Cuộc đời nàng geisha từng bị đuổi học vì... quá đẹp
(Dân trí) - Geisha Manryu sinh năm 1894 từng được bình chọn là cô gái đẹp nhất Nhật Bản. Hình ảnh của cô một thời được in trên hàng loạt tấm bưu thiếp của xứ hoa anh đào.
Akasaka ngày nay là một khu dân cư và thương mại của Minato, Tokyo, Nhật Bản, nằm ở phía tây của trung tâm chính phủ ở Nagatacho và phía bắc của quận Roppongi. Akasaka từng là một phường của thành phố Tokyo từ năm 1878 đến năm 1947.
Thời kỳ Edo, còn gọi là thời kỳ Tokugawa, từ năm 1603 đến năm 1868, khu vực này xuất hiện hàng loạt dinh thự Samurai. Sau khi tướng quân Tokugawa Ieyasu nắm quyền kiểm soát Nhật Bản và dời đô đến Edo (Tokyo ngày nay), ông đã bố trí các chiến binh của mình để bảo vệ phía tây của lâu đài Edo vì vị trí thuận lợi của khu vực đồi núi đã tạo thành một trạm gác hoàn hảo.
Sự đổ bộ đột ngột của các chiến binh đến khu vực này cũng thu hút các thương gia, điều này dẫn đến việc Akasaka dần trở thành một khu vực thương mại. Xu hướng này vẫn tiếp tục kéo dài cho đến khi tầng lớp chiến binh không còn tồn tại và các Samurai Akasaka được thay thế bằng các chính trị gia, binh lính và công chức, tất cả đều cần được ăn uống và giải trí.
Sau thời Minh Trị Duy tân, nhiều nhà hàng cao cấp kiểu Nhật Bản và hơn 100 nhà geisha đã mở cửa ở Akasaka. Khách của họ là những người đàn ông quyền lực và có ảnh hưởng nhất Nhật Bản, Akasaka nhanh chóng trở thành một trong những khu vực giải trí nổi tiếng nhất ở Nhật Bản.
Sự nổi tiếng của Akasaka một phần là nhờ vào geisha Manryu. Manryu sinh khoảng năm 1894 với tên gọi Shizu Tamukai. Khi mới 7 tuổi, cô vào một ngôi nhà geisha ở Akasaka có tên là Harumoto và được đào tạo về nghệ thuật múa, ca hát và giải trí truyền thống. Ngày đó, một geisha đẳng cấp nhất là đối tượng được ngưỡng mộ của rất nhiều đàn ông và mức độ nổi tiếng của họ tương đương với một ngôi sao truyền hình hay một thần tượng của thời bây giờ.
Khi những người chàng trai trẻ Nhật Bản được cử ra mặt trận để tham gia cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1904 - 1905, họ cần điều gì đó để nhắc nhở họ luôn nhớ về quê hương và cổ vũ họ. Hoàn cảnh đó đã sinh ra những tấm bưu thiếp in hình những người phụ nữ xinh đẹp để an ủi, động viên những người đàn ông đi chiến đấu. Tuy nhiên những tấm bưu thiếp đó cũng nhanh chóng trở nên phổ biến đối với những người bình thường và được mọi người yêu thích. Các tấm bưu thiếp đó chính là nơi Manryu xuất hiện và được biết tới rộng rãi.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, Manryu đã được ca tụng vì nhan sắc tuyệt trần. Thậm chí có những câu chuyện cho rằng, Manryu bị đuổi học vì ngoại hình đẹp của cô đã làm các học sinh khác mất tập trung. Manryu được lựa chọn làm người mẫu cho các tấm bưu thiếp in hình cô gái xinh đẹp, nhờ đó, Manry đã trở thành một ngôi sao.
Nhiều người nói, Manryu có thể được coi là người phụ nữ hiện đại nổi tiếng đầu tiên của Nhật Bản. Thời điểm đó, có những câu nói phổ biến kiểu như: "Khi nói đến rượu sake, đó là Masamune, còn khi nói đến phụ nữ, đó là Manryu". Có thời điểm, nàng geisha duyên dáng thậm chí còn được bầu chọn là người phụ nữ xinh đẹp nhất Nhật Bản, điều đó mang lại danh tiếng hơn nữa cho Akasaka - quê hương của cô.
Manryu đã trở nên nổi tiếng như một người mẫu xinh đẹp hoàn hảo cho các tấm bưu thiếp và cô được xếp hạng hàng đầu trong số các geisha theo một cuộc bình chọn về độ nổi tiếng do Bungeikurabu, một tạp chí văn học thời kỳ Minh Trị thực hiện vào năm 1909.
Vì sự nổi tiếng của cô, "câu chuyện về Manryu" là bài đăng nhiều kỳ thu hút độc giả trên một tờ báo. Cô còn xuất hiện trên áp phích của cửa hàng bách hóa nổi tiếng có tên là Mitsukoshi, là gương mặt quảng cáo của nước tương Kikkoman và du lịch bằng tàu hơi nước. Tên của cô cũng được sử dụng trong một bài hát nổi tiếng. Nữ tác giả Shigure Hasegawa từng ca ngợi vẻ đẹp của Manryu trong cuốn sách mang tên Kindai Bijinden (Câu chuyện của những người đẹp hiện đại).
Geisha Manryu kết hôn với một sinh viên tốt nghiệp đại học Teikoku (ngày nay là đại học Tokyo, Nhật Bản) và là tiến sĩ khoa học tư pháp Yoichiro Tsunekawa sau khi cô được anh cứu trong lúc suýt chết đuối trong trận lũ lụt tại một quán trọ ở Hakone. Tuy nhiên, chồng cô đã qua đời vì bạo bệnh chỉ sau khi kết hôn vài năm.
Cô tái hôn với kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Shinicihro Okada, người từng giảng dạy tại đại học Waseda và trường mỹ thuật Tokyo. Sau khi người chồng thứ hai qua đời, Manryu đã tham gia giảng dạy nghệ thuật trà đạo. Manryu - geisha nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào qua đời vào tháng 12 năm 1973, thọ 79 tuổi.