Triển lãm ảnh về di sản văn hóa xứ "đất võ, trời văn" Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Ngày 17/5, Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc triển lãm ảnh "Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng", thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2023) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Triển lãm ảnh về di sản văn hóa xứ đất võ, trời văn Bình Định - 1

Học sinh, sinh viên lắng nghe thuyết trình về các di sản văn hóa Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Triển lãm trưng bày 168 bức ảnh thể hiện trên 37 pa nô, được chia làm 4 phần gồm di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, làng nghề truyền thống) và văn hóa ẩm thực Bình Định.

Ngoài triển lãm ảnh, Bảo tàng tỉnh Bình Định còn trưng bày hơn 30 hiện vật, cổ vật giới thiệu sinh động về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh.

"Mặc dù chưa một lần đến các lễ hội truyền thống, các làng nghề nhưng qua triển lãm ảnh lần này, em đã hiểu phần nào về giá trị di sản văn hóa ở địa phương. Bình Định có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các làng nghề truyền thống độc đáo mà các bạn trẻ cần tìm hiểu", Thanh Nhàn, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ.

Triển lãm ảnh về di sản văn hóa xứ đất võ, trời văn Bình Định - 2

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các đồng bào dân tộc tại Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết toàn tỉnh có 143 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 107 di tích cấp tỉnh.

"Triển lãm ảnh lần này nhằm bảo tồn giá trị di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của tỉnh Bình Định; giới thiệu với công chúng hình ảnh về đất nước, con người Bình Định", ông Tĩnh nói.

Triển lãm ảnh về di sản văn hóa xứ đất võ, trời văn Bình Định - 3

Các hiện vật, cổ vật của Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Bình Định tự hào là nơi sản sinh ra nền văn hóa lớn của cư dân cổ Sa Huỳnh, mang đậm nét đặc trưng của thời đại kim khí để lại nhiều di tích phong phú như Động Cườm (thị xã Hoài Nhơn); Truông Xe, Gò Lồi, Thuận Đạo, Chánh Trạch (huyện Phù Mỹ).

Trải dài gần 500 năm từ thế kỷ 11 đến 14, kinh đô của vương triều Vijaya có 8 cụm di tích tháp với kiến trúc độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, dấu vết những tòa thành cổ, những cảng thị cùng sự hiện diện các lò gốm thể hiện văn hóa Chăm Pa vô cùng phong phú trong lịch sử. Giới nghiên cứu gọi là phong cách Bình Định.

Lịch sử "đất võ, trời văn" Bình Định còn nổi tiếng với những chiến công hiển hách vang dội làm nhiều nước trên thế giới phải kính nể trong thời đại Tây Sơn. Những cống hiến của thời Tây Sơn để lại cho muôn đời sau về binh pháp thiên tài, các bài võ, đường quyền.