu về Ca Huế
Người xem thích thú trước các tư liệu về Ca Huế

 

Trong ngày, buổi thuyết trình “Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu Việt Nam” do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn diễn thuyết thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu đồ cổ. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn góp phần quan trọng làm hiểu rõ hơn về văn hóa Huế giai đoạn các chúa Nguyễn và vua Nguyễn.

Đồ sứ ký kiểu chính là những hiện vật gốc mà thông qua đó, dùng để đối chiếu lại những tư liệu lịch sử khác để giải mã một số vấn đề lịch sử. Đặc biệt, những chữ viết (minh văn) trên đồ sứ ký kiểu có thể trở thành những chứng cứ cần thiết để bổ sung vào hệ thống văn học xứ Đàng Trong trong lịch sử.

Bởi vì, có rất nhiều bài thơ của các vị chúa và vua thời Nguyễn in trên đồ sứ ký kiểu không hề được ghi chép trong sách sử. Cũng thông qua đồ sứ ký kiểu, đặc biệt là những hiện vật đề chữ Nôm, nó giúp đính chính những chữ Nôm mà các giai đoạn sau này viết sai. Đồ sứ ký kiểu cũng giúp người đời sau hiểu rõ hơn những tâm tư, tình cảm của người đời trước, đặc biệt là những đấng quân vương có văn thơ in trên đồ sứ ký kiểu mà những bài thơ văn này không hề được in trong các tài liệu lịch sử...

 

Nhiều điều thú vị về cổ vật thời Nguyễn, Ca Huế tại triển lãm
Nhiều điều thú vị về cổ vật thời Nguyễn, Ca Huế tại triển lãm

 

Trong khi nhiều người gọi loại đồ sứ do các chúa và các vua Nguyễn đặt làm ở Trung Quốc là Đồ sứ men lam Huế (Bleus de Hué) thì nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lại chủ trương gọi là Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

Ông Sơn lý giải việc dùng khái niệm Đồ sứ men lam Huế (Bleus de Hué) là theo cách gọi của người Pháp; việc định danh này lần đầu tiên vào năm 1909. Trong khi, việc dùng khái niệm đồ sứ ký kiểu đã được ghi rõ trong Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của ấn hành trước đó 14 năm, vào năm 1895.

Mặt khác, việc dùng chữ “men lam” không phản ánh đủ nội hàm khái niệm của loại hình đồ sứ cao cấp đặc biệt này, bởi loại đồ sứ do các vị vua chúa thời Nguyễn đặt làm không chỉ có màu lam mà còn mang nhiều màu sắc khác nữa...

Đại Dương - Phạm Công