Tô trát giếng cổ để đóng phim: Sự kệch cỡm... đau lòng!
(Dân trí) - PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học bình luận việc làm mới di tích cổ, làm giả dấu tích rêu phong trên giếng cổ ở đình Mông Phụ tạo bối cảnh phim là sự kệch cỡm, thiếu văn hóa.
Ngày 9/11, theo ghi nhận của PV Dân trí, giếng cổ đình Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội) đã được đoàn phim "Chuyện làng Bồm" cọ rửa lớp vôi ve bên ngoài, tuy nhiên không được như ban đầu.
Bề mặt bên ngoài giếng được đánh nhẵn bóng, mặt trong vẫn còn lưu lại lớp vôi đỏ thay vì màu rêu phong. Đó là chưa kể, việc đánh rửa khiến giếng cổ trông lem nhem, nguệch ngoạc.
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học bình luận hành động phá hoại di tích cổ của các thành viên đoàn làm phim không khác nào việc "đưa di tích trăm năm về… một tuổi".
Hành vi này nên được xem là ví dụ "kinh điển" trong việc ứng xử với các công trình di tích, danh lam thắng cảnh.
"Họ là những người làm trong lĩnh vực văn hóa nhưng lại thiếu ý thức. Cách họ làm đi ngược lại với văn hóa. Việc làm mới di tích cổ, làm giả dấu tích rêu phong để làm phim là sự kệch cỡm.
Đoàn phim đã xâm phạm đến di tích lịch sử quan trọng mà đáng lẽ chúng ta phải tôn trọng, bảo tồn, nâng niu", ông Huy nói.
Ông Huy cũng cho rằng, đoàn phim có thể gột bỏ được lớp vôi ve lòe loẹt bên ngoài nhưng những dấu tích rêu phong cổ kính của thời gian thì không thể khôi phục được.
"Đáng lẽ khi đã làm sai thì họ nên nhờ đến các chuyên gia văn hóa, những người có chuyên môn để khắc phục lại chứ không nên tự ý làm. Tôi nghĩ rất khó để trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng cổ, vì đó là những chất liệu khác nhau, tác động lên".
Liên tục dùng từ "đau lòng", "buồn" để nói về cách ứng xử với các công trình di tích cổ, danh lam thắng cảnh lâu nay, nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học ngậm ngùi thừa nhận, chúng ta phải mất hàng trăm năm mới có thể xây dựng, giữ gìn được các di tích cổ nhưng lại chỉ mất chốc lát để... phá bỏ.
Cách đây vài năm, di tích thành Cổ Loa (Hà Nội) cũng bị một đoàn làm phim xâm phạm nghiêm trọng khi tự ý sơn, làm mới lại nhiều khấu kiện lịch sử quan trọng để tạo bối cảnh, sau này dù đã khắc phục nhưng vết sơn vẫn không thể phá bỏ.
Trên thế giới, hành vi vẽ, viết bậy lên di tích bị xử phạt rất nặng. Ví dụ như Thái Lan, việc xâm hại di tích có thể chịu mức phạt tiền lên đến 10 triệu baht (khoảng 7 tỷ đồng). Ở Singapore mức phạt 2.000 SGD (tương đương khoảng 34 triệu đồng), thậm chí có thể phải ngồi tù.
Tại Việt Nam, quy định xử phạt với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật cũng đã có song mới chỉ dừng ở phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng.
Rõ ràng việc xử phạt này theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy là không đủ sức răn đe.
"Việc xử phạt vẫn chưa đến nơi đến chốn, hiếm trường hợp bị xử lý hình sự hành vi xâm hại di tích. Tôi nghĩ nhân việc này chúng ta cần có hướng xử lý mạnh tay hơn, quyết liệt hơn nhằm tránh tạo tiền lệ xấu đối với các trường hợp hủy hoại, xâm phạm vào các di tích ", PGS-TS Nguyễn Văn Huy bình luận.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí sáng 9/11, Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, hiện vụ việc mới được lập biên bản. Việc xử phạt hành chính hành vi tự ý bôi trát, tô vẽ vào giếng cổ của đoàn phim đang được xem xét xử lý.
"Sau sự việc này, Ban Quản lý sẽ tăng cường công tác quản lý. Nếu có việc quay phim tại di tích, chúng tôi sẽ cử cán bộ theo đoàn để giám sát, kịp thời nhắc nhở", ông Thạo khẳng định.
Trước đó, giếng cổ đình Mông Phụ (làng Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim hài Tết "Chuyện làng Bồm" tô vẽ, làm mới để tạo bối cảnh đóng phim gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận.
Các thành viên trong đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ trộn với keo sữa phủ lên bề mặt giếng, dùng bút vẽ màu đen phủ trát để tạo hình viên đá ong. Tiếp đó, vảy sơn màu xanh làm giả rêu phong.
Được biết, đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19. Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.
Giếng đình Mông Phụ (nằm bên mé phải của đình Mông Phụ) là giếng lớn nhất, được ví như "mắt Rồng", là điểm tham quan nổi tiếng ở Đường Lâm.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giếng Mông Phụ cũng như nhiều giếng cổ nằm rải rác trong làng Đường Lâm đều được bà con cẩn thận giữ gìn, bảo tồn qua nhiều thế hệ.