Thuý Hạnh: “Nhiều lúc tôi “đứng hình” khi nghe con hỏi làm nghề gì để có tiền?”

(Dân trí) - Thuý Hạnh kể rằng, nhiều khi chị bị “đứng hình” trước câu hỏi của các con “Mẹ ơi, sau này con phải làm nghề gì để kiếm được thật nhiều tiền?”.

Chia sẻ trong chương trình “Vui sống mỗi ngày” phát sóng trưa 4/3, cựu người mẫu Thuý Hạnh kể rằng, chị biết kiếm tiền từ năm 13 tuổi. Từ đó đến nay, chị chưa bao giờ phải xin tiền mẹ kể cả lúc khó khăn nhất. Khi biết làm ra tiền, Thuý Hạnh trân trọng hơn những đồng tiền do mình “đổ mồ hôi sôi nước mắt” làm ra.

Thuy Hanh 10.jpg

Thuý Hạnh tiết lộ, chị biết kiếm tiền từ năm 13 tuổi nhờ buôn bán poster diễn viên phim Hồng Kông.

Theo lời Thuý Hạnh, thế hệ chị thời đó (khoảng 10 tuổi trở lên) đều rất mê phim Hồng Kông và thường thần tượng những diễn viên trong phim. Mỗi khi được bố mẹ cho một món tiền nho nhỏ ăn sáng sẽ dành dụm lại để mua poster ảnh các diễn viên mà mình thần tượng về treo.

Một lần được bố dẫn vào TP.HCM chơi, Thuý Hạnh tình cờ gặp được một cửa hàng chuyên bán buôn poster ảnh diễn viên Hồng Kông và máu kinh doanh nổi lên.

Chị mua poster đó về tự đóng khung rồi treo nhờ cửa hàng tạp hoá của ông bà ngoại để bán. Sau khoảng 1 năm, chị đã dành được đủ số tiền để chuyển qua mua số lượng tranh về bán buôn cho các cửa hàng. Kỷ niệm đó cho đến bây giờ chị vẫn nhớ và thỉnh thoảng chị vẫn kể lại cho hai cô con gái của mình nghe.

Tiền không phải là giấy mà phải lao động rất cực khổ mới kiếm được bởi vậy tôi luôn dặn các con phải biết trân trọng đồng tiền mình có. Các con được ăn ngon, được mặc đẹp, được học trường tốt… là nhờ biết bao công sức mà bố mẹ đã bỏ ra. Khi các con hiểu được điều đó, các con sẽ trân trọng hơn những đồng tiền mà các con đang sử dụng”, Thuý Hạnh chia sẻ.

Theo Thuý Hạnh, có những lần chị dẫn các con đi nhà sách và chị quan sát xem các con sẽ mua sách như thế nào. Khi cô chị vừa cầm một cuốn sách lên thì cô em lật mặt sau ra xem giá. Nhìn thấy giá sách quá cao, cô em liền cuống quýt bảo chị đổi cuốn khác ít tiền hơn.

Thuy Hanh 4.jpg

Thuý Hạnh về hai con gái.

Tức các bé hiểu rằng mình cần mua những cuốn sách thật sự cần thiết và phù hợp với đồng tiền mình được phép sử dụng chứ không phải tiêu hoang phí. Điều đó khiến tôi thấy rất vui.

Kể cả chuyện ăn uống cũng thế, thỉnh thoảng tôi cho các con ra ngoài ăn đồ các con yêu thích. Nhưng khi đọc ra các món Hàn, Nhật, Thái, Việt Nam… để các con lựa chọn thì câu đầu tiên các con sẽ hỏi “Đồ nào là giá tiền vừa phải nhất hả mẹ?”. Nghĩa là trong đầu sẽ luôn nghĩ cho ba mẹ trước, sợ tốn tiền của ba mẹ”, cựu người mẫu họ Bùi kể thêm.

Thuý Hạnh chia sẻ, chị không cho các con sử dụng đồng tiền quá sớm. Khi các con vào học tiểu học thì chị sẽ cho các con hiểu về việc sử dụng tiền như thế nào cho hợp lý.

Chẳng hạn, mỗi khi đưa cho con tiền mua thứ này thứ kia, chị sẽ giải thích để các con hiểu, nên mua như thế nào chứ không phải đưa tiền cho con để con tự ý muốn mua thế nào thì mua. Và chị cũng thường giải thích để con hiểu đồng tiền đó từ đâu ra. Tức là bố mẹ phải làm việc vất vả như thế nào để kiếm được đồng tiền đó.

Các bé nhà tôi cũng kiếm được tiền đấy, chẳng hạn như đi chụp hình với mẹ được trả cát-sê. Mỗi lần như thế mẹ đều chia cho các con và đưa số tiền được chia đó vào sổ tiết kiệm. Cả tiền mừng tuổi dịp tết cũng thế. Tôi sẽ tổng kết lại và cho con biết con được ngần này tiền mừng tuổi rồi lưu vào sổ tiết kiệm cho con. Tôi cũng cho con biết, số tiền này là của con và sau này khi con cần dùng đến con được phép dùng nó”, Thuý Hạnh tiết lộ thêm.

Cựu người mẫu gốc Hà Nội cho rằng, chị không khuyến khích việc cho con tiền hàng ngày hoặc cho con số tiền lớn. Chị chỉ cho con một số tiền khi con trình bày được kế hoạch sử dụng đồng tiền của mình một cách rõ ràng.

Bây giờ các con tôi vẫn xin tiền mẹ nhưng xin với mục đích rất rõ ràng. Ví dụ, con bảo: “Hôm nay trường con tổ chức ngày hội và mẹ cho con tiền để con mua vé tham gia ngày hội nhé?”, nếu con nói thế tôi sẵn sàng đồng ý.

Thậm chí, tôi còn cho con thêm một khoản để có thể khi tham gia ngày hội con sẽ mua nước uống hoặc đồ ăn. Nhưng tôi để ý thì thường cuối ngày khi về nhà, các con sẽ trả lại tiền thừa cho tôi. Tôi không hề dặn các con mà các con tự làm điều đó.

Thuy Hanh 7.jpeg

Gia đình hạnh phúc của Thuý Hạnh - Minh Khang.

Nhưng cũng có những lúc hai đưa về tự mắng nhau, tôi ngồi lái xe mà nghe cứ buồn cười. Cô chị về mách: “Mẹ ơi, hôm nay em Suti (con gái út của Thuý Hạnh) dại lắm, em Suti góp tiền với các bạn để mua kem, mua nước… nhưng cuối cùng các bạn ăn hết mà em lại không có gì để ăn”. Tức là các bé đủ trưởng thành để hiểu các con đang bị thiệt thòi trong vấn đề đấy.

Có những hôm con sẽ tự nói: “Mẹ ơi, đáng ra hôm nay con dư tiền để trả mẹ nhưng con thấy bạn không có tiền mua nước vì bố mẹ bạn không cho nên con mua nước tặng bạn được không mẹ?”, tôi rất vui khi nghe con nói điều đó. Ít ra là các con đã biết chia sẻ với các bạn bè khác. Mặc dù đồng tiền đó các con sử dụng trước khi xin phép mẹ nhưng sử dụng rất xứng đáng”.

Thuý Hạnh kể rằng, nhiều khi chị bị “đứng hình” trước câu hỏi của các con “Mẹ ơi, sau này con phải làm nghề gì để kiếm được thật nhiều tiền?”. Các con còn biết bây giờ những cái gì phải có tiền mới mua được và những cái gì không mua được. Chính những điều đó càng khiến chị thấy bối rối khi đối diện với những câu hỏi của con trẻ.

Hà Tùng Long