Thị Mầu, Thị Nở đi vào âm nhạc: Vì sao thành trào lưu gây sốt?
(Dân trí) - Trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều nghệ sĩ và khán giả nô nức rủ nhau cover ca khúc "Thị Mầu" của Hòa Minzy, thậm chí còn hào hứng diện áo tứ thân, hóa thân thành nhân vật này tạo thành trào lưu.
Chấp nhận chi cả tỷ đồng
Ca khúc Thị Mầu do ca sĩ Hòa Minzy thể hiện mang âm hưởng chèo nhưng giai điệu và ca từ dí dỏm, bắt tai. Dù nội dung nói về Thị Mầu - một nhân vật trong tác phẩm văn học Quan âm Thị Kính - song cách kể chuyện của Hòa Minzy và nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong (tác giả ca khúc) lại khác biệt, tươi mới hơn.
Chỉ trong ít ngày ra mắt, MV Thị Mầu đã đạt vị trí dẫn đầu top thịnh hành YouTube Việt Nam. Trên TikTok, đông đảo nghệ sĩ, khán giả cũng "rủ nhau" cover ca khúc này. Nhiều người còn diện áo tứ thân, hóa thân thành nhân vật Thị Mầu. Câu hát "Tự xưng em là Thị Mầu" cũng trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội.
Đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm âm nhạc mang hình tượng văn học được khán giả đón nhận nhiệt tình. Trước đó, Hoàng Thùy Linh từng "gây sốt" với Để Mị nói cho mà nghe, Bánh trôi nước, Kẻ cắp gặp bà già; ca sĩ Đức Phúc cũng mang hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở vào MV Hết thương cạn nhớ; ca sĩ Bùi Công Nam cũng từng "làm mưa làm gió" với ca khúc mang tên Chí Phèo.
Có thể thấy, những năm gần đây, việc đưa cảm hứng văn học vào MV đang dần trở thành xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Chất liệu văn học, dân gian trong các sản phẩm âm nhạc được xem như yếu tố tạo sức hấp dẫn, đồng thời xây khắc sâu vào tiềm thức của khán giả. Qua các MV được đầu tư kỹ lưỡng, những nhân vật quen thuộc trong sách vở như được "sống lại" bởi những ca từ, giai điệu mới mẻ.
Khi thực hiện các MV thể loại này, các nghệ sĩ trẻ cũng chấp nhận đầu tư lớn về mặt hình ảnh. Như ca sĩ Hòa Minzy tiết lộ, cô phải dốc "tiền tỷ" để thực hiện MV "Thị Mầu". Những MV của Đức Phúc, Hoàng Thùy Linh... cũng được đầu tư với kinh phí hàng trăm triệu đồng thậm chí cả tỷ đồng cho việc dựng bối cảnh, phục trang, sản xuất nhạc...
Đổi lại, những nhân vật văn học dù rất quen thuộc qua sách vở khi xuất hiện trong âm nhạc của các ca sĩ trẻ lại có một sức sống mới, mang màu sắc đương đại nhờ những cách sáng tạo riêng.
Điển hình như cuộc đời của nhân vật Mị trong MV của Hoàng Thùy Linh rộn rã tiếng cười, nhiều niềm vui hơn hẳn cô Mị trong bản gốc của nhà văn Tô Hoài. Hay MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc cũng đã xây dựng chuyện tình tay 3 nghiệt ngã giữa Chí Phèo, Thị Nở và con trai Bá Kiến. Các chi tiết biến tấu trên đều nhằm tăng tính giải trí cho người xem, lan tỏa thông điệp tươi vui, tích cực.
Hòa Minzy thổ lộ: "Tôi cố gắng đầu tư một MV chuyên nghiệp nhất để nhắc về thể loại chèo với khán giả trẻ. Mong các bạn trẻ sẽ biết đến bộ môn chèo nhiều hơn, vì nền âm nhạc Việt Nam có chèo rất hay nhưng lại đang bị mai một. Ngoài ra, tôi đã nghiên cứu kỹ nhân vật Thị Mầu để diễn được nét hồn nhiên, tinh nghịch nhất. Bên cạnh đó, để khán giả mọi miền xem MV đều thấy thoải mái, tôi đã đưa âm nhạc hiện đại, vũ đạo, trang phục đẹp, hiệu ứng bắt mắt vào sản phẩm, bên cạnh yếu tố chèo thuộc về miền Bắc".
Bắt nguồn từ tự hào dân tộc
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, "cha đẻ" của Thị Mầu - cho biết việc thực hiện những sản phẩm âm nhạc có yếu tố văn học, hoài cổ, dân gian không phải là điều đơn giản. Nam nhạc sĩ khẳng định các sản phẩm này cần mức đầu tư lớn hơn rất nhiều lần so với các sản phẩm khác, vì thế đòi hỏi các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ phải có tâm huyết, có tố chất và cũng phải cống hiến về công sức, tiền bạc.
"Dù vậy, không phải ai làm cũng chắc chắn thành công", Nguyễn Hoàng Phong nhận định.
Nam nhạc sĩ chia sẻ thêm: "Về phần âm nhạc, các ca khúc ít nhất phải có một chủ đề rõ ràng. Nội dung và ca từ cũng phải dễ hiểu, pha trộn, xen kẽ được yếu tố dân gian để có sự liên kết. Giai điệu bài hát và bản hòa âm phối khí cũng cần làm nổi bật được chủ đề. Tất cả phải được nghiên cứu rất kỹ".
Nhóm sản xuất âm nhạc DTAP cũng đồng tình với quan điểm làm nhạc mang yếu tố văn học không phải dễ. DTAP cho biết khi làm thể loại âm nhạc này thì phải sử dụng đúng chất liệu, đặc trưng văn hóa vùng miền để đưa vào bài hát và truyền tải chúng một cách chính xác.
"Để lựa chọn chất liệu dân gian, hình tượng văn học đưa vào các ca khúc, chúng tôi đã phải tìm hiểu rất kỹ chất liệu văn hóa vùng miền và vận dụng đúng vào bài hát. Chúng tôi nghĩ những gì thuộc về văn hóa, dân tộc thì không nên để "râu ông nọ cắm cằm bà kia"…", nhóm này chia sẻ.
Thời gian qua, DTAP để lại nhiều dấu ấn trong trào lưu đưa chất liệu dân gian, nhân vật văn học vào âm nhạc, với nhiều bản hit gây sốt như: Để Mị nói cho mà nghe, Kẻ cắp gặp bà già, Em đây chẳng phải Thúy Kiều...
Lý giải về lý do ưa chuộng hình thức này, DTAP nói: "Chúng tôi vô cùng tự hào về văn hóa của Việt Nam, về 54 dân tộc anh em mà mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng. Chính vì thế, chúng tôi muốn tìm hiểu, khai thác và truyền tải những nét đẹp đó đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ gen Z để mọi người có cái nhìn gần gũi và thêm yêu văn hóa đất nước mình".
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cũng nhận định văn hóa Việt Nam rất đẹp và phong phú, nếu không khai thác sẽ rất uổng phí.
"Âm nhạc cũng giống như thời trang, có xu hướng và xoay vòng. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì những yếu tố cổ truyền lại càng được mọi người quan tâm nhiều hơn", Châu Đăng Khoa khẳng định.
Sự thành công của nhiều MV nói trên cho thấy công chúng đang đón nhận những tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học một cách nhiệt tình, cởi mở. Dù vậy, nhiều nhạc sĩ cũng khẳng định sự cạnh tranh giữa MV mang nội dung hiện đại, tươi mới với MV mang chất liệu văn học, hoài cổ là không chênh lệch, bởi mỗi thể loại âm nhạc đều có sức hút và nét thú vị riêng.
"Con người vốn duy mỹ, cái gì hay, cái gì đẹp thì họ sẽ xem thôi", nhạc sĩ Châu Đăng Khoa nhận định.