“Thời tiết” là đề tài... hấp dẫn của âm nhạc kinh điển?

(Dân trí) - Thời tiết là một đề tài thoạt nghe không “bắt tai” nhưng thực tế lại xuất hiện khá nhiều trong các nhạc phẩm đình đám.

Các nhà nghiên cứu khí tượng ở 5 trường đại học hàng đầu của Anh gồm Southampton, Oxford, Newcastle, Nottingham và Reading đã cùng hợp tác để thực hiện một thống kê thú vị về tính dự báo thời tiết trong các… nhạc phẩm nổi tiếng. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam ca sĩ Mỹ - Bob Dylan là người hay “dự báo thời tiết” nhất trong giới ca sĩ - nhạc sĩ.

Bob Dylan (74 tuổi) là một trong những ca sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử âm nhạc và văn hóa đại chúng Mỹ. Với sự nghiệp đã kéo dài gần 6 thập kỷ, Bob Dylan từng một thời được coi là người phát ngôn đại diện cho một thế hệ trẻ của Mỹ - thế hệ từng chứng kiến những bất ổn trong đời sống xã hội Mỹ.

Bob Dylan từng nổi tiếng với nhạc phẩm “Blowin’ in the
Wind”

Bob Dylan từng nổi tiếng với nhạc phẩm “Blowin’ in the Wind”

Những nhạc phẩm nổi tiếng của Bob Dylan hồi thập niên 1960 đã phản ánh những câu chuyện chính trị - xã hội đương đại của Mỹ. Trong đó, nhạc phẩm “Blowin’ in the Wind” (1962) được Bob Dylan sáng tác trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, đã từng được coi là bài hát gắn liền với những hoạt động bênh vực nhân quyền và phản chiến ở Mỹ.

Mới đây, một khảo sát vui đã phát hiện ra rằng Bob Dylan không chỉ là một nghệ sĩ vĩ đại của âm nhạc Mỹ, mà còn là… một nhà dự báo khí tượng thông qua những nhạc phẩm của mình. Bob Dylan hẳn đã tìm thấy rất nhiều cảm hứng từ một chủ đề thoạt nghe tưởng như nhàm chán - thời tiết - để rồi tạo nên những nhạc phẩm bất hủ.

Người ta thống kê được rằng trong 542 bài hát của ông, có tới 163 bài đề cập tới thời tiết, tương đương gần 1/3. Con số này đã khiến Bob Dylan trở thành ca sĩ - nhạc sĩ đề cập tới thời tiết nhiều nhất trong các nhạc phẩm của mình.

Dylan rất nổi tiếng với nhạc phẩm “Blowin’ in the Wind” (tạm dịch: Thổi trong tiếng gió), hay như nhạc phẩm “Subterranean Homesick Blues” có câu hát tạm dịch như sau: “Bạn không cần một nhà khí tượng học để biết gió thổi hướng nào”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Bob Dylan quan tâm, nhạy cảm và đề cập nhiều tới thời tiết như vậy, có thể là bởi ông lớn lên ở khu vực khí hậu khắc nghiệt của nước Mỹ - bang miền bắc Minnesota.

Ngày nắng...

Ngày nắng...

Đứng ngay sau quán quân Bob Dylan là ban nhạc lừng danh của Anh - The Beatles, ban nhạc đã đề cập tới những thông tin thời tiết trong 48/308 nhạc phẩm do họ sáng tác hoặc biểu diễn, chiếm tổng số 16%. Đáng kể trong số này có những bài hát mang đặc trưng thời tiết như “Good Day Sunshine” (tạm dịch: Ngày nắng đẹp) hay “Rain” (Mưa).

“Rain” được sáng tác bởi John Lennon và Paul McCartney, lấy cảm hứng từ một chuyến đi tới Melbourne (Úc), khi đó, Lennon nói với các bạn rằng anh “chưa bao giờ nhìn thấy mưa ở đâu dữ dội đến thế, ngoại trừ mưa ở Tahiti” và Lennon cũng thấy rất thú vị khi “người dân ở đây bình luận, than vãn về thời tiết suốt cả ngày”.

Về sau, thành viên George Harrison của The Beatles cũng viết nhạc phẩm “Here Comes the Sun” sau khi anh rời khỏi một cuộc gặp thuần túy mang ý nghĩa giao tế công việc hồi tháng 4/1969, để tranh thủ tận hưởng một ngày mà theo Harrison là “ngày nắng đầu tiên của năm”.

Cũng chính trong tháng 4/1969 này, nước Anh có tới 189 tiếng đồng hồ được mặt trời chiếu sáng, một kỷ lục mà mãi tới năm 1984 mới bị phá vỡ. Như vậy, tháng 4/1969 là một trong những tháng ngày rực nắng nhất và George Harrison đã viết “Here Comes the Sun” (tạm dịch: Mặt trời đến rồi).

Ngày nắng...

Ban nhạc The Beatles đứng thứ hai trong bảng thống kê thú vị khi 16% nhạc phẩm của họ đề cập tới thời tiết.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra những nghệ sĩ hoặc ban nhạc đứng vào vị trí thứ 3, thứ 4, thứ 5… bởi mức độ đề cập tới thời tiết của các nghệ sĩ khác đều sàn sàn nhau.

Nghiên cứu được thực hiện trên 15.000 bài hát được đưa vào một hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu, từ đó, các nhà nghiên cứu lọc ra được 419 bài hát có đề cập tới những thông tin thời tiết.

Người đứng đầu nghiên cứu - tiến sĩ Sally Brown của trường đại học Southampton khẳng định: “Chúng tôi rất bất ngờ về mức độ thường xuyên mà thời tiết được đề cập tới trong âm nhạc đại chúng, cho dù đó là một cụm từ đơn giản hay là cả chủ đề của bài hát”.

Trong số những bài hát có đề cập tới thời tiết thì nắng - mưa - gió là 3 yếu tố thời tiết được đề cập tới nhiều nhất. Những loài hình thời tiết cực đoan như bão táp, lốc xoáy ít khi được đề cập tới hơn.

Ngày mưa...

Ngày mưa...

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng mặt trời “luôn gắn liền với những cảm xúc tích cực trong khi đó mưa có thể gắn với cả cảm xúc tích cực và tiêu cực”.

Sau thống kê này, người ta có thể khẳng định rằng trong những nghệ sĩ hát tiếng Anh, không ai có được nhiều cảm hứng từ thời tiết như Bob Dylan và The Beatles. Thậm chí để tìm được những nghệ sĩ xứng đáng đứng vào vị trí thứ 3, thứ 4, thứ 5… cũng là rất khó.

Yếu tố thời tiết, nắng mưa, nóng lạnh… không chỉ xuất hiện trong các nhạc phẩm mà còn truyền cảm hứng cho tên của các ban nhạc khi người ta thống kê được 30 ban nhạc có những cái tên liên quan tới thời tiết như Coldplay hay Wet Wet Wet.

Phần lớn những bài hát đề cập tới thời tiết đều là mượn thời tiết để nói về cảm xúc, chẳng hạn như yêu đương hoặc buồn bã khi tan vỡ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng thời tiết là một đề tài mang tính toàn cầu và hẳn cũng xuất hiện khá nhiều trong văn hóa âm nhạc đại chúng của nhiều quốc gia khác.




Bích Ngọc
Theo Daily Mail
(Email: vanhoa@dantri.com.vn)