Tình cờ sở hữu tranh Picasso có chắc đã thành “triệu phú”?

(Dân trí) - Trên thế giới, đã có những người tình cờ sở hữu tranh Picasso, nhưng không phải vì thế mà ngay lập tức họ thành triệu phú!

Tranh Picasso bị nằm phủ bụi 50 năm trong bóng tối

Năm 2013, một số lượng tranh khổng lồ - 1.500 bức - bất ngờ được tìm thấy ở Đức, trong đó có những tác phẩm của danh họa Pablo Picasso. Các nhân viên điều tra đã tìm thấy kho tranh bí mật này tại một căn hộ cũ kỹ, bừa bộn ở Munich, Đức, do ông cụ Cornelius Gurlitt 80 tuổi đứng tên sở hữu.

Kho tranh này bấy lâu nay nằm im lìm trong vòng bí mật. Phát hiện này từng gây xôn xao mặt báo quốc tế. Quân đội Đức Quốc xã năm xưa đã từng sử dụng vũ lực để chiếm đoạt rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá của nhân loại. Cho tới hôm nay, vẫn còn rất nhiều tác phẩm quý từng bị Đức Quốc xã thâu tóm đang trong tình trạng mất tích.

81-19498
Một bức tranh của Picasso được tìm thấy trong kho tranh.

Người ta tin rằng rất nhiều tác phẩm bị mất tích ấy đang nằm trong tay những cá nhân giấu mặt. Như trường hợp ông Cornelius Gurlitt là một ví dụ. Trong suốt hàng thập kỷ qua, người đàn ông này đã âm thầm nắm giữ một số lượng tác phẩm nghệ thuật khổng lồ trị giá tới 1 tỉ euro (hơn 24.600 tỉ đồng).

Những bức tranh này đã được cha của ông Cornelius Gurlitt - nhà sưu tầm nghệ thuật Hildebrand Gurlitt - sở hữu bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp trong khoảng thập niên 1930-1940.

Số lượng tranh đồ sộ này về sau đã được ông Cornelius Gurlitt cất giữ bí mật. Ông này đã sống bằng việc thỉnh thoảng đem bán một vài bức tranh quý. Hoạt động bí ẩn của ông trên thị trường tranh Châu Âu đã thu hút sự quan tâm của các nhà điều tra.

Tình cờ sở hữu tranh Picasso có chắc đã thành “triệu phú”? - 2
Ngôi nhà của ông Cornelius Gurlitt ẩn giấu một bí mật lớn.

Ở tuổi 80, ông Cornelius Gurlitt bị phát hiện, tuy vậy, xét tới tuổi tác và sức khỏe đang suy sụp nhanh chóng của ông, nhà chức trách Đức đã đi tới một thỏa hiệp ôn hòa trước khi ông này qua đời năm 2014, rằng tất cả các tác phẩm do ông cất giữ bấy lâu sẽ được đem quyên tặng cho viện bảo tàng.

Các nhà chức trách hiện đang tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ nguồn gốc của từng bức tranh để trao trả lại cho những chủ nhân đích thực, mà vì những lý do lịch sử (dưới thời Đức Quốc xã) đã buộc phải đem bán tranh quý giá rẻ hoặc bị buộc phải từ bỏ tranh.

Giúp việc trong nhà Picasso sở hữu tranh quý của gia chủ

Trong sự nghiệp hội họa, Pablo Picasso đã thực hiện khoảng 50.000 tác phẩm ở nhiều thể loại. Với số lượng đồ sộ như vậy, việc bị mất gần 300 bức tranh là điều mà sinh thời ông không hề hay biết.

Một người thợ điện từng giúp việc trong điền trang của vị danh họa cùng với vợ của ông này đã phải ra đối chất trước tòa án thành phố Paris hồi đầu năm nay trước cáo buộc đánh cắp 271 bức tranh của Picasso.

83-f6e09

Ông Pierre Le Guennec xem lại những bản vẽ phác họa của Picasso.

Những bức tranh nghi bị đánh cắp này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 1900-1932. Ông Pierre và bà Danielle Le Guennec cho biết họ đã được người vợ thứ hai của vị danh họa tặng số tranh này, với tổng trị giá lên tới 80 triệu euro (1926 tỉ đồng).

Con trai của danh họa Picasso - Claude Picasso - khẳng định rằng cha mình “không bao giờ” cho phép tặng đi một số lượng tranh lớn như vậy.

Ông bà Guennec đã cất giữ số tranh này trong gara, mãi cho tới gần đây mới quyết định liên lạc với bên đại diện của gia đình Picasso để được xác thực là tranh thật.

Chỉ trong vòng vài ngày, các chuyên gia ở đây đã khẳng định những tác phẩm mà ông Pierre Le Guennec mang tới là thật. Cảnh sát ngay lập tức tới khám nhà vợ chồng ông Guennec.

Tình cờ sở hữu tranh Picasso có chắc đã thành “triệu phú”? - 4
Vợ chồng ông Guennec phải ra trước tòa.

Hiện tại, vợ chồng ông Guennec vẫn chưa bị kết tội, nhưng họ không còn được phép giữ các bức tranh của Picasso nữa. Nếu bị kết tội, cặp vợ chồng này sẽ phải đối diện với án phạt 5 năm tù và nộp phạt 375.000 euro (9 tỉ đồng).

Trước đây, lái xe riêng của Picasso - Maurice Bresnu - cũng từng sở hữu một số lượng tác phẩm của Picasso và cũng từng bị người nhà Picasso kết tội trộm cắp. Người cháu gái của Bresnu đã từng tiết lộ rằng Bresnu đã thú nhận với gia đình về vụ trộm. Khi đó, anh lái xe Maurice Bresnu đã rủ anh thợ điện Pierre Le Guennec lẻn vào nhà Picasso trộm tranh.

Thợ đóng khung tranh sở hữu tranh Picasso

85-1ad5b

Cũng trong năm 2015 này, cảnh sát Ý đã tìm thấy lại một bức tranh quý được thực hiện bởi danh họa Picasso. Bức tranh bị thất lạc này có giá trị vào khoảng 11 triệu bảng (354 tỉ đồng). Nó được tìm thấy lại sau khi một thợ làm khung tranh đã giải nghệ xin giấy phép để có thể bán bức tranh ra ngoài biên giới nước Ý.

Bức tranh sơn dầu được thực hiện từ năm 1912 có tên “Cây vĩ cầm và chai Bass” hiện đang được giám hộ bởi một biệt đội cảnh sát Ý chuyên điều tra về các tác phẩm nghệ thuật quý giá.

Người thợ làm khung tranh sinh sống ở thành phố Rome đã giải trình rằng ông được tặng bức tranh này hồi năm 1978 bởi một vị khách tốt bụng. Trước đó, người thợ đã giúp sửa một chiếc khung tranh miễn phí cho vị khách.

86-8a554

Người thợ đã giải nghệ này ban đầu không hề biết đây là tranh của Picasso, chỉ đơn thuần cất giữ nó làm kỷ niệm trong suốt 36 năm qua. Tuy vậy, vào năm ngoái, ông này đã tình cờ phát hiện ra giá trị thật của bức tranh và muốn hợp pháp hóa quyền sở hữu của mình.

Hiện giờ, chưa có bất cứ kết luận nào được đưa ra, người ta mới chỉ có thể khẳng định đây là một bức tranh do danh họa Picasso thực hiện, nhưng việc quyết định ai là chủ nhân hợp pháp của bức tranh cần phải được xác minh lại.

Bị “lật mặt nạ” vì giả vờ “tưởng bở” sở hữu tranh Picasso

Hồi giữa năm nay, một bức tranh giống hệt tác phẩm đã bị thất lạc từ lâu của Picasso - bức “Chân dung Khanweiler” - bất ngờ được tìm thấy trong chiếc vali cũ nằm phủ bụi trên tầng gác mái suốt hàng chục năm.

Một họa sĩ người Anh có tên Dominic Currie (58 tuổi) đã xuất hiện trên khắp các mặt báo và tỏ ra sửng sốt trước phát hiện bất ngờ của mình. Ông Currie cho biết đã tìm thấy một bức tranh giống hệt tác phẩm của vị danh họa trong chiếc vali cũ của người mẹ quá cố.

b
Ông Dominic Currie và bức tranh giống với bức “Chân dung Khanweiler” của Picasso.

Sau khi mẹ ông qua đời 15 năm, Currie mới quyết định dọn dẹp các đồ đạc của bà và tình cờ tìm thấy bức tranh này trong một chiếc vali cũ. Vốn là họa sĩ, ông Currie ngay lập tức nhận ra bức tranh giống hệt tác phẩm bị thất lạc của Picasso.

Sau đó, bức tranh còn được gửi tới nhà đấu giá Christie’s để phân tích và chẳng mất nhiều công sức, người ta đã khẳng định được đây là tranh giả. Thậm chí, người ta còn biết được rằng chính ông Currie là tác giả bức tranh và ông này đã dàn dựng toàn bộ vụ việc nhằm thu hút sự quan tâm của báo chí.

Sau khi bị bại lộ, ông Currie điềm nhiêm nói rằng mình đang thử nghiệm một cuộc “sắp đặt nghệ thuật”. Ông này đã dựng lên toàn bộ câu chuyện về cuộc tình giữa người mẹ quá cố và một người lính Nga - người đã tặng cho bà bức tranh bí ẩn.

88-cf02a
Tranh giả do Currie vẽ (trái) và tranh thật của Picasso (phải).

Sau khi phát hiện ra tấm ảnh chân dung của một người lính Nga đã được ông Currie tìm mua trên mạng để dùng làm “đạo cụ diễn kịch”, toàn bộ sự dối trá liền bị lộ tẩy.

Ngay lập tức, các bạn bè cũ của ông này ở trường Đại học đã lên tiếng, cho biết rằng ngay từ thời tuổi trẻ, ông Currie đã là một họa sĩ không đáng tin, hay đi sao chép ý tưởng. Bản thân ông này cũng đã phải lên tiếng xin lỗi vì cuộc “sắp đặt nghệ thuật” vô bổ của mình.

Bích Ngọc
Tổng hợp

vanhoa-4fc8b

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm