Tọa đàm "Nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Bảo tồn phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu"

Hương Hồ

(Dân trí) - "Nhiều người thực hành tín ngưỡng, hưởng lộc Mẫu nhưng chỉ lo làm giàu cho bản thân mà quên mất vai trò phụng sự đời sống", đồng thầy Hoàng Xuân Mai chia sẻ tại buổi tọa đàm diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 21/10 tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Công tác chuẩn bị và thực hành nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Bảo tồn và phát triển trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Chương trình do Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Hà Nội và CLB Bảo tồn Văn hóa thờ Mẫu và hát Văn Hà Nội phối hợp tổ chức, diễn ra thường niên hàng năm tại đền Rừng, Ngọc Thụy, Long Biên.

Tọa đàm thu hút hàng trăm nghệ nhân, thanh đồng,... đến từ các bản hội ở nhiều tỉnh thành về tham dự và đóng góp tham luận.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và đưa ra những ý kiến về việc chuẩn bị cho một nghi lễ thực hành tín ngưỡng và làm rõ một số vấn đề liên quan đến nghi lễ hầu đồng cổ truyền.

Theo đó, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng - Phó chủ nhiệm thường trực CLB thờ Mẫu và hát Văn Hà Nội cho rằng, trong tín ngưỡng này có rất nhiều nghi lễ thực hành khác nhau, mỗi tổ chức tín ngưỡng, mỗi cá nhân những người thực hành tín ngưỡng có tư duy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khác nhau.

Nhưng để thực hành nghi lễ hầu đồng phải có thanh đồng - là người có căn duyên với Tiên Thánh Tam Tứ phủ. Và để được gọi là thanh đồng thì người có căn đồng phải làm lễ trình Tứ phủ hay còn gọi là lễ mở phủ trình đồng…

Tất cả những điều cần có khi tiến hành nghi lễ đã được nghệ nhân Kim Hùng trình bày trong bài viết "Nghi lễ trình đồng Tứ phủ" như một tài liệu tham khảo để các nghệ nhân, đồng đền, đồng điện, thanh đồng tham khảo.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và đưa ra những ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan đến nghi lễ hầu đồng cổ truyền. Theo đó, nghi lễ hầu đồng cổ truyền và hát Chầu văn là một loại hình diễn xướng dân gian, thường diễn ra ở các đền, phủ, miếu nhằm tụng ca công đức của Thánh mẫu Liễu Hạnh và Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Loại hình diễn xướng này có vai trò trung tâm trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thể hiện rõ truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có ở nhiều địa phương, nhiều nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tọa đàm Nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Bảo tồn phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu - 1

NNƯT Đặng Ngọc Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam thẳng thắn khi đề cập đến thực trạng biến tướng hiện nay trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, Đạo Mẫu và hầu đồng bên cạnh những giá trị tốt đẹp thì tùy từng thời kỳ cũng thể hiện những khía cạnh phản giá trị. Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đặng Ngọc Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam đã thẳng thắn khi đề cập đến thực trạng lộn xộn, biến tướng hiện nay trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Một số thanh đồng có biểu hiện trục lợi tín ngưỡng, "hét giá" hầu đồng hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của con nhang đệ tử để dọa dẫm. Chẳng hạn, lấy chuyện hầu đồng thành "nhập đồng", đe dọa con nhang phải ra trình đồng mở phủ, nếu không sẽ rước họa vào thân, nguy hiểm đến tính mạng…

"Tôi xin khẳng định là không có chuyện thánh thần nào nhập vào thân xác phàm trần của các thầy cả. Rồi chuyện thanh đồng thuộc hàng con cháu, mới ra trình đồng mở phủ nhưng nói chuyện với các "con nhang" lớn tuổi toàn xưng "mẹ - con".

Chỉ có thể xưng như thế khi đang hầu thánh, đang ngồi trên sập công đồng. Còn ra khỏi nơi tôn nghiêm ấy là trở về với đời thường rồi. Cho nên các thanh đồng, đệ tử khi đến với đạo Mẫu phải có kiến thức nhất định để tránh bị trục lợi và đưa mình đi đúng đạo", NNƯTĐặng Ngọc Anh nói.

Một vấn đề khác nữa được NNƯTĐặng Ngọc Anh chỉ ra là hiện nay, không ít thanh đồng lên mạng phỉ báng tín ngưỡng của nhau; Lợi dụng mạng xã hội để kết bè phái, gây nên tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng đạo Mẫu.

Mặc dù Tọa đàm đưa ra nội dung chính là "công tác chuẩn bị" và "thực hành nghi lễ hầu đồng cổ truyền" nhưng các đại biểu tham dự cũng đã mở rộng tọa đàm để đề cập đến nhiều tình trạng bất cập, nhức nhối đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng thờ Mẫu, khiến nhiều người mất niềm tin.

Tọa đàm Nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Bảo tồn phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu - 2

Đồng thầy Hoàng Xuân Mai (Ảnh: Ban Tổ chức).

Là một thanh đồng, đồng thầy có nhiều năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại bản đền, cũng như có công tôn tạo, gìn giữ đền Rừng (Phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) đồng thầy Hoàng Xuân Mai cho rằng nhiều người thực hành tín ngưỡng, hưởng lộc Mẫu nhưng chỉ làm giàu cho bản thân.

"Những người thường xuyên thực hành di sản, trực tiếp là các thanh đồng phải là người có uy tín, được người dân tín nhiệm và làm được nhiều việc có ích cho chính nơi mình phụng hành tín ngưỡng.

Đạo và đời phải song hành với nhau, mang lại sự thay đổi tích cực bằng cách giúp đời giúp người chứ không thể chỉ có thực hành tín ngưỡng đơn thuần. Bảo tồn phải đi cùng với phát triển, mang lại lợi ích cho người dân thì giá trị tín ngưỡng mới bền vững và thu hút được nhiều người đi theo", đồng thầy Hoàng Xuân Mai nói.

Ngoài những tồn tại nêu trên, một thanh đồng ở phường Ngọc Thụy còn nêu lên thực tế, hiện một số nơi có hiện tượng "lợi ích nhóm" trong việc quản lý đền, phủ. Cách thức quản lý tiền công đức của các đền, phủ cũng cần có biện phát để minh bạch hơn, tránh làm thất thoát gây mất niềm tin của người dân nói chung và con nhang đệ tử nói riêng.

Qua buổi Tọa đàm này, các thanh đồng cho rằng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm để tìm một tiếng nói chung thống nhất; nghiên cứu và đưa ra bộ tài liệu với những thông tin tri thức chuẩn mực về tín ngưỡng thờ Mẫu, cách thực hành nghi lễ... để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch và lịch sự, góp phần làm lành mạnh hóa sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu…