Rực rỡ sắc màu thời trang Việt ở Trụ sở Liên hiệp quốc tại Geneve
(Dân trí) - Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở Geneve khẳng định, đây là sự kiện đặc biệt, cho thấy sức sống của thời trang Việt, chứng minh cho sự đa dạng của các dân tộc đang được khai thác để vươn ra thế giới.
Trong khuôn khổ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam và 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc; cùng Lễ kỷ niệm trang trọng với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổng thư ký Asean Lê Lương Minh, các quan chức LHQ, các tổ chức Quốc tế, đại sứ các nước và Lãnh đạo chính phủ và các bộ, ngành Thuỵ Sỹ, một chương trình thời trang do nhà thiết kế Minh Hạnh chủ trì đã được đông đảo khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.
Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở Geneve khẳng định, đây là sự kiện đặc biệt, cho thấy sức sống của thời trang Việt, chứng minh cho sự đa dạng của các dân tộc đang được khai thác để vươn ra thế giới.
Có thể nói, lần đầu tiên tại khán phòng lớn nhất của Palais des Nations (Cung điện các quốc gia) xây dựng từ năm 1929 và 1938 tại Geneve, Thụy Sĩ và được mở rộng vào đầu những năm 1960, hình ảnh Viêt Nam đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt.
Không gian của khán phòng được trang trí bằng tre và hoa sen. Tất cả khách tham dự đều ngạc nhiên khi bước vào khán phòng, nơi đã ghi dấu nhiều quyết định quan trọng của thế giới.
Họa sỹ Trần Trọng Linh - một nghệ sỹ định cư ở Pháp là tác giả thiết kế sân khấu đã tạo nên không gian để cho những chiếc áo dài màu trắng mang sắc cờ của 193 nước tung bay tha thướt duyên dáng cùng những chiếc nón lá bài thơ xứ Huế Viêt Nam. Cả ngàn khán giả bày tỏ sự ngạc nhiên.
Ông Mukhisa Kituyi - Đại diện Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ, Đại sứ Dương Chí Dũng tặng hoa cho các nghệ sỹ, người mẫu.
Sau màn áo dài, lời giới thiệu về ý nghĩa của chất liệu thổ cẩm được ông Gerard Boivineau (nguyên Tổng Lãnh sự Pháp tại Việt Nam) dẫn dắt đưa người xem về với núi rừng Việt Bắc, Tây Nguyên trên nền tiếng đàn piano điêu luyện của nghệ sỹ Phó An Mi.
Với mong muốn thể hiện bản sắc Việt qua chất liệu thổ cẩm của 54 dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của người Mông, dệt Zèng của Alưới Huế và của người H’Rê làng Ba Tơ, Quãng Ngãi. Thông điệp chính của BST được giới thiệu lần này chính là vẻ đẹp của một Việt Nam ngày hôm nay, vẻ đẹp ấy được phát triển và bắt nguồn từ những giá trị truyền thống và hướng đến tương lai.
Với mục đích này, NTK Minh Hạnh đã hoàn toàn chinh phục tất cả Đại sứ và đại diện của những đất nước có mặt tại khán phòng.
Có những khách mời đã nán lại đến phút cuối chỉ để được nhìn cận và chạm vào những chi tiết trên bộ sưu tập. Có những khách mời Việt Nam đã không cầm được nước mắt vì sự tự hào khi nhìn thấy chân dung của Việt Nam ngày hôm nay.
Lần đầu tiên Việt Nam ra mắt tại Liên Hiệp quốc đã để lại những ấn tượng rõ nét và thật sự đặc biệt với quan khách. Văn hóa vẫn là con đường chính thống để chạm vào trái tim của mỗi con người dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Cũng cần phải nói thêm, cũng với các nhà thiết kế, các nghệ sỹ, các hoa hậu, Á hậu như Ngọc Hân, Thanh Tú, các người mẫu từ trong nước sang, sự tận tụy làm bất cứ việc gì của các cán bộ và chuyên viên trong phái đoàn ngoại giao Viêt Nam đã góp phần làm nên sự thành công mỹ mãn này.
... Người đẹp nhân ái Thủy Tiên, người mẫu Hải Yến trong chiếc áo dài bằng thổ cẩm Zèng của người Tà ôi, Alưới, Huế.
Lần đầu tiên Việt Nam ra mắt tại Liên Hiệp quốc đã để lại những ấn tượng rõ nét và thật sự đặc biệt với quan khách.
PV
Ảnh: Robin