Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Ngày 11/12, Hội thảo khoa học: "Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch" đã diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh.

Hội thảo do Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - 1

Hội thảo khoa học: "Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch"

Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) với 47 năm trụ thế

Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo lập, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, có đóng góp to lớn không chỉ đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam; không chỉ trong quá khứ, mà còn có nhiều ảnh hưởng và giá trị gợi mở đối với hiện tại và tương lai.

Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm mục đích nghiên cứu, thảo luận, làm rõ hành trạng, sự nghiệp tu hành và vai trò, vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung; Thiền học của đệ Nhị tổ Pháp Loa; khai thác và phát huy những giá trị và sự gợi mở từ sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Phật giáo Trúc Lâm nói chung đối với đời sống đương đại.

Thiền sư Pháp Loa - một nhà tu hành chứng đắc 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết, Nhị tổ Pháp Loa tục danh là Đồng Kiên Cương, hiệu là Thiện Lai, Pháp danh là Pháp Loa, tôn hiệu là Phổ Tuệ Minh Giác, Tịnh Trí Đại Tôn Giả ... Ông sinh giờ Mão, ngày 17 tháng 5, năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), mất giờ Ngọ, ngày mùng ba tháng 3 Năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ hai (1330) thọ  47 tuổi.

Năm tháng tại dương gian học tập tu Thiền và hoằng dương Phật pháp không dài, nhưng Ông đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung.

Thiền sư Pháp Loa quê quán tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, bên sông Nam Sách nay thuộc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Tục danh của Sư là Đồng Kiên Cương.

Tên của ông gắn với những tình tiết thần kỳ còn truyền lại về việc bà mẹ sinh hạ ông. Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Sư 21 tuổi. Năm này ông có nhân duyên được gặp Nhân Tông Điều Ngự khi xa giá Điều Ngự đến sông Nam Sách và trở thành đại đệ tử của Ngài. Sư được Điều Ngự Trần Nhân Tông đặt hiệu là Thiện Lai, chỉ dạy, khai ngộ và sau truyền y bát cho ông.

Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - 2

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho hay, nói tới Pháp Loa, người ta nhắc tới một nhà tu hành chứng đắc, có tổng kết và truyền thụ kinh nghiệm tu tập cho các thế hệ học trò. Ông là một biểu tượng quy tụ, truyền đăng tục diệm, phát triển Phật giáo Trúc Lâm, một khâu truyền thừa quan trọng và xuất sắc làm phát triển Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam nói chung, góp phần làm nên những đỉnh cao của Phật giáo đời Trần.

Ông kế thừa và phát triển Thiền Trần Nhân Tông, làm cho những tinh thần và ý tưởng của Trần Nhân Tông rạng tỏa và phát triển nó, cả hai phương diện kế khai đều xuất sắc.

Pháp Loa được tôn vinh là một trong Trúc Lâm Tam Tổ, đời đời phụng thờ

Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định: Thiền sư Pháp Loa là một ánh sao sáng trên bầu trời Thiền Trúc Lâm đời Trần. Bên cạnh các vị tổ Trúc Lâm, Ngài - đệ nhị Trúc Lâm với hạnh nguyện của bậc chân tu không ngừng hoạt động hết mình vì Phật pháp.

Sự lựa chọn để trao quyền y bát và kế vị tiếp nối sự nghiệp quản lý Giáo hộ Trúc Lâm cho thấy dự đoán tinh tường và cách nhìn sâu sắc của vị Đệ nhất Tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông.

Xuôi dòng lịch sử dân tộc, Lịch sử Phật giáo Việt Nam mãi mãi ghi nhận trong trang vàng khắc tên một bậc Thiền sư chân chính, có nhiều đóng góp của Giáo hội Trúc Lâm, Phật giáo đời Trần và tiếp nối tinh thần nhập thế ấy cho Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

"Ngài mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường chính pháp cho mỗi bước đi của hàng hậu học, là giá trị và tấm gương phản chiếu vì một Giáo hội, một nền Phật giáo dân tộc phát triển, ổn định và bền vững với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam" - Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh.

Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - 3

Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhận định, Pháp Loa là một nhà tổ chức tài năng của giáo đoàn Trúc Lâm, nhà hoằng pháp rất hiệu quả và có ảnh hưởng xã hội sâu rộng, một nhà hoạt động xã hội rất có ảnh hưởng đời Trần. Ông là học giả, người chủ trì việc soạn sách, in kinh, dịch kinh, giảng kinh.

Pháp Loa là một nhà tư tưởng có nhiều đóng góp cho sự tiếp nối tư tưởng Phật giáo Việt Nam giai đoạn rực rỡ nhất, phát triển tư tưởng Thiền, dung hợp Thiền Mật... Ông là một nhà sư phạm có phương pháp truyền thụ tốt, nhiều học trò đắc pháp. Ông là một nhà hoạt động chính trị và một nhà văn hóa, một tác gia văn học có nhiều đóng góp...

Trong Thiền phái Trúc Lâm Ông có vai trò rất nổi bật. Nếu Sơ tổ Trần Nhân Tông là người mở dòng, kiến tạo thì Pháp Loa là người kế tục, triển khai, người thực thi các phương châm của Sơ Tổ cả trên phương diện lãnh đạo tinh thần và dẫn dắt về tổ chức.

Việc trao truyền y bát của môn phái cho Pháp Loa thể hiện tầm nhìn và sự đánh giá rất sáng suốt của Sơ Tổ Trần Nhân Tông - và người mà được ông lựa chọn đã không phụ thầy mình, trở thành ngọn đèn pháp rực sáng với nhiều công lao.

Pháp Loa đã phát triển Phật giáo Việt Nam về phương diện học thuật, phương diện thực hành tu tập, chứng ngộ giải thoát khiến cho tầm vóc của Phật giáo Việt Nam xứng đáng trở thành một phần quan trọng có đóng góp cho Phật giáo thế giới.

"Các kinh nghiệm tu tập của các tổ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam được ông tập thành và phát huy... Sự nghiệp tu hành và sự nghiệp văn hóa của Pháp Loa là lớn lao, người đời tôn Ông làm một trong Trúc Lâm Tam Tổ, đời đời phụng thờ và tưởng nhớ" - ông Sơn nhấn mạnh.

TS Thích Phước Đạt, Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM khẳng định: Dưới dự điều phối của Giáo hội trung ương, trực tiếp là Pháp Loa đã làm cho Phật giáo có vị trí, vai trò lớn trong lịch sử nước nhà. Quan trọng hơn, với mô hình Phật giáo  Nhất tông: Thống nhất từ trong ý chí, tư tưởng , tôn chỉ, đường lối, hình thức sinh hoạt từ TƯ cho đến địa phương. Rõ ràng, công nghiệp hoằng pháp vĩ đại của  Nhị tổ Pháp Loa đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay đã có hậu thế kế thừa và phát triển vững mạnh.

Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - 4

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đệ Nhị tổ Pháp Loa đã để lại dấu ấn đặc biệt trong việc thành lập các trung tâm, học viện Phật giáo, các cơ sở Phật giáo tiêu biểu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Có thể nói, sự ra đời, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm với quan điểm hướng con người đến chân, thiện, mỹ đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị nhân văn, đạo đức thành giá trị truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ non sông bờ cõi, yêu thương đồng bào.

"690 năm trôi qua, đến nay, việc tìm hiểu về Thiền Phái Trúc Lâm, về Trúc Lâm Tam Tổ nói chung và về con người, sự nghiệp tu hành, thiền học và các dấu ấn lịch sử có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa nói riêng luôn đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc hơn nữa" - bà Hạnh bày tỏ.

Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận từ các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà trí thức Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị khoa học trên cả nước.

Các bài tham luận đã đi sâu vào các nội dung thuộc chủ đề Hội thảo, cung cấp thêm những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức - đánh giá mới về sự nghiệp, di sản, vai trò, ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung đối với quá khứ, hiện tại và định hướng tương lai.

Nhiều bài tham luận không chỉ đề xuất quan điểm, giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà còn tư vấn, kiến nghị chính sách khai thác, phát huy nguồn lực lịch sử - văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - con người của địa phương.