“Vua hề Sác-lô” từng bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa 342 lần
(Dân trí) - Luôn vào vai những nhân vật vụng về, hài hước nhưng Charlie Chaplin phía sau màn ảnh lại là một vị đạo diễn cầu toàn, khó tính với “kỷ luật thép”.
Hãy thử tưởng tượng bạn phải nói đi nói lại câu “Mua hoa không, thưa ngài?” tới 342 lần. Đó hẳn là một việc ngớ ngẩn và khiến người ta muốn “phát điên” vì mất kiên nhẫn.
Vậy mà nữ diễn viên Virginia Cherrill đã phải trải qua tình huống như vậy trên phim trường. Có lẽ cô đã muốn khóc òa khi đạo diễn - diễn viên hài Charlie Chaplin bắt cô phải diễn đi diễn lại một cảnh đơn giản tới… 342 lần. Trong cảnh này, cô chỉ phải nói nhẩm hai từ tiếng Anh - “Flower, sir?” (Mua hoa không, thưa ngài?) và thực tế đây lại là một bộ phim câm.
Charlie Chaplin trong bộ phim “City Lights” (1931). Theo thông tin mới tiết lộ thì nam diễn viên kiêm đạo diễn Charlie Chaplin đã yêu cầu nữ diễn viên Virginia Cherrill diễn lại một cảnh tới 342 lần.
Virginia Cherrill tuy không phải một diễn viên chuyên nghiệp nhưng không vì thế mà Chaplin cho cho phép cô được diễn không tròn vai.
Charlie Chaplin - một huyền thoại hài kịch, “vua hề” của thời đại phim câm - thực tế là một vị đạo diễn không hề hài hước phía sau máy quay. Trên phim trường của bộ phim hài nổi tiếng “City Lights” (1931), ông chưa từng thử trò chuyện một cách thân tình với Cherrill dù trong bộ phim này, cô được giao đảm nhiệm vai nữ chính.
Charlie Chaplin và Virginia Cherrill cùng xuất hiện trong một cảnh của bộ phim hài “City Lights” do Chaplin làm diễn viên - đạo diễn - biên kịch - nhà sản xuất.
Những người từng cộng tác với Chaplin đều khẳng định rằng ông là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, là “ông vua của những cảnh diễn lại”.
Việc Chaplin yêu cầu một cảnh quay phải thực hiện lại tới 10-20 lần là chuyện bình thường, nhưng tới 342 lần thì đó có lẽ là kỷ lục trong giới làm phim. Chaplin không ngại phải thực hiện một cảnh quay nhiều lần cho tới khi ông cảm thấy đạt mới thôi.
Ở thời kỳ này, phim lồng tiếng bắt đầu xuất hiện và Chaplin biết chắc rằng rồi dòng phim câm sẽ biến mất. Vì vậy, ông rất lo lắng và luôn làm phim với tâm thế đây sẽ là bộ phim câm cuối cùng của mình, vì vậy, ông luôn muốn tác phẩm phải hoàn hảo, phải là một kiệt tác.
Với tư cách nhà sản xuất của “City Lights”, Chaplin đã đầu tư tất cả số tiền mình có. Nếu bộ phim bị lỗ, nghĩa là ông sẽ mất tất cả. Thật may mắn, “City Lights” đã thắng lớn và là một trong những bộ phim thành công nhất trong sự nghiệp của Charlie Chaplin.
Dù thập niên 1930 là thời đại của phim có tiếng nhưng “City Lights” - một bộ phim câm - vẫn gây được tiếng vang lớn khi ra mắt.
Lớn lên trong cảnh nghèo khó ở thành phố London, Anh. Mẹ của Chaplin mắc bệnh tâm thần, cha ông nghiện rượu và sớm qua đời. Chaplin sống những năm tháng tuổi thơ trong trại trẻ mồ côi. Tuy vậy, đối với ông, mẹ vẫn luôn là người có sức ảnh hưởng lớn lao nhất.
Khi Chaplin còn sống với mẹ, hai mẹ con thường ngồi trong căn hộ, bà sẽ nhại lại dáng đi, cử chỉ, điệu bộ của những người qua đường. Không phải là tình cờ khi nữ nhân vật chính trong “City Lights” là một cô gái mù, thực tế, nhiều nhân vật nữ chính trong các bộ phim của Chaplin là những người khuyết tật, đó như là một hình ảnh gợi nhớ về mẹ của ông.
Lớn lên từ tuổi thơ nghèo khó, cơ cực, Charlie Chaplin đã trở thành một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất thế giới.
Dù luôn vào vai những nhân vật vụng về, ngớ ngẩn nhưng Chaplin phía sau máy quay lại là một vị đạo diễn rất cầu toàn, khó tính và có kỷ luật. Ông luôn biết chính xác mình muốn gì và chừng nào diễn viên còn chưa đạt được tới, họ sẽ phải diễn lại, không có bất cứ sự thỏa hiệp nào.
Có lẽ vì sự khó tính này mà các bộ phim của Chaplin luôn có ít nhân vật. Thậm chí ông từng thử làm một bộ phim trong đó chỉ có mình ông diễn xuất.
Một đám đông đang chờ đợi để được gặp mặt Charlie Chaplin năm 1917.
Chaplin thậm chí còn là một vị đạo diễn áp đặt. Trong bộ phim “A Countess from Hong Kong” (1967), nam diễn viên Marlon Brando từng “khẩu chiến” với Chaplin khi anh bị yêu cầu diễn lại: “Tôi không thể hiểu nổi nhân vật tại sao phải làm như vậy, động cơ nào khiến anh ta phải hành động như vậy?”.
Chaplin với vai trò đạo diễn - biên kịch - nhà sản xuất đã trả lời rất “cứng” rằng: “Hãy quên cái động cơ đó đi và làm như những gì tôi bảo, đó chính là động cơ”.
Không chỉ là một diễn viên hài nổi tiếng, Charlie Chaplin còn là một đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất tài năng. Với tư cách đạo diễn, ông chỉ muốn diễn viên thực hiện theo đúng những gì mình yêu cầu, họ không được phép tự do sáng tạo cho vai diễn.
Sau này, khi đã giải nghệ, Chaplin yêu cầu tất cả những đoạn phim quay hỏng, các đoạn phim hậu trường phải bị xóa bỏ. Vì vậy, cho tới hôm nay còn lại khá ít tư liệu về Charlie Chaplin với tư cách một vị đạo diễn.
Trên phim trường, ông rất cẩn thận việc cho ai được sử dụng máy quay, máy ảnh. Thường chỉ những người thân cận mới được phép quay cảnh hậu trường.
Sau khi giải nghệ hồi thập niên 1950, Charlie Chaplin chuyển tới sống ở Thụy Sĩ cùng người vợ thứ 4. Ông trải qua 4 cuộc hôn nhân, có tổng cộng 5 con trai và 5 con gái.
Trong sự nghiệp kéo dài hơn 7 thập kỷ, Charlie Chaplin (1889-1977) là một trong những ngôi sao màn bạc nổi tiếng nhất thế giới, mãi mãi là “vua hề” huyền thoại trong lịch sử điện ảnh. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông rất ít khi đưa ra những tuyên ngôn nghệ thuật “đao to búa lớn” nhưng những gì ông làm được đã nói nhiều hơn tất cả những gì ông cần nói.
Bích Ngọc