Thêm nhiều ý kiến khác nhau về thiết kế trang phục “Bàn thờ”
(Dân trí) - Thiết kế “Bàn thờ” của thí sinh Phạm Quang Minh đang gây tranh cãi kịch liệt, đa số các ý kiến đến từ các nhà thiết kế đều cho rằng khung ảnh ngay mặt người mẫu khá nhạy cảm. Tuy nhiên, theo quan điểm của diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang, thế hệ cháu con thời đương đại muốn mượn văn hóa trang phục để mô hình hóa một phong tục cúng kính tổ tiên là một việc làm rất đáng hoan nghênh.
Độc lạ nhưng… nhạy cảm
Nhà thiết kế (NTK) Đức Vincie bày tỏ quan điểm về trang phục “Bàn thờ” của thí sinh Phạm Quang Minh: “Ở thời điểm cần những ý tưởng độc, lạ nhằm thu hút công chúng thì ban tổ chức hoàn vũ đã có sự thành công không nhỏ. Lượt viral miễn phí rất cao. Những cái độc lạ nên thay thế cho trang phục truyền thống vì đã quá quen ở đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, “Bàn thờ” là trang phục quá nhạy cảm và khó được lựa chọn đến với đấu trường quốc tế. Theo tôi, “Bàn thờ” độc đáo về mặt ý tưởng nhưng đúng tiêu chí trang phục truyền thống thì chưa”.
Đức Vincie là NTK gắn bó với dàn người đẹp Kỳ Duyên, Nguyễn Thị Loan, Thanh Trúc, Cao Thái Hà, Lan Khuê, Thanh Hà, Diệp Bảo Ngọc….
Cùng quan điểm với NTK Đức Vincie, NTK Lê Lên cũng cho rằng đây là suy nghĩ lệch lạc trong sáng tạo. “Đưa hình ảnh tâm linh vào thiết kế mà chắc chắn khó ai chấp nhận được. Hình ảnh của người đã khuất hiện hữu trên khung hình... đây mới chỉ là thiết kế nhưng không cho người xem cảm thấy dễ chịu và đồng tình”.
NTK Lê Lên
Anh cũng chia sẻ thêm, đối với thời trang, sáng tạo là không giới hạn. Nhưng người làm thiết kế cần phải ý tứ, khi bạn không kiểm soát được thì sẽ trở nên phản cảm. Anh nói: “Những thiết kế thông thường từ cảm xúc và ý tửơng chính từ thực tế cuộc sống, hình ảnh thân thuộc xung quanh. NTK cần cân nhắc và tìm hiểu những yếu tố thuộc về văn hoá sao cho mang tính nhân văn và hợp lý!”
Anh Nguyễn Quốc Thanh - Giảng viên thiết kế đồ hoạ trường Đại học Văn Lang cho rằng, các bạn trẻ thế hệ hiện đại, rõ ràng nhiều bạn rất giỏi và táo bạo... ý tưởng là điều khó ai thay mình làm được. Nhưng cần tỉnh táo và học hỏi để thấy được văn hoá trong sáng tạo của mình!
Nguyễn Quốc Thanh - Giảng viên thiết kế đồ hoạ trường Đại học Văn Lang
“Đối với tôi về mặt ý tưởng đây cũng là một cách suy nghĩ mới và khá "táo bạo" chính vì vậy nó tạo ra sự ấn tượng mạnh mẽ. Tuy nhiên về cách bạn thiết kế triển khai thì nó chưa ổn nên khi thực hiện sẽ gây ra phản cảm. Ví dụ khung hình đặt trên mặt người mẫu thì gây ra ấn tượng không tốt”.
Giảng viên Quốc Thanh không đồng tình khi đem bộ trang phục này làm đại diện cho Việt Nam vì có thể sẽ gây ra ấn tượng không tốt.
Mượn trang phục tôn vinh tục thờ tổ tiên là một việc làm rất đáng hoan nghênh
Giữa nhiều luồng ý kiến trái chiều về trang phục “Bàn thờ” do bạn Phạm Quang Minh sáng tác, đa số đều không đồng tình và cho rằng thiết kế này phản cảm, diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang đã lên tiếng ủng hộ.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ: “Việc thế hệ cháu con thời đương đại muốn mượn văn hóa trang phục để mô hình hóa một phong tục cúng kính tổ tiên là một việc làm rất đáng hoan nghênh vì đó cũng là một phương tiện truyền bá về cách thờ cúng vừa đúng và đủ ý nghĩa”.
Anh cho rằng giữa thời buổi hiện đại, việc cứu lấy những sản phẩm văn hóa cực kỳ khó. Chúng ta cần mở lòng thêm chút nữa trước ý tưởng táo bạo của các bạn trẻ để tạo một cú hích thật sự, thu hút nhiều người quan tâm đến phong tục tập quán dân tộc và mượn phương tiện trang phục để truyền bá ra tầm quốc tế.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ thêm: “Làm nghiên cứu văn hóa cổ truyền thật sự rất khó, thường chỉ mang tính tương đối, do chỉ cần làng này và làng bên cạnh thôi đã có nhiều tục lệ khác nhau rồi huống chi là lấy biểu tượng văn hóa chung cho cả nước làm đại diện. Tuy nhiên, việc mượn trang phục để tôn vinh phong tục tập quán dân tộc ra tầm quốc tế là rất hoan nghênh. Việc tôn vinh phong tục tập quán này cần phải được nghiên cứu kỹ để không bị mất đi tính thiêng liêng, tôn nghiêm và ý nghĩa sâu xa trong từng phẩm cúng mà ông bà ta xưa muốn trao gửi và nhắc nhở con cháu đời sau”.
Băng Châu