Sự “ngoan cố” đã giúp “vua hề” Charlie Chaplin thành công
(Dân trí) - Khi bắt đầu tìm đến Hollywood, Charlie Chaplin đã được các “ông lớn” của ngành giải trí khuyên nên đổi tên, nên bỏ lối diễn hài cường điệu, bỏ đi phong cách hóa trang kỳ khôi. Nếu ngày ấy Chaplin nghe theo, thế giới đã mất đi một “vua hề Sác-lô”.
Buổi đầu lập nghiệp, diễn viên hài Charlie Chaplin đã nhận được khá nhiều lời khuyên về phong cách diễn hài từ các “ông lớn” trong ngành giải trí. Một hãng phim lớn khi cân nhắc chi tiền cho Chaplin đi từ Anh tới Hollywood để thử vai đã cho rằng phong cách diễn hài của Chaplin quá… ngớ ngẩn, rằng nam diễn viên trẻ tuổi nên từ bỏ lối diễn xuất cường điệu đó.
Đương nhiên, Chaplin đã không nghe theo và nhờ đó mà về sau, ông trở thành một diễn viên hài nổi tiếng. Nếu ngày đó, Chaplin đã chiều theo ý của các “ông lớn” trong nền công nghiệp giải trí Hollywood để diễn theo phong cách mà họ muốn, từ bỏ những sáng tạo của riêng mình, thì thế giới đã không có một biểu tượng của văn hóa đại chúng - “vua hề Sác-lô”.
Một số thư từ mới được tìm thấy gần đây đã hé lộ rằng, hồi năm 1912, khi đó, Chaplin 23 tuổi, đã đi từ Anh đến Hollywood để tìm kiếm những cơ hội lớn hơn cho sự nghiệp. Tại đây, Chaplin bắt đầu giới thiệu tới các “ông lớn” trong nền công nghiệp giải trí một phong cách diễn hài mang phong cách độc đáo của riêng Chaplin.
Dù vậy, thoạt tiên, không mấy “đôi mắt nhà nghề” cảm thấy đây là một phong cách diễn hài hứa hẹn ăn khách, thậm chí nhiều người đã kịch liệt phản đối, khuyên Chaplin nên đổi tên, đổi phong cách hóa trang - tạo hình, nên đổi cách đi lại, nên cạo đi bộ ria… Cơ bản, người ta khyên Chaplin nên thay đổi tất cả.
Mới đây, những lời khuyên “dại dột” dành cho Chaplin, gửi đến từ một hãng phim lớn, đã được tìm thấy trong những thư từ của nghệ sĩ hài kiêm ông bầu người Anh - Charles Austin, người có công giới thiệu Charlie Chaplin, khi đó vẫn còn là một nam diễn viên hài người Anh chưa mấy tên tuổi, tới các hãng phim lớn ở Hollywood.
Trong lá thư gửi tới cho ông Charles Austin, một hãng phim lớn hàng đầu thế giới đã từng khuyên rằng: “Bộ ria của anh ta cần phải cạo đi. Chaplin cũng nên đổi tên. Tên này quá dễ bị nhầm lẫn với tên của một nghệ sĩ hài khác - Charlie Chase. Thêm nữa, làm ơn hãy đưa tới những ý tưởng mới. Đừng để Chaplin tiếp tục đi lại theo cách khôi hài ngớ ngẩn đó nữa.
“Phong cách này có thể ổn đối với sân khấu hài ở Anh nhưng đối với số đông khán giả, chúng ta cần phải tránh xúc phạm những người bị chân vòng kiềng hay bị dị tật chân. Đừng để Chaplin diễn quá lên như thế nữa. Hãy đổi sang kiểu mũ khác đi, thử đội mũ nồi xem…”.
Để bảo vệ cho nghệ sĩ hài mà mình đã cất công giới thiệu, ông Charles Austin đã bênh vực cho Charlie Chaplin, bằng một hồi âm ngắn gọn rằng: “Chaplin phản đối việc yêu cầu thay đổi tạo hình, hóa trang và phong cách”.
Sau những thư từ trao đổi đó, hãng phim quyết định chi tiền để Chaplin có thể đi từ Anh tới Hollywood (Mỹ) thử vai hồi tháng 1/1913. Trong buổi thử vai này, Chaplin đã đành làm theo yêu cầu của hãng phim, anh bỏ đi tất cả những gì tạo thành phong cách hài trứ danh của mình về sau, Chaplin diễn một cách “bình thường” như ý tưởng của hãng phim.
Dù vậy, điều này cũng không giúp tình hình trở nên khá hơn, nhận định của hãng phim khi gửi kết quả về cho nghệ sĩ Charles Austin khá gay gắt: “Buổi thử vai không khiến chúng tôi thỏa mãn, phong cách diễn hài nhạt nhẽo, không cá tính, quá tầm thường. Làm ơn hãy tiếp tục giới thiệu những nghệ sĩ hài khác”.
Một năm sau, tức năm 1914, Charlie Chaplin thực hiện bộ phim hài câm đầu tiên có tên “Making A Living” (Kiếm sống) cho một hãng phim nhỏ. Một thời gian ngắn sau đó, Charlie Chaplin chính thức giới thiệu nhân vật “The Tramp” (gã lang thang) tới công chúng và gây được hiệu ứng tích cực trong khán giả, một ngôi sao hài ra đời từ đây…
Về sau, danh hài Charlie Chaplin còn giành được 3 giải Oscar trong sự nghiệp kéo dài 75 năm của mình với nhiều vai trò như diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất. Nhân vật “The Tramp” sẽ gắn bó với ông gần như xuyên suốt trong sự nghiệp.
Những lá thư trao đổi giữa hãng phim và nghệ sĩ hài Charles Austin trong buổi đầu Charlie Chaplin tìm kiếm cơ hội diễn xuất ở Hollywood đã được tìm thấy trong các tài liệu lưu trữ của một quỹ từ thiện hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở London (Anh) - quỹ Grand Order of Water Rats, nghệ sĩ Charles Austin từng có thời là chủ tịch của quỹ này.
Charlie Chaplin - Trích đoạn trong phim “Modern Times” (Kỷ nguyên hiện đại - 1936)
Bích Ngọc
Theo Chortle/Daily Mail