Tất cả những gì cần biết về... hạnh phúc
(Dân trí) - Làm thế nào để hạnh phúc? 20 câu hỏi thường thấy nhất về hạnh phúc đã được trả lời bởi các chuyên gia uy tín. Hạnh phúc - một đề tài tưởng như rất “mông lung”, rất khó nói rõ ràng. Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết để có một cuộc sống viên mãn hơn.
Làm thế nào để hạnh phúc? 20 câu hỏi thường thấy nhất về hạnh phúc đã được trả lời bởi các chuyên gia uy tín. Hạnh phúc - một đề tài tưởng như rất "mông lung", rất khó nói rõ ràng. Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết để có một cuộc sống viên mãn hơn.
Hạnh phúc là một đề tài độc đáo và rất rộng lớn. Con người đã nói về điều này từ rất lâu và theo rất nhiều cách. "Không thuốc nào chữa trị được những điều mà niềm hạnh phúc cũng không thể chữa trị" - nhà văn nổi tiếng từng giành giải Nobel Văn học Gabriel García Márquez đã từng nói như vậy.
Những nghiên cứu về hạnh phúc đã được các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tiến hành trong suốt nhiều năm qua, giúp đưa ra những thông tin hữu ích, mang tính khoa học, giàu sức thuyết phục, và chúng ta có thể đem áp dụng cho cuộc sống của mình.
Tờ Telegraph (Anh) đã mời một nhóm chuyên gia uy tín vốn có nhiều năm nghiên cứu về... hạnh phúc để đưa lại một bài viết khiến người đọc cảm thấy... hạnh phúc hơn sau khi đọc.
Telegraph thậm chí còn tự tin khẳng định rằng "nếu những thông điệp về hạnh phúc được những chuyên gia đầu ngành đưa ra không khiến độc giả đọc xong cảm thấy tích cực hơn, thì... không gì có thể làm được điều đó". Dưới đây, chính là 20 câu hỏi thường thấy nhất về hạnh phúc và được trả lời bởi các chuyên gia tâm lý đầu ngành.
1. Hạnh phúc thực ra là gì?Hạnh phúc có thể đến theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung lại, đó là khi chúng ta cảm thấy tích cực, ổn thỏa, và thư giãn. Về cơ bản, hạnh phúc là khi bộ não của bạn khuyến khích những hành vi có lợi cho bạn, như ăn uống, giải trí. Quá trình này có liên quan tới một vài hóa chất thần kinh, chẳng hạn như dopamine, endorphin, oxytocin, serotonin.
Nhưng cần nhớ rằng hững hóa chất này không tạo ra hạnh phúc, bạn không thể đưa những hóa chất này vào người và chờ mong mình sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi tất cả chúng nằm trong một hệ thống vận hành phức tạp. Bạn có thể hiểu rằng chúng là những nguyên vật liệu tham gia vào một quá trình giúp xây dựng nên một ngôi nhà.
Cơ chế sinh học của chúng luôn có vai trò đối với trạng thái tinh thần. Chẳng hạn, có một số người có mức độ nhạy cảm khác biệt trong cảm nhận, họ cần nhiều sự kích thích hơn để cảm thấy vui vẻ. Nhiều người chỉ cần được ăn ngon hoặc thấy đội bóng mà mình cổ vũ ghi bàn là có thể cảm thấy vui, nhưng có những người cần mức độ kích thích cao hơn.
Rất nhiều bí mật của cảm nhận hạnh phúc nằm ở quá trình trưởng thành. Tuổi lên bốn chính là giai đoạn chìa khóa để hình thành nên khả năng xử lý những xúc cảm khác nhau và sẽ có ảnh hưởng về lâu dài, trong số này, đương nhiên có cảm nhận về hạnh phúc.
Nếu ở độ tuổi này, một đứa trẻ phải chứng kiến cha mẹ xa cách và môi trường sống không tốt, đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận hạnh phúc về sau. Nhưng cũng có nhiều điều chúng ta có thể chủ động làm, chẳng hạn như luyện tập thể chất, ăn uống hợp lý... giúp cơ thể hoạt động hiệu quả và hỗ trợ bộ não tốt hơn, bởi bộ não chính là cơ quan quan trọng nhất giúp bạn cảm thấy hạnh phúc.
Hạnh phúc là trải nghiệm của niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Chúng ta cần có cả hai dạng cảm nhận hạnh phúc này. Những điều dễ dàng đưa lại niềm vui cho chúng ta có thể là những việc đơn giản, như dành thời gian bên gia đình, xem tivi, ăn ngon...
Trải nghiệm hạnh phúc vì cảm thấy ý nghĩa lại liên hệ tới sự hài lòng về lâu dài, chẳng hạn như luyện tập vất vả để có hình thể đẹp; hay học tập chăm chỉ, làm việc nỗ lực để có thành quả tốt. Cả hai dạng niềm vui ngắn hạn và ý nghĩa dài hạn đều quan trọng và chúng ta cần sự cân bằng ở cả hai dạng hạnh phúc này.
Sự liên kết giữa luyện tập và cảm giác khỏe khoắn, vui tươi không thực sự quá rõ rệt như nhiều người vẫn tưởng, nhưng về dài hạn, bất cứ điều gì giúp cải thiện sức khỏe của bạn đều sẽ giúp cải thiện khả năng cảm nhận hạnh phúc.
Hãy luân chuyển điều độ giữa luyện tập tích cực và nghỉ ngơi hợp lý, sẽ giúp bạn nhanh chóng có những cải thiện về sức khỏe. Luyện tập theo nhóm giúp bạn có sức khỏe tinh thần tốt hơn. Nhưng hãy luôn thúc đẩy bản thân hơn nữa, bởi bộ não sẽ ngưng phản ứng hưng phấn trước những điều mà nó đã dần cảm thấy quen thuộc.
Những gì chúng ta ăn uống là một yếu tố rất quan trọng trong việc điều khiển cảm xúc và hành vi, vì vậy, chế độ ăn uống là điều cần được quan tâm. Bằng cách ăn uống hợp lý, bạn có thể cải thiện sức khỏe và tâm trạng của mình chỉ trong vòng vài ngày.
Chúng ta cần nhiều chất xơ, một chế độ ăn có đa dạng các loại rau củ quả chính là điểm tích cực khởi đầu, sau đó là các loại ngũ cốc. Chất béo tích cực cũng rất cần thiết, có thể tìm thấy trong dầu ô-liu, cá, hải sản...
Có nhiều loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, thường là những thức ăn vặt, những món đồ nhiều đường, nhiều béo, nhiều muối... Khi ăn những món không tốt cho sức khỏe, bộ não sẽ bị tác động trước tiên, ảnh hưởng tới khả năng học tập và ghi nhớ, cũng như điều hòa cảm xúc.
Đồ uống có cồn được uống với lượng nhỏ là một phần trong chế độ ăn của người dân vùng Địa Trung Hải và điều đó không gây hại cho sức khỏe. Uống ở mức vừa phải thậm chí còn giúp cải thiện sức khỏe bởi những tương tác xã hội đi kèm với nó, nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi chúng ta bắt đầu vượt quá "lượng nhỏ", sẽ bắt đầu có những phát sinh tiêu cực về thể chất và tinh thần.
Công việc, hôn nhân, tài sản, con cái... là những điều lớn lao thường được cho là góp phần đưa lại hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống. Nhưng cũng cần quan tâm những niềm vui nhỏ, cụ thể trong từng khoảnh khắc, không phải những ước đoán trừu tượng lớn lao về cuộc đời. Đây chính là điều chúng ta thường không hiểu.
Ví dụ, có những người lựa chọn gắn bó với công việc mà họ không yêu thích vì những lý do như thanh thế hay thu nhập; hoặc họ cố đọc một cuốn sách chỉ bởi nó đang "nổi", dù họ không thấy sách hay. Đó không phải cách tiếp cận để có được niềm vui, hạnh phúc: Bạn không thể nào đền bù lại những niềm vui đã đánh mất theo cách ấy.
Bản thân mỗi người thường kém trong việc tự đánh giá về niềm vui, hạnh phúc của chính mình, trong khi đó, bạn bè và người thân lại có được cái nhìn sáng suốt và chính xác hơn, bởi họ hiểu ta và sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về điều dễ khiến chúng ta vui vẻ.
Ai cũng từng nghĩ đến điều đó, rằng nếu họ trúng số, họ sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng cho dù bạn có trúng số, thì cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy rằng những người trúng số hạnh phúc hơn sau đó. Người ta mua vé số không phải như một cách để đầu tư, mà chủ yếu người ta tìm thấy niềm vui từ việc hình dung về những điều mà họ có thể làm với số tiền thắng giải.
Tâm lý học khẳng định rằng mục đích sẽ dẫn tới hành động. Nhưng sức mạnh ý chí cũng có hạn và tất cả chúng ta đều cần hình thành nên những thói quen tích cực. Đừng chỉ đặt cho bản thân một mục tiêu chung chung kiểu "luyện tập nhiều hơn", hãy chia nhỏ ra thành từng bước và khiến cho bản thân mình phải thực hiện.
Chẳng hạn, bạn chủ động đưa thời gian tới phòng gym vào trong thời gian biểu hàng ngày. Hãy chia sẻ điều này với những người xung quanh, điều đó giúp bạn tăng khả năng thực hiện, hoặc rủ thêm người cùng tham gia. Hãy hình dung tới cả những tình huống khó khăn: "Nếu mình mệt, mình vẫn sẽ đi tập"; "Nếu mình đang ăn với gia đình và điện thoại reo, mình sẽ tắt máy".
Tất cả mọi người đều hạnh phúc hơn khi ở giữa thiên nhiên, cho dù đó chỉ là những chậu cây nhỏ ngoài ban công. Có những mối quan hệ xã hội giúp bạn vui hơn, luyện tập cũng vậy. Tiếng cười giúp thư giãn. Làm điều tốt cho người khác khiến ta vui. Cuối cùng, hãy quan tâm tới những hành động thường khiến bạn vui vẻ hơn.
Chúng ta chính là những gì mà bản thân ta quan tâm. Những thứ khiến chúng ta phân tâm, chẳng hạn như điện thoại di động, làm cho chúng ta dần mất đi khả năng tập trung vào những trải nghiệm vui tươi đáng có trong cuộc sống.
Chúng ta hoàn toàn có thể vui vẻ, hạnh phúc mà... không có tình yêu, điều này thường ít khi được nhắc tới; bên cạnh đó, tình dục là một động lực cơ bản của con người, chúng ta luôn hướng tới những mối quan hệ gắn bó lứa đôi là vì vậy. Đó là một quá trình có thể đưa tới những hiệu ứng mạnh mẽ, phấn khích cao độ đối với bộ não.
Chúng ta thường tiếp cận tình yêu và tình dục theo cách được quyết định bởi quan niệm xã hội. Chúng ta thường được kỳ vọng giống nhau trên nấc thang quan hệ lứa đôi, đó là gặp được ai đó, kết hôn ở một độ tuổi nào đó, rồi sinh con, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa... Nhưng con người có tâm lý rất đa dạng và ta cần phải hiểu điều mình quan tâm và mong muốn là gì.
Những người có niềm tin về một cái kết có hậu kiểu cổ tích rằng "kể từ đó họ hạnh phúc mãi mãi" cần phải hiểu rõ rằng đó không phải cách mà bộ não con người vận hành: Không gì có thể khiến bạn "hạnh phúc mãi mãi", việc bạn có thể sống hạnh phúc lâu dài bên một người đòi hỏi nhiều nỗ lực, bao gồm cả nỗ lực làm mới chính mình.
Con người có những nhu cầu khác nhau trong tình dục. Nếu hai người lựa chọn gắn bó với nhau có những nhu cầu tình dục quá khác nhau, đó sẽ là vấn đề, nhưng không phải điều không thể vượt qua.
Giống như tình yêu, tình dục cũng có thể khiến chúng ta rất hạnh phúc, nhưng những mối quan hệ lứa đôi đề cao sự tương tác, và tình dục chỉ là một phần trong đó. Cùng nhau có những trải nghiệm, cho dù chỉ là đi bộ cùng nhau, cùng nhau dọn nhà, cũng khiến chúng ta cảm nhận sự gắn bó sau khi giai đoạn đầu của những xúc cảm "điên cuồng" qua đi.
Chúng ta cần tiền để đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, như ăn - ở, nhưng còn có những điều mà bộ não con người đòi hỏi trong quá trình trưởng thành. Chẳng hạn chúng ta muốn thấy mình tài giỏi, bởi bộ não sản sinh ra thứ cảm nhận về cái Tôi, chúng ta cũng muốn thấy kết quả của những việc mình làm. Quan hệ tốt với đồng nghiệp cũng quan trọng. Nói chung, bất cứ điều gì góp phần giúp chúng ta đạt được mục tiêu lâu dài đều quan trọng.
Trước hết, có một điều thoạt nghe có thể sáo mòn, nhưng chúng ta vẫn cần phải nhớ rằng có nhiều điều trong cuộc sống quan trọng đối với cảm nhận về hạnh phúc hơn là tiền bạc. Một nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học về hạnh phúc đã chỉ ra rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp đáng giá ngang với khoảng 100.000 bảng Anh/năm.
Mặc dù vậy, cũng không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của tiền bạc. Nếu mức thu nhập của bạn không cao trên thang thu nhập, vậy thì mỗi khi thu nhập được nâng lên ở một hạng mức mới, bạn sẽ cảm thấy mình tiến được một quãng đường xa trên thang bậc hạnh phúc.
Một phần quan trọng của mối quan hệ giữa hạnh phúc và tiền bạc, đó là tương quan thu nhập: mọi người đều quan tâm xem mình kiếm tiền thế nào, sở hữu những gì, rồi đem so sánh với những người xung quanh.
Đó chính là tâm lý chung của con người, và ở nhiều nước tư bản, người ta đã nhận ra một sự thực rằng: khi một quốc gia trở nên giàu có hơn, chưa chắc người dân của họ đã cảm thấy hạnh phúc hơn, đó là một hiện tượng vẫn còn đang gây nên tranh luận.
Nhìn chung, con người thích nghi nhanh chóng với mức thu nhập mới của họ, và theo kiểu "nước lên, thuyền lên", khi bạn có thu nhập cao hơn, thường những người xung quanh bạn cũng đang có thời vận tốt hơn và họ cũng kiếm tiền tốt hơn giống như bạn mà thôi.
Đã có những nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng bỏ tiền mua trải nghiệm giá trị hơn là mua đồ vật. Chúng ta thường chi nhiều tiền cho việc khẳng định vị thế bản thân, nhưng nếu chúng ta cứ cạnh tranh với người khác quanh những món đồ vật chất, sẽ không bao giờ có điểm dừng để thỏa mãn cái Tôi.
Chi tiền cho trải nghiệm, như những chuyến đi cho bản thân, gia đình được xem là đưa lại niềm vui lâu dài, bền vững hơn. Cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho đi vì những mục đích tốt lành, thiện nguyện góp phần đưa lại niềm vui, hạnh phúc nhiều hơn so với việc chỉ biết chi dùng và tích cóp cho bản thân.
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giúp đỡ người khác khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Một khảo sát tiến hành năm 2013 đã thu thập thông tin từ 136 quốc gia, để xem liệu có mối liên hệ nào giữa niềm vui của một người với việc họ có làm từ thiện hay không.
Sau đó, người ta phát hiện ra rằng nếu một người có quyên góp từ thiện trong tháng trước đó, thì mức độ cảm nhận về hạnh phúc của người ấy cao ngang với người vừa có mức thu nhập được tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, còn có những nghiên cứu nói về mối quan hệ nhân quả của việc cho đi và nhận lại niềm vui.
Khi ta cho đi thời gian, công sức hoặc tiền bạc, những người được ta giúp đỡ sẽ cảm thấy vui tươi, hạnh phúc hơn. Ngoài ra, chỉ riêng việc chúng ta có cơ hội kết nối với những người có cùng mục đích tốt lành giống mình cũng đã giúp ta cảm thấy vui tươi, tích cực hơn.