Cục trưởng Cục Điện ảnh:

“Tôi không thể yêu cầu: Anh hãy làm một phim thật bản sắc đi!”

(Dân trí) - “Cứ mỗi năm chúng ta cố gắng hơn một chút, từ những điều nhỏ nhỏ cộng lại, tôi tin sẽ vực dậy được nền điện ảnh mà chỉ vài năm trước có người còn nói rằng: đã khủng hoảng đến tận đáy….”- Cục Trưởng Cục Điện ảnh có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Năm 2014, phim độc lập và phim tư nhân đặc biệt gây dấu ấn với khán giả qua những bộ phim Hương ga, Đập cánh giữa không trung... Tuy nhiên, đường đi của dòng phim độc lập vẫn còn nhiều gian nan, vất vả. Trong khi đó, dòng phim tư nhân còn nặng tính thương mại. Theo bà, liệu có thể nhìn thấy tính khả quan của những "diện mạo" mới này của điện ảnh Việt ?

Phim độc lập có thể tạm định nghĩa là những bộ phim hoàn toàn “tự lực cánh sinh” từ khâu kịch bản đến sản xuất, phát hành. Các nhà làm phim sẽ phải tự thân đi xin tiền từ các quỹ hỗ trợ để làm phim (phim độc lập trên thế giới cũng vậy). Nhiều người từng đặt câu hỏi, tại sao nhà nước không hỗ trợ? Nếu nhà nước hỗ trợ sẽ không còn gọi là phim độc lập nữa, lúc đó lại là phim được nhà nước đầu tư, đặt hàng.

Để có thể đứng ra tạo một quỹ riêng cho dòng phim độc lập hiện tại ở Việt Nam cũng rất khó. Biết là con đường đi của phim độc lập sẽ rất gian nan nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ họ qua các hoạt động như trại sáng tác, chợ phim… ở các kỳ liên hoan phim quốc tế. Chúng tôi chỉ có thể cho các bạn ấy sân chơi, cơ chế… để các bạn có niềm đam mê với điện ảnh có thể đứng ra làm phim độc lập, theo ý họ.

Trong tương lai, tôi nghĩ phim độc lập, cũng như phim tư nhân sẽ ngày càng có điều kiện, cơ hội ra mắt nhiều hơn về số lượng.

TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh
TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh

Một đạo diễn lâu năm của điện ảnh Việt đã nói, ông quan ngại khi nhìn điện ảnh Việt Nam hiện tại với đủ những hỗn loạn. Phim ngày càng nhảm nhí, học đòi theo phương Tây, câu khách bằng mọi giá, chỉ với mục đích thu tiền. Những bộ phim mang bản sắc văn hóa và đời sống người Việt hoàn toàn vắng bóng. Ý kiến của bà về vấn đề này?

Điện ảnh cũng như nhiều lĩnh vực khác đang đẩy mạnh xã hội hóa. Thị trường có quy luật riêng của nó và khi điện ảnh mở rộng thị trường sẽ phải chấp nhận quy luật. Điện ảnh Việt Nam nhiều năm nay đã có những bước chuyển mình và đang tuân theo quy luật thị trường. Quy luật nào cũng có mặt trái, mặt phải. Không thể phủ nhận, thị trường đã khiến không ít bộ phim chạy theo thị hiếu, câu khách bằng mọi giá… Nhưng phủ nhận tất cả là không nên.

Điện ảnh Việt đã và đang hô hào rất nhiều về bản sắc Văn hóa. Khán giả có thể tìm thấy rõ nét tính văn hóa trong các nền điện ảnh Iran, Nhật, Trung Quốc... Nhưng với điện ảnh Việt đương đại, bản sắc văn hóa ngày càng lu mờ. Lý do là gì, theo bà?

Tôi không thể đến nói với một đạo diễn rằng, anh hãy làm một bộ phim thật bản sắc đi!

Tại LHP quốc tế Hà Nội vừa có, điện ảnh Việt tham gia 2 bộ phim, trong đó Những đứa con của làng là phim nhà nước đặt hàng cho hãng phim tư nhân sản xuất, phim được đánh giá cao về tính nhân văn, và giàu bản sắc. Sắp tới đây, nhiều bộ phim khác được nhà nước đặt hàng các hãng tư nhân như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng rất giàu bản sắc văn hóa. Khán giả xem sẽ nhận thấy.

Có rất nhiều dòng phim cùng tồn tại song song, phim nhà nước đặt hàng để tuyên truyền cũng có, phim hài của các hãng tư nhân sản xuất với mục đích kinh doanh cũng có, phim nghệ thuật giàu bản sắc cũng có… Mục đích của chúng tôi là cân bằng các dòng phim.

Thực tế cho thấy, năm 2013- những bộ phim bị báo chí đặt tên là hài nhảm, thảm họa… rất nhiều. Nhưng đến năm 2014, số lượng phim thảm họa đã giảm hẳn.

Như vậy, cứ mỗi năm chúng ta cố gắng hơn một chút, từ những điều nhỏ nhỏ cộng lại, tôi tin sẽ vực dậy được nền điện ảnh mà chỉ vài năm trước có người còn nói rằng: đã khủng hoảng đến tận đáy.

Nếu đã khủng hoảng đến tận đáy, làm sao có thể vươn đến trời xanh trong ngày một ngày hai?

TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh
"Nếu điện ảnh Việt Nam đã khủng hoảng tận đáy, sao có thể vươn đến trời xanh trong ngày một, ngày hai?"

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ là diễn viên nổi tiếng (NSƯT Ngọc Lan), bố là một họa sĩ, ảnh hưởng của gia đình làm nghệ thuật đến bà như thế nào?

Từ nhỏ tôi đã lớn lên trong môi trường nghệ thuật, mọi thứ như đã ngấm vào mình rất tự nhiên. Từ khi còn là đứa trẻ, tôi đã được sống trong những câu chuyện điện ảnh hằng ngày, sống trong không khí sinh hoạt điện ảnh hằng ngày. Nhớ khi gia đình mua được chiếc TV đen trắng đầu tiên, tôi đã háo hức ngồi xem các bộ phim thời ấy như thế nào…

Bởi vậy khi đến với công việc điện ảnh, tôi thấy thoải mái, tự tin. Đây là công việc tôi đã được đào tạo, được trải nghiệm, được thử thách, lại có khoảng thời gian tách khỏi ngành để càng thấu hiểu thêm sự gắn bó với công việc này.

Biết công việc của ngành điện ảnh không đơn giản, giống như ai đó đã ví, đây là ngành mà ai muốn nói cũng được, ai muốn chỉ trích cũng được… Nhưng dù vất vả, tôi vẫn nỗ lực với công việc của mình để thỏa đam mê.

TS Ngô Phương Lan
TS Ngô Phương Lan

NSUT Ngọc Lan chia sẻ rằng, nữ diễn viên rất tự hào khi trong gia đình có con gái tiếp tục làm trong ngành điện ảnh. Còn bà, điều bà tự hào nhất về gia đình mình là gì?

Gia đình tôi sống theo tư duy, phong cách truyền thống. Gia đình tôi tôn trọng tình cảm, thủy chung, có trước có sau, cầu toàn, cẩn thận… Chính nhờ những điều ấy, tôi đã trưởng thành hơn, làm việc ít để xảy ra sai sót.

Cũng nhờ có gia đình, có bố mẹ làm nghệ thuật, tôi được bồi đắp nhiều về kiến thức, kinh nghiệm, ví dụ như trong hội họa của bố, tôi học được góc nhìn về nghệ thuật tạo hình, ánh sáng, và tôi học được ở mẹ tôi niềm đam mê với điện ảnh.

LHP quốc tế Hà Nội 2014 được ngợi khen về khâu tổ chức chuyên nghiệp với nhiều nỗ lực, cố gắng của Cục Điện ảnh. TS Ngô Phương Lan chia sẻ: “Thế giới có đến mấy trăm liên hoan phim quốc tế hằng năm, bởi vậy với một liên hoan phim 2 năm tổ chức một lần và còn mới như LHP Quốc tế Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn từ kinh phí tổ chức, điều kiện tổ chức đến việc tìm kiếm sự ủng hộ từ điện ảnh các nước trên thế giới. Tuy vậy, năm nay LHP quốc tế HN đã nhận được sự ủng hộ vượt bậc từ các nền điện ảnh thế giới với 130 phim tham dự. Các hoạt động bên lề LHP phong phú với 190 buổi chiếu phim trong đó 60 buổi chiếu có sự tham gia giao lưu của các đoàn làm phim”.

TS Ngô Phương Lan phát biểu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2014
TS Ngô Phương Lan phát biểu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2014

LHP quốc tế Hà Nội 2014 đặc biệt ghi nhận sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả trẻ. Kín rạp, ngồi chen chúc trên các lối đi… là hình ảnh của hầu hết các buổi chiếu phim. 2 bộ phim tham gia tranh giải của điện ảnh Việt là Đập cánh giữa không trungNhững đứa con của làng được khán giả đặc biệt yêu thích, đón nhận.

Để LHP diễn ra tốt đẹp, phía BTC đã phải bỏ công chuẩn bị trong thời gian dài, từ việc tuyển chọn từ hơn 400 bộ phim (vừa xem thô, chọn phim, làm phụ đề, lên lịch chiếu…) để có được 130 phim tham gia trình chiếu bên lề LHP. LHP quốc tế năm nay cũng nhận được sự tham gia xã hội hóa của nhiều tổ chức, cá nhân trong các hoạt động (trại sáng tác, chợ phim…).

LHP quốc tế Hà Nội 2014 với nỗ lực tổ chức hy vọng sẽ giúp điện ảnh Việt phát triển, hội nhập nhanh hơn với điện ảnh thế giới

Hiền Hương thực hiện