Trích sách "Đi về phía bình yên": Như đóa hướng dương thoát khỏi bạo lực

Minh Nhân

(Dân trí) - "Hiện tôi là chủ spa ở thị trấn của một tỉnh miền Trung. Hai vợ chồng có một cậu con trai và cuộc sống thật đúng là trong mơ, đến mức chính tôi nhiều khi cũng có cảm giác không biết là mơ hay thực".

Tháng 12/2023,  Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam) và Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) đã ra mắt Đi về phía bình yên - Câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người.

Cuốn sách song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), dày 200 trang, do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ biên, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Đi về phía bình yên gồm 12 hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau đến vùng sáng bình yên và an lành. Họ là 12 phụ nữ trong số 1.665 mảnh đời đã đến với Ngôi nhà Bình yên suốt 17 năm qua.

Chính họ chọn nói ra câu chuyện đời mình với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác.

Báo Dân trí trích đăng 2 câu chuyện trong cuốn sách, gồm: Hóa giải vòng tròn bạo lựcNhư đóa hướng dương

Những chuyện muốn quên đi

Tôi lớn lên với ký ức nặng nề về những trận đòn của bố trút vào mẹ. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bất lực ấy, khi mà mình còn quá bé, và chẳng thể làm gì để can thiệp. Những giọt nước mắt và vết thương của mẹ cứ kéo dài từ đêm này sang đêm khác, vết cũ lành lại có vết mới chồng lên.

Ngay từ lúc đó tôi đã có suy nghĩ, nếu mẹ có thể bỏ bố, nếu chúng tôi có thể tự sống với nhau mà không phải nơm nớp lo đòn roi sẽ giáng xuống mình bất kể lý do nào. Thì thật tốt!

Mẹ bị bạo hành, các con của mẹ cũng không thoát khỏi số phận ấy. Tính tôi nghịch ngầm nên ăn đòn như cơm bữa. Tôi học đến lớp 10 thì bỏ giữa chừng, quyết định vào Nam tìm việc.

Tôi cứ nghĩ đơn giản rằng: rời xa gia đình, tôi có thể tự quyết định cuộc đời, có thể sống những ngày bình yên, không có tiếng chửi mắng, đay nghiến, không bị đánh đập.

Trích sách Đi về phía bình yên: Như đóa hướng dương thoát khỏi bạo lực - 1

Bìa sách "Đi về phía bình yên".

Làm công ty được một năm, khi tôi quay về nhà thì được chị hàng xóm rủ sang Trung Quốc chơi cùng với một số bạn nữa.

Thời điểm ấy, tôi mới 15 tuổi, chưa biết gì nhiều về xã hội ngoài kia, nghe chị rủ thì bùi tai nên đi, cũng chỉ nói riêng với mẹ là con đi chơi. Tôi không bao giờ tưởng tượng được, cái gật đầu nhẹ dạ ấy sẽ làm thay đổi cuộc đời mình mãi mãi.

Rời quê, chúng tôi được đưa xuống Móng Cái, rồi vượt biên qua Quảng Đông, Trung Quốc. Đến Quảng Đông, người ta tách tôi với các bạn thành hai nhóm khác nhau để dễ kiểm soát.

Ban đầu, chúng tôi bị giữ ở một ngôi nhà toàn người Việt. Không dám phản kháng, vì phản kháng hay khóc lóc sẽ bị đánh, tôi chỉ lặng lẽ để ý người ta gọi điện thoại như thế nào. Hai tháng sau, khi tìm được cơ hội, tôi lấy trộm điện thoại rồi gọi về cho mẹ.

Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi với mẹ, công an Trung Quốc kiểm tra rồi bắt đưa cả nhóm chúng tôi vào tù một tháng. Hết thời gian tạm giữ, họ đưa chúng tôi về cửa khẩu Móng Cái. Tôi gần như không đắn đo gì, chạy thẳng vào đồn công an Móng Cái. Tôi được chờ ở đấy cho đến lúc mẹ đến đón tôi về Hà Nội.

Những ngày bị giam giữ ở Trung Quốc đã khiến tôi bị sốc nặng. Tình trạng càng tệ hơn vào buổi tối, đến mức tôi sinh ra ảo giác, lúc nào cũng luôn luôn lo sợ có người đứng đằng sau mình để xô mình hay là hại mình.

Thấy tình trạng sức khỏe tinh thần của tôi, các cô chú công an đã khuyên mẹ đưa tôi về tạm trú ở Ngôi nhà Bình yên dưới Hà Nội.

Sau này nhớ lại, tôi luôn cảm ơn Ngôi nhà Bình yên đã cưu mang, giúp đỡ vào những lúc tôi yếu ớt và suy sụp nhất. Ngoài việc cho tôi một chỗ nương náu, các bác ở đây đã giúp tôi tìm bác sĩ tâm lý để trị liệu.

Mỗi tuần sáu buổi, tôi được hai bác sĩ trò chuyện, an ủi, giúp tôi cởi bỏ những gánh nặng tâm lý luôn đeo bám. Về sau, khi tình trạng của tôi khá hơn, tức là cảm giác suy sụp, chán sống giảm dần, thời gian trị liệu của tôi giảm xuống còn ba buổi mỗi tuần.

Khi đã bình phục, tôi được phép rời Ngôi nhà Bình yên về quê. Lúc này, chuyện tôi bị bán đi Trung Quốc đã bị truyền đi khắp làng trên xóm dưới. Tôi cứ đi ra ngoài là có người chỉ trỏ bàn tán.

Bố mẹ bảo tôi, hay lấy chồng đi, cho khỏi điều tiếng. Tôi cũng chán cái cách mà mọi người nhìn mình nên gật đầu đồng ý lấy một người cùng quê.

Hôn nhân không phải là trò đùa

Một lần nữa tôi phải trả giá đắt cho quyết định vội vàng của mình. Khi mặc váy cô dâu về nhà chồng, tôi còn chưa đủ tuổi để làm đăng ký kết hôn. Về mặt pháp luật, chúng tôi không phải là vợ chồng hợp pháp. Chỉ có bà con chòm xóm biết, tôi đã lấy chồng, vậy thôi.

Ở với nhau một thời gian thì tôi phát hiện chồng tôi nghiện ma túy. Chưa hết, người này còn có tính bạo lực. Cứ điên lên là đánh vợ: không có tiền mua thuốc cũng đánh, tôi cằn nhằn mấy câu cũng đánh, đồ ăn không vừa ý cũng đánh.

Bấy giờ tôi mới hiểu, chồng thừa hưởng thói ứng xử bằng bạo lực của bố. Bố chồng tôi hay uống rượu, thường xuyên đánh mẹ chồng, cứ 12h đêm là lôi vợ ra đánh, nhiều khi còn cầm dao đuổi giết. Một thời gian dài, cứ đến buổi tối là mọi người trong nhà chồng phải ôm xe, ôm đồ chạy tán loạn, ngày nào cũng vậy.

Trước ở nhà tôi cứ nghĩ cuộc sống của mẹ đã cơ cực lắm rồi, không biết cuộc sống của mẹ chồng tôi mới là địa ngục trần ai.

Rồi đến khi chính mình trải qua cảm giác bị chồng ngược đãi, tôi mới càng thấm thía nỗi khổ của những người phụ nữ cả đời phụ thuộc vào đàn ông, không biết làm cách nào để thay đổi nghịch cảnh của mình.

Trích sách Đi về phía bình yên: Như đóa hướng dương thoát khỏi bạo lực - 2

Cô gái trốn chạy khỏi gia đình bạo lực và cuộc hôn nhân bạo lực.

Tôi chưa từng nghĩ đến việc nhờ hội phụ nữ hay công an can thiệp. Tấm gương của mẹ chồng tôi vẫn còn đó. Bà từng trình báo với hội phụ nữ, với công an xã nhưng không ai giúp được bà. Người ta chỉ nhắc nhở vài câu, hòa giải vài lần.

Chuyện bà bị đánh không giảm đi, đôi khi bố chồng tôi còn vin vào điều đó đánh bà ác liệt hơn. "Cho mày đi trình báo này", mỗi câu đay nghiến như thế kèm theo một cái đấm, cái đá khiến tôi nghĩ rằng, nếu không sớm rời bỏ gia đình này, thì rồi số phận tôi cũng sẽ hoàn toàn bị đòn roi nghiền nát, giống như mẹ chồng tôi.

Một lần, tôi không còn nhớ rõ nguyên nhân chồng mình nổi điên. Chỉ nhớ là tôi bị đánh rất tàn nhẫn. Chồng tôi còn khóa trái cửa lại. Tôi không nhớ rõ mình đã nhờ ai mở khóa và trốn ra ngoài lúc nửa đêm, chạy đến nương nhờ ở nhà chị con nhà bác. Ngày hôm sau, tôi nghe thấy chồng đánh tiếng nếu mà bắt được tôi là sẽ giết tôi.

Trong hoàn cảnh mịt mờ ấy, tôi lại nghĩ đến Ngôi nhà Bình yên. Lần này, tự tôi tìm ra Hà Nội xin tạm trú. May mắn là các bác lại mở rộng vòng tay đón tôi.

Trong những cuộc gọi về nhà, tôi được biết chồng tôi mỗi ngày đều đi đánh bài để kiếm tiền mua ma túy. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, được một thời gian thì chồng tôi bị bắt.

Từ Ngôi nhà Bình yên trở về, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi hiểu vì sao nhiều người phụ nữ như mẹ tôi, mẹ chồng tôi thường xuyên bị chồng bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác nhưng vẫn nghiến răng chịu đựng, vẫn không dám bỏ người chồng vũ phu ấy.

Có thể là bởi vì họ không có lựa chọn nào khác, có lẽ cũng bởi vì họ sợ hãi, tự ti, rằng khi một mình đi khỏi gia đình, họ sẽ không sống được, cũng có lẽ họ sợ sẽ trở thành câu chuyện đàm tiếu của cả làng.

Nghĩ thế, tôi quyết định vẫn cho chồng một cơ hội sửa sai. Chồng tôi hình như cũng biết lỗi, không đánh đập vợ như trước, nhưng tình trạng nghiện ma túy thì không cải thiện được.

Tôi vẫn nhớ cảm giác mỗi buổi sáng thức dậy, cảm thấy tương lai trước mắt sao mà mịt mờ. Rồi lại nghĩ mình còn trẻ thế này, mình có nên cứ để cuộc sống lay lắt như vậy.

Cuối cùng, tôi quyết định bỏ nhà ra đi, cũng là bỏ lại cuộc hôn nhân không hôn thú này.

Ươm mầm hi vọng

Lần thứ ba vào Ngôi nhà Bình yên, tôi đã rất khác tôi của trước kia. Thu lại cái vẻ bất cần đời, tôi bắt đầu chuyên tâm học hành, những mong tìm ra được một cơ hội để thay đổi cuộc đời.

Ban đầu, tôi được các bác hướng dẫn học ngành du lịch khách sạn. Nhưng bởi vì bỏ học đã lâu, tôi học tiếng Anh không vào.

Thấy tôi thật tâm muốn học nghề, bác Bích đã giới thiệu cho tôi về học bên dưỡng sinh Đông y. Không ngờ, tôi thích nghi rất tốt với công việc này, học hành phải nói là thuận lợi, và tôi theo nghề đến tận bây giờ.

Hết thời hạn ở Ngôi nhà Bình yên, tôi đi ra ngoài thuê phòng trọ và kiên trì đi đi về về để học nghề. Những ngày ấy không thể nói là không vất vả, nhưng tôi giống như tìm được ý nghĩa sống, rằng chỉ cần mình tự lực, thì mình có thể lựa chọn cuộc sống mà mình muốn.

Vừa học vừa làm được khoảng một năm thì tôi quyết định chuyển vào TPHCM. Phải 5 năm sau, những cơn ác mộng này mới thôi hành hạ tôi. Lúc này tôi mới biết, thời gian và sự bận rộn mới là liều thuốc chữa lành hiệu nghiệm nhất, hiệu nghiệm hơn nhiều so với cách nhảy nhót khi tôi còn nhỏ.

Suốt 5 năm ấy, chồng cũ của tôi nhiều lần tìm cách liên lạc và níu kéo. Cứ đến lễ Tết là anh ấy nhắn tin, gọi điện hỏi thăm. Nhưng tôi đã ngã một lần, tôi không còn muốn lặp lại bi kịch ấy nữa. Gọi điện tôi không nghe, nhắn tin tôi không trả lời.

Thời gian đã khiến mối hận của tôi đối với chồng cũ cũng nguôi dần. Thậm chí đôi lúc tôi còn thầm cảm ơn người đàn ông ấy. Vì những đối xử tệ bạc của anh mà tôi cố gắng vươn lên. Nếu không, cuộc đời tôi có lẽ mãi mãi sẽ bị trói chặt trong cuộc sống không nhìn thấy tương lai ấy.

Khi mọi chuyện dần lắng xuống, và khi kinh tế của tôi đã vững vàng, tôi quyết định về quê lập nghiệp. Nếu bám trụ ở TPHCM, tôi có lẽ sẽ đến già vẫn phải yên phận với việc làm thuê.

Lương vừa đủ sống, nếu lấy một người chồng cùng hoàn cảnh, thì hai vợ chồng phải bươn chải rất vất vả mới có thể chèo lái gia đình giữa thành phố đắt đỏ này.

Lúc tôi trở lại, nhiều người cũng nhìn tôi không thiện cảm, còn bàn ra tán vào. Quá khứ của tôi nhiều chuyện đến thế, tôi làm thế nào để bịt miệng thiên hạ. Mãi rồi cũng quen, tôi cứ làm việc của mình, không mấy để ý đến những thị phi của người khác.

Bến đỗ bình an

Đúng lúc này tôi gặp chồng mình bây giờ. Một người đàn ông vô cùng hiền lành, hiền đến mức bị những người miệng mồm nhanh nhẹn đến tán tỉnh tôi lúc ấy lấn lướt. Nhưng mà tôi nhìn trúng anh.

Người ta nói một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng. Tuổi tôi còn trẻ, tôi không thể ở vậy mãi. Kết hôn chỉ là chuyện sớm muộn. Nhưng lần này tôi chọn rất kỹ. Tôi mở to mắt để quan sát phẩm hạnh của chồng, của cả gia đình chồng.

Khi biết chồng tôi lớn lên trong một gia đình rất hạnh phúc, ở đó, bố mẹ con cái, anh em yêu thương, tôn trọng nhau thì tôi biết đây là người mà mình muốn sống chung.

Lúc đó một số người bảo tôi ngu, sao không chọn một người có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn, nhưng tôi biết, một người có đạo đức và biết yêu thương vợ con mới là người chồng mà tôi cần.

Hiện tôi là chủ một cái spa ở thị trấn quê tôi, hai vợ chồng có một cậu con trai và cuộc sống thật đúng là trong mơ, đến mức chính tôi nhiều khi cũng có cảm giác không biết là mơ hay thực.

Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn gửi gắm đến những người đang bị bạo lực gia đình là hãy cố gắng vượt qua sai lầm, vượt qua nghịch cảnh. Những gì mình đã phải trải qua thì mình không bao giờ xóa đi được hết. Những khó khăn giăng mắc trước mặt mình không hề ít.

Ngoài cố gắng đi ra khỏi nghịch cảnh, mình còn phải cố gắng vượt qua bản thân mình, vượt qua những người xem thường mình, cố gắng để mình có một tương lai sáng hơn.

Quãng đường ấy rất dài, rất gian nan, nhưng chỉ cần mình nỗ lực, mỗi ngày một chút, thế rồi đến lúc mình sẽ được cuộc sống bù đắp.

Giống như đóa hướng dương luôn muốn hướng về ánh mặt trời, chỉ cần bạn có quyết tâm và niềm tin yêu, hi vọng, bạn sẽ vượt thoát khỏi bóng tối, khổ đau để tự tìm được hạnh phúc cho chính mình.