Tái hiện tục dựng cây nêu đón Tết của người dân đất võ Bình Định
(Dân trí) - Người xưa quan niệm, cây nêu ngày Tết để xua đuổi ma quỷ và mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành. Tuy nhiên mỗi vùng miền khác nhau, vật trang trí trên cây nêu mỗi khác.
Ngày 18/1, (tức 26 tháng Chạp), UBND TP Quy Nhơn tổ chức hội thi dựng nêu đón Tết Quý Mão 2023. Hoạt động không chỉ tạo thêm sắc xuân của thành phố mà còn góp phần phục dựng, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo không khí vui tươi để nhân dân đón Tết.
Theo ghi nhận, đa số các đội thi trang trí cây nêu trên phần đầu ngọn tre đều treo lá cờ Tổ quốc, cờ hội thể hiện tình thần đoàn kết, niềm tự hào của dân tộc. Ngoài ra, cây nêu ngày nay "cách tân" hơn khi được gắn thêm đèn led trang trí để cây nêu rực rỡ hơn, nhất là vào ban đêm.
Theo người dân ở Bình Định, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Tương truyền, ngày này ông Táo về trời không có người trông giữ nhà cửa nên ông bà ta dựng nêu vào ngày này để xua đuổi ma quỷ và thường hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng.
Ở mỗi vùng miền khác nhau, vật trang trí trên cây nêu mỗi khác. Tuy nhiên vật liệu chính không thể thiếu đó là cây tre - hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, can trường. Đặc biệt, cây tre có tính kế thừa "tre già măng mọc" là sự nối tiếp đời này qua đời khác của con người Việt Nam.
Trên cây nào cũng có một vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành với ý nghĩa sự sống của vạn vật, cuộc sống sung túc. Bảng hình vuông "tứ tung ngũ hành" là bùa trừ ma quỷ; lá dứa hay gai xương rồng đều là những vật để xua đuổi ma quỷ.
Cung tên chỉ về hướng đông với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ ra khỏi đất liền, chạy ra biển. Chuông gió phát ra âm thanh báo hiệu ma quỷ phải tránh xa vì nơi này đã có con người ngự trị.
Ngoài ra, trên cây nêu còn treo các vật dụng lồng đèn sáng để soi đường, dẫn lối cho tổ tiên, ông bà về đón Tết với gia đình. Giỏ đựng trầu cau, muối, gạo, vàng mã để thờ cúng tổ tiên.
Ông Nguyễn Thuẫn (68 tuổi, thành viên tham gia hội thi nêu phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), chia sẻ: "Cây nêu tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người dưới sự che chở của thần linh. Cây nêu ngoài ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi".
Ông Thuẫn chia sẻ thêm, ngoài những điểm chung thì mỗi địa phương sẽ có cách trang trí khác nhau. Nhìn vào cây nêu có thể nhận biết cơ bản về nét văn hóa, phong tục của mỗi địa phương.
"Phường Hải Cảng là phường ven biển với 3 cảng cá lớn nhỏ vì vậy trên cây nêu của chúng tôi có biểu tượng ngọn hải đăng, tàu thuyền", ông Thuẫn nói.
Nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Trọng Nghĩa, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (thuộc Hội VHNT tỉnh Bình Định, thành viên Ban giám khảo hội thi) cho hay để đánh giá cây nêu đẹp phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, cây nêu phải vững vàng và tất cả các biểu trưng đưa lên cây nêu phải được trang trí hài hòa, tỷ lệ cân đối, lòe loẹt quá cũng không phù hợp.
Tổng thể nhìn lên cây nêu phải đảm bảo thị giác vui mắt, vững vàng, tính biểu tượng trên đó, cảm nhận sự ấm áp của ngày xuân.