Những người lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi tại Hội An

Ngô Linh

(Dân trí) - Các thế hệ nghệ nhân hô hát bài chòi tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đang ngày ngày nỗ lực trao truyền, gìn giữ sức sống thời đại trong Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại này.

Khoảng nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, tại TP Hội An, bài chòi chỉ được biểu diễn trong các buổi hội họp xóm làng, lễ tết.

Tháng 2/1996, khi nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An thành lập (thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền Thanh - Truyền hình TP Hội An), bài chòi cũng theo đó lên sàn diễn.

Những người lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi tại Hội An - 1

Những nghệ nhân bài chòi tại phố cổ Hội An luôn cố gắng chung tay giữ gìn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.

Cũng từ sự khởi đầu này, hội chơi bài chòi bắt đầu được lưu ý, để đến tháng 9/1998, khi sự kiện "Đêm phố cổ" - một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An ra đời, một không gian dành cho trò chơi này, với lối hô hát đặc sắc được mang ra giữa phố, thu hút sự yêu mến từ người dân và du khách thập phương.

Năm 2017, nghệ thuật hát bài chòi Trung bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để các địa phương miền Trung, đặc biệt là TP Hội An (Quảng Nam), đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trong quá trình phát triển du lịch địa phương.

Giữ hồn bài chòi phố cổ

Du khách đến với Hội An đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc ghe nhỏ dập dìu chở khách trên sông Hoài, ánh đèn lồng lung linh huyền ảo dưới những mái nhà cổ kính và lắng nghe bài chòi. Đây là một loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo được bảo tồn hơn 20 năm qua.

Những người lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi tại Hội An - 2

Dù đã về hưu, nghệ nhân ưu tú Lương Đáng (63 tuổi) vẫn luôn đồng hành cùng thế hệ trẻ giữ gìn di sản bài chòi.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng (63 tuổi, phường Thanh Hà) có thể nói là người gắn tên mình với bài chòi phố Hội. Ông lấy tên nghệ danh là Lương Đáng và đã có hơn 23 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa bài chòi. Ông là người hát bài chòi chính trong "Đêm phố cổ" từ năm 1999.

Theo nghệ nhân Lương Đáng, để trở thành anh hiệu, chị hiệu, ngoài việc có chất giọng tốt, kiên nhẫn và sáng tạo, nghệ nhân cũng cần có "cái duyên". Cái duyên ở đây là nét biểu cảm của khuôn mặt, sự uyển chuyển trong các động tác hình thể.

Những người lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi tại Hội An - 3

Anh Dương Quý (44 tuổi) luôn đau đáu việc trao truyền nghệ thuật bài chòi cho thế hệ đi sau.

"Nếu hiểu bài chòi chỉ có sức sống trên sân khấu phục vụ du khách và người dân hàng đêm ở Hội An sẽ là thiếu sót. Bởi từ lâu, món ăn tinh thần này đã ngấm vào máu người dân phố cổ từ các thế hệ đi trước và truyền cho thế hệ đi sau", nghệ nhân ưu tú Lương Đáng chia sẻ.

Một trong những gương mặt trẻ được trao truyền di sản bài chòi là anh Nguyễn Văn Quý (44 tuổi) có nghệ danh Dương Quý. Anh Quý bén duyên với bài chòi từ năm 2003, khi phố Hội chỉ còn vài nghệ nhân hô hát bài chòi. Khi ấy, vừa có lớp dạy hát bài chòi cho lớp trẻ như anh.

Anh Quý chia sẻ để có thể theo đuổi nghệ thuật bài chòi, nghệ nhân cần có niềm đam mê, tận tâm và luôn sáng tạo. "Đối với người nghệ sĩ hát dân ca bài chòi, năng khiếu thôi chưa đủ, cần có sự yêu nghề, hết mình vì nghệ thuật dân gian này, có thể hiểu "sống chết với nghề", anh Quý nói.

Gắn bó với nghệ thuật bài chòi hơn 10 năm nay, chị Lê Thị Thu Sang, 41 tuổi, nghệ danh Thu Sang chia sẻ: "Ban đầu, tôi tham gia các lớp dân ca tại thành phố tổ chức, rồi nên duyên với nghệ thuật bài chòi lúc nào không hay. Càng hát càng mê, mà gắn bó đến bây giờ".

Giữ gìn di sản bài chòi

Nghệ nhân Lương Đáng - một trong những người thầy của lớp dạy bài chòi đầu tiên tại phố cổ Hội An - tâm sự nếu không có những người trẻ nhiệt huyết, yêu dân ca truyền thống như anh Quý, chị Sang thì khi những mái đầu bạc như ông nằm xuống, chắc chắn bài chòi Hội An khó lòng giữ được.

Những người lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi tại Hội An - 4

Chị Thu Sang trưởng thành từ những lớp dạy hát dân ca, bài chòi do thành phố Hội An tổ chức.

Tiếp nối thế hệ đi trước, giờ đây, đến lượt thế hệ trẻ như anh Dương Quý, chị Thu Sang truyền nghề cho các em nhỏ, với học các lớp dạy dân ca bài chòi tại các trường trung học cơ sở ở Hội An từ năm 2004.

"Mỗi năm, chúng tôi tổ chức dạy bài chòi ở 2 trường học. Mở lớp hàng tuần vào sáng hoặc chiều thứ Hai. Em nào muốn tham gia thì chủ động đăng ký, chứ không ép buộc", anh Quý nói.

Ngoài ra, các lớp học dân ca vào dịp hè cũng thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Nhiều em mới 5-6 tuổi cũng được bố mẹ dắt đến "bái sư".

"Tôi rất vui và hạnh phúc vì được thực hành loại hình nghệ thuật bài chòi này. Việc bài chòi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể là niềm hạnh phúc, cổ vũ tinh thần cho anh em nghệ sĩ tiếp tục gắn bó.

Nhưng hiện nay, điều tôi đau đáu nhất đó là việc đào tạo, trao truyền cho lớp kế tục, kế cận thì hơi khó, nhiều bạn trẻ sau khi đào tạo lại không theo nghề, đây là điều đáng tiếc", anh Dương Quý bày tỏ.

Được biết, Hội An là thành phố đầu tiên trong cả nước đề xuất lựa chọn nội dung "Thủ công và nghệ thuật dân gian" để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo trình UNESCO.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An - cho biết: "Để hướng tới việc xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo trong tương lai, địa phương phát huy các nguồn lực văn hóa, tự nhiên và đặc biệt là nguồn lực con người. Tập trung công tác trao truyền văn hóa nghệ thuật dân gian để bảo tồn truyền thống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch".