Thuận Yến- Người mở đường cho những cuộc thi giọng hát hay

(Dân trí)- Từ 20 năm trước, nhạc sỹ Thuận Yến đã là người đi tiên phong mở đường cho các cuộc thi giọng hát hay rầm rộ phát triển…

Nhạc sỹ Thuận Yến nổi tiếng trên Đài Tiếng nói Việt Nam khá lâu, từ khi còn trên chiến trường Trị Thiên rực lửa. Anh nói vui “cái tên Thuận Yến là do Đài đặt, bởi là một người con xứ Quảng nhớ quê hương anh lấy tên xã Duy Thuận là quê nội, xã Duy Yên là quê ngoại để đặt bút danh Thuận Yên, khi gửi về Đài, biên tập viên đã đánh nhầm là Yến, từ đó anh đành chấp nhận cái tên Thuận Yến.

Chúng tôi trước ngày giải phóng, mỗi khi viết bài về phong trào nỗi dậy ở miền Nam đều thường dùng bài “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”của Thuận Yến để minh họa và, hết sức lý thú khi giật lên nhưng câu hát: Mẹ đã đứng lên! Mẹ đã đứng lên đôi bàn tay không cầm vũ khí! Chỉ có niềm tin và sức mạnh chân lý!
 
Gia đình nhạc sỹ Thuận Yến
Gia đình nhạc sỹ Thuận Yến

Trong những ngày Tổng tấn công nổi dậy, thì bài “Mỗi bước ta đi!” luôn luôn vang lên với những câu hát: Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hoà, vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng” ... thật ra bài này anh viết từ 10 năm trước đó, mà cứ như anh vừa viết ra ngay trên đường tiến về Sài gòn vậy.

Biết về anh khá kỹ, về những sáng tác cũng như gia đình anh, vì vợ anh- Nghệ sĩ ưu tú Hồ Hương là trưởng đoàn ca nhạc dân tộc của Đài, nhưng được làm việc cùng nhau thì phải mãi đến những năm sau đổi mới. Anh về Đài để nhận trách nhiệm Trưởng ban Ca nhạc, bởi vậy, cách nhìn của chúng tôi đối với anh là làm sao để mang lại sức sống mới cho các chương trình ca nhạc của Đài chứ không phải là nói về sự nghiệp sáng tác của Thuận Yến.
 
Ảnh kỷ niệm cuộc thi hát ở tỉnh Nam Định. Nhạc sỹ Thuận Yến là người đứng ngoài cùng bên phải
Ảnh kỷ niệm cuộc thi hát ở tỉnh Nam Định. Nhạc sỹ Thuận Yến là người đứng ngoài cùng bên phải

Trước đây, chỉ riêng Đài “độc quyền”, phát chương trình gì thì dân nghe chương trình đó, đến thời kỳ này, riêng phát thanh đã chủ trương để người nghe lựa chọn. Truyền hình đã mạnh lên, nếu chương trình phát thanh không hay, không có gì mới thì người nghe sẽ quay lưng lai với Đài. Nhưng muốn có bài hát mới, thì từ sáng tác đến biên tập, dàn dựng, thu thanh hàng trăm chương trình, đòi hỏi kinh phí, nhân lực rất lớn. Trong điều kiên như vậy, anh Thuận Yến và các nhạc sĩ Vũ Thanh, Cát Vận, Phan Phúc, Dân Huyền, Thế Song, Văn Dung, Lương Nguyên, Vũ Thiết... mở ra một hướng mới, đó là đi tìm giọng hát hay từ trong quần chúng ở khắp các địa phương trên cả nước.

Nói là làm, một cuộc thi giọng hát hay được phát động, hàng trăm người già trẻ, gái trai trong Nam ngoài Bắc kéo nhau về Hà Nội. Thí sinh dự thi với tư cách cá nhân, tôi nhớ có cô gái ở Yên Bái phải bán cả đôi lợn mới có đủ tiền về Hà Nội dự thi. Mỗi người chỉ cần hát hai bài. Có đến hàng ba trăm mấy mươi người đợt đầu đến dự thi đã kéo dài cả tháng ... Rất may, có tổ chức phương pháp câu lạc bộ của nhạc sỹ Nguyễn Cường hỗ trợ. Cuối cùng cũng tìm được hàng chục giọng hát mang hơi thở cuộc sống khá mới mẻ để tổ chức một đêm công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Những cuộc thi hát ngày xưa do nhạc sỹ Thuận Yến và bạn bè tổ chức
Những cuộc thi hát ngày xưa do nhạc sỹ Thuận Yến và bạn bè tổ chức

Những khó khăn về công tác tổ chức tưởng chừng như không thể tiếp tục những cuộc tìm kiếm giọng hát mới. Rất may, vào thời điểm này, chính phủ giao công tác quản lý các Đài Phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố về cho Đài TNVN và Đài THVN. Thế là chúng tôi xúm vào giúp Thuận Yến tổ chức cuộc thi giọng hát hay trên toàn quốc với sự cộng tác của 52 Đài phát thanh, Phát thanh truyền hình từ Bắc chí Nam.

Quy chế đề ra khá cụ thể, mỗi Đài PTTH tỉnh thông qua hình thức sơ tuyển chọn từ 3-5 giọng hát hay đại diện cho tỉnh về thi khu vực. Khu vực miền núi và trung du phía Bắc, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Hà nội, khu vực miền Trung và Tây nguyên, khu vực miền Tây Nam Bộ và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Mỗi khu vực chọn ra khoảng 8-10 giọng hát hay và như vậy, vòng chung kết toàn quốc sẽ cố định trong khoảng 40-50 chục người thuộc hai dòng nhạc: dân gian và tân nhạc nói chung.

Nhạc sĩ ở Đài có nhiều người giỏi, nhưng Thuận Yến chủ trương phải kéo những nhạc sỹ địa phương và am hiểu vùng miền vào việc tuyển chọn ở các khu vực. Bởi vậy, dẫu lâu rồi, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh các nhạc sỹ Hồ Hữu Thới ( Nghệ An), Trần Hữu Pháp (Thừa Thiên Huế), Thái Nghĩa (Đà Nẵng ), nữ nhạc sỹ người dân tộc Linh Nga NiêcĐam ở Đắc Lắc đã hết sức tận tuỵ để tìm cho ra những giọng hát như Vân Khánh, Y Dắc, Chil Trinh…
 
Những cuộc thi hát ngày xưa do nhạc sỹ Thuận Yến và bạn bè tổ chức

Một trong những nguyên tắc tuyển chọn giọng hát hay, theo Thuận Yến, đó là không để ai đó chi phối để ưu ái. Giọng hát khi cất lên đã được công khai trước hàng triệu khán thính giả, nếu mình bị chi phối thì sẽ phản lại ngay mình, mình đi tìm ngọc mà lại bỏ ngọc để nhặt đá... thì thà đừng làm còn hơn, ấy vậy, mà có lúc Thuận Yến buồn bởi có người đã định dùng mấy trăm đô la (cách đây hơn 20 năm không nhỏ) để mong anh ưu ái...

Để tạo nên những sự kiện âm nhạc đối với các địa phương đăng cai, anh đã mời những nhạc sỹ tên tuổi ở Trung ương như Huy Du, Huy Thục, Quý Dương, Phan Huỳnh Điểu, Lưu Nhất Vũ … tham gia rồi giao lưu cùng khán thính giả đia phương. Đến bây giờ, nhiều người còn nhắc mãi những cuộc thi giọng hát hay gắn liền với tên tuổi Thuận Yến ở Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Dương…

Sức hút của những cuộc tìm kiếm giọng hát hay ngày càng lớn, có những vòng chung kết khó khăn lắm mới mở màn đươc vì đông khán giả đến mức khách mời VIP không vào nổi. Cùng với tìm giọng hát mới, các chương trình cũng mở ra hướng tương tác với người xem, người nghe. Phải nói rằng chương trình Trò chơi âm nhạc của VOV kết hợp với VTV ngày ấy do nhạc sỹ Lương Nguyên chủ trì hết sức ấn tượng.

Đang sung sức, nhưng cũng quá tuổi nghỉ hưu, tôi nhớ hôm mở tiệc tiễn Thuận Yến. Anh tâm sự, giờ anh trút được gánh nặng về công tác quản lý để có thời gian sáng tác theo sở thích. Khi hỏi anh, anh lo ngại gì nhất, anh nói, sợ nhất là không vượt qua chính mình. Nhưng vượt qua tuổi tác, những sáng tác của anh sau ngày nghỉ hưu vẫn tươi trẻ như ngày mới “Chia tay hoàng hôn” , các tình khúc Em đang ở đâu (1991), Biển và em (1997), Màu tím tình yêu (1998), Khúc hát tặng anh (2001)...

Năm 2002 đúng tuổi thất thập, tác phẩm tuyển tập 117 ca khúc ghi lại chặng đường 35 năm sáng tác của anh, trong đó có gần 1/3 là những tác phẩm viết sau tuổi nghỉ hưu. Khi anh mang tặng tôi cuốn sách, thấy tôi hỏi về một số bài mà tôi có dịp nghe nhưng không thấy trong cuốn sách, anh cười, và giải thích, chưa hết vì khuôn khổ cuốn sách, và đây là tuyển tập chứ không phải tổng tập, cho nên còn nhiều bài không đưa được. Ngay chủ đề về Bác Hồ có 24 bài thì chỉ dám đưa vào 14 bài, và khi xem lại các bài hát ấy, tôi đã viết bài “Thuận Yến- nhạc sĩ viết nhiều bài hát về Bác Hồ nhất”.
 
Bút tích nhạc sỹ Thuận Yến
Bút tích nhạc sỹ Thuận Yến

Hôm thứ bảy 17/5, một biên tập trẻ bên VOV gọi điện xin tôi bài viết này, làm tôi giật mình, có vấn đề gì với nhạc sỹ Thuận Yến chăng? Nhưng nghe biên tập viên nói, xin để làm chương trình kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác, tôi thở phào nhẹ nhõm!

Vậy mà đúng thứ 7 tuần này 24/5 anh đã ra đi! Những kỷ niệm về các chuyến đi tìm giọng hát hay cùng anh vẫn còn còn mãi.

Tôi viết bài này khi trên truyền hình đang phát đi một buổi thi giọng hát. Hàng tuần, hàng năm, Đài này Đài nọ vẫn tổ chức các cuộc thi đi tìm tiếng hát, tôi nhớ đến những đêm thảo luận đến gay gắt trong hội đồng sơ khảo, chung khảo của những bậc thầy sáng tác, biểu diễn… Mỗi lần tham dự các cuộc thi chúng tôi lại nhớ đến Thuân Yến- người đã mở đường đi tìm giọng hát hay trên khắp các vùng miền từ 20 năm trước.

 
Nguyễn Lương Phán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm