Tiết lộ về geisha xinh đẹp từng trở thành "nàng thơ" của danh họa Picasso
(Dân trí) - Sada Yacco là một trong những geisha nổi tiếng nhất mọi thời đại. Với nhan sắc tuyệt mỹ, bà từng trở thành "nàng thơ" của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Châu Âu.
Sada Yacco sinh ngày 18/7/1871, là con út trong gia đình có 12 người con. Gia đình bà quản lý một cửa hàng lớn vừa bán sách vừa trao đổi tiền tệ ở Nihonbashi, Nhật Bản, vì thế họ có kinh tế khá giả.
Nhà văn Leslie Downer từng miêu tả về gia đình Sada Yacco rằng: "Mẹ của Sada, Otaka Koguma là một người đẹp nổi tiếng. Thời trẻ, bà đã làm việc trong một thời gian dài tại dinh thự của một daimyō, một lãnh chúa cấp tỉnh. Cha của Sada, Hisajiro Koyama, là một người đàn ông điềm đạm, tốt bụng. Khi kết hôn với Otaka, ông ấy chuyển đến sống trong ngôi nhà của gia đình và thừa kế công việc kinh doanh".
Khi Sada Yacco lên bảy tuổi, cha bà làm ăn sa sút, nợ nần chồng chất nên đã gửi con gái đến làm giúp việc tại nhà geisha Hamada ở quận Yoshicho, Nhật Bản. Ba năm sau, cha của Sada Yacco qua đời và Kamekichi, bà chủ của nhà geisha Hamada nhận Sada làm con nuôi.
Vào mùa đông năm 1883, ở tuổi 12, Sada Yacco tổ chức lễ ra mắt với tư cách là một o-shaku, nghĩa là người rót rượu sake, một geisha tập sự. Khi đó bà Kamekichi đã cảm nhận được, Sada Yacco lớn lên sẽ trở thành một ngôi sao rực rỡ trong ngôi nhà geisha của mình.
Để đảm bảo rằng sự nghiệp của Sada Yacco sẽ phát triển vững chắc, Kamekichi đã cho Sada Yacco đi học để biết đọc và biết viết. Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời Sada Yacco bởi trường học đầu tiên ở Nhật Bản dành cho nữ giới (chỉ dành cho phụ nữ quý tộc) mở vào năm 1870. Geisha được kỳ vọng là những phụ nữ hiện đại, tạo xu hướng và những kỹ năng đọc, viết đã đưa Sada đi trước đám đông các geisha cùng thời với bà.
Sada Yacco cũng được học judo, học cách cưỡi ngựa và chơi bi-a. Sada Yacco thậm chí còn tham gia các cuộc đua ngựa chuyên nghiệp và tên tuổi của bà ngày càng nổi tiếng. Thời điểm đó, Sada Yacco cũng đã khám phá ra một khả năng mới của mình đó diễn xuất.
Vào tháng 10/1893, Sada Yacco kết hôn với nam diễn viên Otojirō Kawakami. Otojirō là một diễn viên có tài nhưng lại không giàu có và liên tục gặp rắc rối với các chủ nợ. Sau ba năm thăng trầm, cặp đôi từng suýt ly hôn vào năm 1896. Sau đó, cặp vợ chồng nổi tiếng tới Mỹ tìm kiếm các cơ hội phát triển công việc.
Khi đến Mỹ, Sada Yacco đã trở thành một nữ diễn viên. Ban đầu, đoàn kịch của bà gặp khó khăn nhưng sau đó họ nhanh chóng gặt hái được thành công to lớn. Khán giả San Francisco, Mỹ gọi bà và chồng là "Henry Irving và Ellen Terry của Nhật Bản". Nhiều tờ báo viết về Sada Yacco rằng: "Cô ấy chính là geisha nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, người được khán giả tôn sùng. Cô ấy có thể làm mê mẩn bất cứ ai, ngay cả một số đông người phương Tây không thể hiểu những gì cô ấy nói".
Sada Yacco đã giành được sự kính trọng của siêu sao khiêu vũ Isadora Duncan và được một người nổi tiếng khác là diễn viên Loïe Fuller giúp đỡ. Loïe Fuller đã mở cửa nhà hát ở Paris, Pháp cho Sada Yacco và thậm chí còn đóng vai trò thông dịch viên trong các cuộc phỏng vấn của Sada Yacco với tạp chí nước ngoài.
Năm 1900, Sada Yacco vượt Đại Tây Dương để đến Paris, Pháp. Bà và các nghệ sĩ biểu diễn vở kịch The Geisha and the Knight và thành công ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên một đoàn kịch Nhật Bản xuất hiện ở Pháp và mọi chuyện đối với Sada Yacco vô cùng suôn sẻ.
Tại Châu Âu, thành công của Sada Yacco tiếp tục kéo dài trong nhiều năm. Sada Yacco với nhan sắc tuyệt mỹ đã trở thành "nàng thơ" của nhiều nghệ sĩ. Bà xuất hiện trong một số bức tranh của danh họa Pablo Picasso và một trong số ít những bức ảnh còn lại tới ngày nay của Sada Yacco được chụp bởi Pablo Picasso. Claude Debussy, nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng cũng đã lấy cảm hứng từ Sada Yacco khi sáng tác nhạc.
Trong thời gian khá dài, Sada Yacco đóng vai trò là thần tượng và "nàng thơ" cho các nghệ sĩ Pháp. Bà còn được thương hiệu mỹ phẩm hạng sang Guerlain tạo ra nước hoa mang tên Yacco để tỏ lòng kính trọng. Trong thời kỳ này, Sada Yacco đã tung ra nhiều loại mỹ phẩm và kimono của riêng mình, được bán trong một cửa hàng mang tên bà ở trung tâm của Paris, Pháp.
Nghệ thuật trang điểm của Sada Yacco dựa trên phong cách của geisha đã tạo ra một hình thức làm đẹp khác lạ ở châu Âu. Bà chuộng son môi đỏ, lớp phấn nền dày và tô phấn mắt màu đen. Phụ nữ Paris rất yêu thích Sada Yacco và được truyền cảm hứng từ cách sống của bà. Sada Yacco đáp lại lời khen ngợi một cách rất khéo léo rằng: "Mọi thứ đều phù hợp với phụ nữ Pháp. Mọi thứ đều khiến họ trông đẹp hơn vì ở Paris, tất cả đều tinh tế. Những người dân Paris đều là nghệ sĩ".
Khi trở về Nhật Bản vào năm 1901, Sada Yacco không còn là một ngôi sao nữa mà trở thành một nhân vật nổi tiếng quốc tế được những người đương thời coi là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, tự do. Bảy năm sau, bà mở trường sân khấu đầu tiên dành cho phụ nữ.
Năm 1911, chồng của Sada Yacco qua đời và sau đó một thời gian, Sada Yacco khơi lại mối quan hệ của mình với doanh nhân Momosuke Fukuzawa, người khi đó đã kết hôn. Bất chấp những lời chỉ trích mà họ nhận được về mối quan hệ của mình, cặp đôi luôn ủng hộ sự nghiệp của nhau trong hàng chục năm gắn bó.
Vào tháng 9/1917, Sada Yacco tuyên bố giải nghệ và tham gia thành lập công ty tơ lụa Kawakami. Vào tháng 12/1924, bà cũng thành lập trường nhạc kịch dành cho trẻ em. Năm 1933, Momosuke và Sada Yacco chia tay sau 20 năm bên nhau.
Sau khi chia tay bạn trai, Sada quyết định bán ngôi nhà của bà ở Futaba, Nhật Bản và sử dụng số tiền thu được để xây dựng một ngôi đền bên cạnh sông Kiso, Nhật Bản. Những ngày cuối đời, Sada phát hiện ra mình bị ung thư gan đã di căn sang cổ họng. Bà được con gái nuôi và cháu gái chăm sóc bên giường bệnh. Sada Yacco qua đời vào năm 1946, hưởng thọ 75 tuổi.