Nghệ An:

Thanh tra việc tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức tại ngôi đền thiêng nhất xứ Nghệ

(Dân trí) - Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đang tiến hành thanh tra về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại di tích lịch sử Đền Cờn (ngoài) thuộc phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai.

Thanh tra việc tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức tại ngôi đền thiêng nhất xứ Nghệ - 1

Đền Cờn được xem là một trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất ở Nghệ An.

Trước đó, ngày 17/5/2019,  ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã ký Quyết định số 1190/QĐ-SVHTT về việc thanh tra về tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại di tích Lịch sử Đền Cờn (ngoài).

 Quyết định nêu rõ, Đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra việc chấp hành Quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại di tích lịch sử Đền Cờn (ngoài) theo quy định của pháp luật. Thời kỳ thanh tra, trong các năm 2016, 2017, 2018 và thời gian có liên quan.

Thời hạn thanh tra 30 ngày làm việc, kể từ ngày 17/5/2019. Đoàn thanh tra gồm các ông Phạm Nghĩa Dũng, Chánh thanh tra sở làm trưởng đoàn. Ông Nguyễn Xuân Thủy, trưởng phòng Quản lý di sản và ông Hồ Văn Đính, thanh tra viên làm thành viên.

 Đây là việc làm nhằm siết chặt thu chi nguồn công đức tại các di tích cũng như khẳng định vai trò quản lý của nhà nước, đặc biệt là quyết định số 18/2016/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An về “việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất Nghệ An. Di tích Đền Cờn gồm có 2 đền: Đền Cờn (trong) và Đền Cờn (ngoài). Đền Cờn (ngoài) nằm cách Đền Cờn (trong) khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương, sát cửa biển Lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai).

Đền Ngoài được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15, được tôn tạo và hoàn chỉnh dưới thời Tự Đức (1848 - 1883), cùng một lúc với việc tu bổ đền Cờn (trong). Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương nam đã dừng chân Cửa Cờn và vào đền làm lễ cầu đào. Do Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà vua đã đánh thắng giặc. Sau khi trở về, Vua ban cấp tiền bạc xây dựng đền và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh hương thượng thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ”, ghi nhận công đức Thánh Mẫu giúp nước, giúp dân.

Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Quyết định số 68/QĐ-BVHTT công nhận Đền Cờn là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Tú