Thổ cẩm Việt - sứ giả văn hoá vươn ra thế giới
(Dân trí) - Sự kiện thời trang Việt Nam mà biểu trưng là BST bằng chất liệu thổ cẩm của NTK Minh Hạnh đã chiếm trọn vẹn tình cảm của đông đảo quan khách trong đêm 14 tháng 9 tại khán phòng của trụ sở Liên Hiệp Quốc, Geneve Thụy Sỹ.
Sự thành công này bắt nguồn từ chất liệu truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam với ý nghĩa sâu sắc từ cuộc sống trên những vùng cao. Với ngôn ngữ riêng, trang phục riêng. Họ sinh sống bằng nghề làm ruộng, tự dệt vải từ những loại cây lanh, cây bông, cây dâu và nuôi tằm. Công cụ dệt rất thô sơ, họ tự làm ra khung dệt. Nhuộm vải từ những cây, lá, củ trong rừng.
Những ý nghĩa này đã được ông GERARD Boivineau (nguyên là Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ chí Minh ) dẫn dắt sống động, tình cảm.
Hơn 10 năm trước, Pháp đã trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương cho NTK Minh Hạnh. Việt Nam Fashion Week, Việt Nam Collection Grand Prix; là cầu nối giữa Pháp và Việt Nam... ngày càng giúp ông hiểu thêm về văn hoá Việt.
NTK Minh Hạnh chọn thổ cẩm của người H’Mông Tây Bắc đặc biệt tại vùng cao Hà Giang và chọn thổ cẩm của các dân tộc sống ở miền Trung như thổ cẩm dệt Zèng của người Tà Ôi, ALưới Huế, thổ người H’Rê tại Làng Teng, Bato, Quãng Ngãi. Với ý nghĩa của thổ cẩm, NTK Minh Hạnh diễn đạt chân dung của thời trang Việt Nam ngày hôm nay và tương lai bằng những khuynh hướng thời đại.
Khái niệm về vải thổ cẩm được NTK Minh Hạnh trao đổi với những người yêu thời trang như sau:
Dệt vải cũng chính là một sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của cuộc sống. Họ biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt.
Hoa văn đều hướng vào đời sống thực và hướng vào thiên nhiên. Giữa thiên nhiên và con người được nghệ thuật phản ánh là một sự hòa đồng, gắn bó không thể tách rời. Các mô típ hoa lá, động vật được trang trí trên đồ dệt đều có thực trong cuộc sống và hữu ích cho con người.
Hoa văn ngoài biểu hiện tâm tư tình cảm thì đối với các cô gái còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái được mẹ tặng cho bộ váy áo, như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tặng mẹ đẻ và mẹ chồng. Váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ.
Trở về già, họ còn lo thêm bộ váy, áo đẹp để mặc khi về với tổ tiên. Cứ vậy với chu kỳ đời người phụ nữ, nghệ thuật trang trí hoa văn như tín hiệu văn hóa được bảo lưu, trao truyền nhiều thế hệ, bản sắc văn hóa tộc người luôn được phát triển liên tục. Dòng đời người phụ nữ trôi qua, dòng hoa văn cứ chảy mãi theo bàn tay tài năng của họ và hoa văn được dệt trên vải là sự bảo tồn nền văn hoá của các dân tộc.
Như vậy, nghệ thuật tạo hình dân gian trên trang phục phản ánh bản chất tốt bụng, hiếu khách, trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh, vừa mạnh mẽ, vừa giàu tình cảm; phóng khoáng, vô tư chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng cao.
Thông qua bộ sưu tập thổ cẩm, NTK Minh Hạnh đã giới thiêu một cách sinh động nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Rất lý thú và được đánh giá cao là sắc màu thổ cẩm Việt đã trở thành thời trang hiện đại được dư luận đánh giá cao. Sau buổi biểu diễn, nhiều người muốn đặt hàng ngày, nhiều hãng thời trang tìm liên hệ kết nối.
BST thổ cẩm của NTK Minh Hạnh được trình diễn tại khán phòng của trụ sở Liên Hiệp Quốc
PV
Ảnh: Robin