Xung quanh bức tranh của Picasso được cho là “xuất hiện ở Việt Nam”

Ngay sau khi LĐO đăng bài “Tranh của Picasso xuất hiện ở VN ?”, chúng tôi đã nhận được khá nhiều thông tin xung quanh sự việc trên. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có một kết luận thuyết phục, liệu bức tranh hiện thuộc sở hữu của ông Lê Thành Công (thường trú xã Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là do danh họa Pablo Picasso vẽ hay không.

 

30-d5b53

Bức tranh được cho là của danh họa Picasso vẽ, hiện đang có mặt tại VN

Nhằm làm rõ thực hư sự vụ, chúng tôi đã gửi thư điện tử đến nhà đấu giá Christie (Hồng Kông) tham vấn ý kiến. Ngày 13/8, ông Elaine Holt – Giám đốc phụ trách tranh về trường phái ấn tượng và nghệ thuật hiện đại – đã trả lời chúng tôi qua thư điện tử.

Bảo tàng quốc gia Pháp xác nhận với Phóng viên PetroTimes về bức tranh có tên danh họa Picasso đang “lưu lạc” ở Việt Nam. Theo ông Elaine Holt: Christie không có chuyên gia thẩm định tranh về thể loại này tại Việt Nam. Ông Elaine Holt đã yêu cầu cung cấp hình ảnh, kích thước thực tế, xuất xứ, chủ thể bán và mua, thời gian mua – bán bức tranh… từ đó, nhà đấu giá Christie mới có thể đưa ra kết luận.

31-7b82f
Ông Lê Thành Công bên bức tranh đang có nhiều bí ẩn phải xác minh làm rõ

Ông Elaine Holt khẳng định sẽ xác minh bức tranh một cách chân thực nhất. Đồng thời, ông Elaine Holt cũng gửi cho chúng tôi qua thư điện tử hình ảnh một bức tranh giống hết tranh do ông Lê Thành Công đang có. Ông Elaine Holt nói bức tranh có tên “Nature morte a la Dame-Jeanne” được Picasso vẽ vào năm 1959. So sánh với bức tranh ông Công đang sở hữu, các chi tiết về đường nét nội dung, chữ ký Picasso, gần giống y hệt nhau…

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Trung tâm nghệ thuật hiện đại Georges Pompidou, thuộc Bảo tàng quốc gia Pháp, có trụ sở tại Paris. Đây cũng là nơi chuyên lưu giữ tranh của danh họa Pablo Picasso. Bà Jeanne Yvette Sudour - chuyên gia phụ trách tranh của danh họa Picasso, cũng xác nhận bức tranh của ông Công sở hữu chỉ là “phiên bản” của bức tranh mà Bảo tàng quốc gia Pháp đang có và đang được trưng bày tại đây. Tuy nhiên, khi chúng tôi gửi nhiều bức ảnh chụp cận cảnh bức tranh của ông Công, đề nghị 2 nơi trên cho biết thêm ý kiến, thì không thấy Christie và Bảo tàng pháp hồi âm…

32-faf2b
Nhiều người đã tìm đến nhà ông Công chiêm ngưỡng bức tranh lạ

Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu về tranh – nhất là với tranh của Picasso – ông Trần Hải Minh (Việt kiều Đức), hết sức quan tâm đến thông tin về bức tranh trên của ông Công. Từ bài báo trên Lao Động, ông Minh đã tìm gặp ông Công, tận mắt mục sở thị bức tranh… Theo ông Minh, khung bức tranh trên thể hiện không tinh xảo, có thể do ai đó đóng tạm để nẹp bức tranh. Riêng bức tranh, được vẽ trên vải toan, màu vẽ bằng sơn dầu… Nét vẽ, thể hiện người vẽ rất “cao thủ”, có chuyên môn về nghệ thuật, chứ không đơn giản là sao chép, vẽ giả… Mặt khác, chất liệu vải, màu mực bức tranh trông cũ kỹ, có thể phù hợp với thời gian của bức tranh… Vì vậy, có thể nói, với bức tranh của ông Công, xác nhận giữa tranh thật do Picasso vẽ và tranh do người khác vẽ là 50:50. Ông Minh cho rằng, đây là vấn đề rất phức tạp, còn phải làm rõ nhiều phương diện, nhất là phải xác minh chính xác xuất xứ, nguồn gốc, đường đi của bức tranh từ Pháp về Việt Nam... từ đó mới đưa ra kết luận chính xác là tranh của Picasso hay không phải của Picasso. Ông Minh đã ghi lại nhiều hình ảnh bức tranh và ông Lê Thành Công. Ông Minh cho biết sẽ nhờ bạn bè trong giới nghệ thuật ở nước ngoài, giúp ông Công làm rõ “số phận” bức tranh trên.

Phản ánh với PV Lao Động vào ngày 13/8, ông Lê Thành Công cho biết chính quyền và công an tỉnh Bình Dương đã có liên lạc với ông Công. Chiều ngày 14.8, ông Công sẽ có buổi làm việc với cơ quan chức năng địa phương để bàn phương án bảo vệ, tiếp tục truy tìm nguồn gốc, lai lịch của bức tranh trên. Ông Công cũng cho biết thêm: Ông đã tìm lại được người bán bức tranh trên cho ông cách đây gần một năm. Từ người này, ông sẽ gặp lại bà cụ - chủ nhân bức tranh trước đây, để làm rõ lai lịch bức tranh bí ẩn có tên Picasso, hiện ông đang sở hữu.

Theo Cao Hùng
Lao động