Tài xế taxi, chủ tiệm spa say sưa hát Xoan ở Phú Thọ

Lạc Thành

(Dân trí) - Người dân phường Xoan Thét (thuộc xã Kim Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ) có tình yêu với hát Xoan sâu sắc. Dù làm nhiều nghề nhưng khi rảnh, họ vẫn say sưa ca hát để gìn giữ di sản văn hóa.

Mới đây, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long đã giới thiệu dự án Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan. Đây là dự án 100% xã hội hóa nhằm tôn vinh và quảng bá di sản âm nhạc độc đáo này.

Nam nhạc sĩ cho biết, vì mê hát xoan mà anh bỏ tiền bạc và công sức để thực hiện rồi phát hành trên kênh YouTube Dân ca & nhạc cổ truyền. Đây là một hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ Vua Hùng mồng 10 tháng 3 âm lịch năm 2024.

Tài xế taxi, chủ tiệm spa say sưa hát Xoan ở Phú Thọ - 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cùng các nghệ nhân phường Xoan Thét (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói, mong muốn của anh và các cộng sự là đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị hát Xoan, lan tỏa hát Xoan ra cộng đồng, đặc biệt là trên không gian mạng.

Từ đó, nhiều người có thể tiếp cận các bài Xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu hay các mục đích khác.

"Dự án mang đặc trưng của thời đại số, với mục đích giới thiệu và lan tỏa hát Xoan trên không gian mạng, nên các bài hát đã được thực hiện với những tiêu chí phù hợp với đặc điểm này. Cũng vì thế, dự án tập trung vào giá trị thực nhất có thể, cả trong âm nhạc cũng như phần hình ảnh", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.

Theo đó, bên cạnh phần chính là âm nhạc với 16 bài Xoan, phần nội dung còn có thêm một clip Về đất Tổ nghe Xoan ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC - biên tập viên Hoàng Chung với các nghệ nhân phường Xoan Thét - đối tượng chính của dự án.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ: "Việc có thêm một clip ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã góp phần hé mở cánh cửa cho những ai yêu hát Xoan có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Xoan, hiểu thêm hơn về Xoan".

Tài xế taxi, chủ tiệm spa say sưa hát Xoan ở Phú Thọ - 2

Nghệ nhân phường Xoan Thét biểu diễn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Dự án Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan giới thiệu toàn bộ 13 quả cách hát Xoan cùng với 3 bài hát Thờ.

Toàn bộ những bài này được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường thực hiện phần thu âm theo cách dân dã nhất, gần gũi nhất. "Thu âm Hát Xoan cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này", Phan Thanh Cường chia sẻ.

Để thực hiện dự án, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long đã chọn duy nhất phường Xoan Thét (thuộc xã Kim Đức, TP Việt Trì) tham gia.

Lý do chọn phường Xoan Thét thực hiện dự án, theo ê-kíp, đây là 1 trong 4 phường Xoan gốc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát Xoan của dân tộc.

Các nghệ nhân nơi đây đều được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với Hát Xoan như: Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (trùm phường), Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhàn. Họ đều nhận lời tham gia dự án, cùng với các nghệ nhân, kép Xoan trẻ như Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Minh Trí…

Nhiều người trong phường Xoan Thét làm các nghề như: Tài xế taxi, bảo vệ, chủ tiệm spa cũng vẫn say sưa hát Xoan khi rảnh rỗi. 

"Có nhiều ấn tượng khi tôi làm việc, tiếp xúc với nghệ nhân hát Xoan, nhất là cách các phường Xoan duy trì nhân sự. Mỗi lần tôi có một hoạt động nào đó về Xoan thì dường như lại thấy có sự thay đổi nhân sự, không lần nào giống như lần nào. Điều này cho thấy các phường Xoan có nhân sự dồi dào.

Nhưng thay đổi chủ yếu liên quan đến các nhân sự trẻ. Như lần gặp gỡ gần đây ở đình Thét, trong số 8 nghệ nhân tham gia, ngoài 4 nghệ nhân lớn tuổi thì 4 nghệ nhân còn lại đều trung tuổi, trong đó có 2 anh chị đều từng đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long tâm sự.

Hát Xoan là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam ở vùng đất Tổ - Phú Thọ. Ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức ghi danh hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với những nỗ lực của Phú Thọ, năm 2017, hát Xoan chính thức được UNESCO rút khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.