Sự "điên rồ" của nghệ thuật: Trả vàng ròng, "triệu đô" cho tác phẩm vô hình
(Dân trí) - Một tác phẩm vô hình tồn tại hơn 6 thập kỷ qua, người ta tranh nhau mua nó, lúc thì trả bằng vàng ròng, lúc thì bằng cả "triệu đô", chỉ để sở hữu một "vùng nghệ thuật" tồn tại trong... tâm tưởng.
Một nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật vừa chi ra hơn một triệu USD (tương đương hơn 26 tỷ đồng) để mua một tờ biên lai xác nhận về sự tồn tại của một tác phẩm vô hình.
Tờ biên lai này xác nhận cho sự tồn tại của một tác phẩm có tên "Zones of Immaterial Pictorial Sensibility" (Vùng cảm nhận hình ảnh phi vật chất). Về cơ bản, đó là một vùng nghệ thuật tồn tại trong ý niệm.
Sự xuất hiện của thương vụ mua bán tác phẩm vô hình này hiện tại thu hút sự quan tâm chú ý của truyền thông và giới sưu tầm nghệ thuật quốc tế.
Tác giả của tác phẩm vô hình này là nghệ sĩ người Pháp Yves Klein (1928 - 1962). Lúc sinh thời, nghệ sĩ Yves Klein vốn nổi tiếng với việc bán ra những tác phẩm không hề tồn tại, đó là những tác phẩm chỉ tồn tại trong ý niệm, dù vậy, người mua muốn sở hữu tác phẩm phải trả vàng ròng cho nghệ sĩ.
Được xem là một nghệ sĩ nổi bật của trường phái nghệ thuật tân hiện thực, Klein luôn đi tiên phong trong các thử nghiệm nghệ thuật mang tính ý niệm. Trong khoảng thời gian từ năm 1959 cho tới khi nghệ sĩ qua đời ở tuổi 34 hồi năm 1962, Klein đã thực hiện hàng loạt những tác phẩm có giá trị như những tuyên ngôn nghệ thuật trong cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi của mình.
Klein đã bán ra hàng loạt tờ biên lai để xác nhận cho sự tồn tại của "những vùng nghệ thuật"... vô hình, nghệ sĩ nhận về những khoản chi trả bằng vàng ròng. Giờ đây, 6 thập kỷ sau khi Klein qua đời, một trong những tấm biên lai mà nghệ sĩ từng bán ra xuất hiện trở lại tại một cuộc đấu giá và đạt mức giá hơn một triệu USD (tương đương hơn 26 tỷ đồng).
Dù Klein vốn bán ra nhiều tấm biên lai để xác nhận các thương vụ mua bán những "Vùng cảm nhận hình ảnh phi vật chất", nhưng rất ít biên lai còn tồn tại được tới hôm nay.
Nguyên nhân là bởi Klein từng khuyến khích những người mua tác phẩm của mình hãy đốt những tấm biên lai này đi ngay sau khi sở hữu "vùng nghệ thuật" mà nghệ sĩ bán cho họ. Việc đốt biên lai là một phần "nghi thức" mà trong đó người mua sẽ xác lập được vị thế "người chủ sở hữu duy nhất" đối với vùng nghệ thuật vừa mua.
Nếu người mua lựa chọn đốt biên lai, Klein sẽ cùng với họ thực hiện "nghi thức", nghệ sĩ sẽ ném nửa số vàng nhận được xuống sông Seine, trong khi người mua tác phẩm đốt biên lai trước sự chứng kiến của đám đông.
Một nhà sưu tầm nghệ thuật có tên Jacques Kugel là người chủ sở hữu của một tấm biên lai và là một trong số ít những người đã lựa chọn không đốt tấm biên lai sau khi mua một "vùng nghệ thuật" của nghệ sĩ Yves Klein. Tấm biên lai mà ông Jacques Kugel sở hữu đã từng được đem trưng bày tại nhiều triển lãm ở Châu Âu.
Sau này, một người chủ sở hữu triển lãm nghệ thuật có tên Loïc Malle đã mua lại tấm biên lai này, giờ đây, ông Loïc Malle quyết định đem rao bán đấu giá tấm biên lai cùng với nhiều tác phẩm và hiện vật nghệ thuật khác mà ông đã sưu tầm được qua năm tháng.
Tấm biên lai được thiết kế trông giống như một tờ séc, trên đó có chữ ký của nghệ sĩ Yves Klein và đề ngày thực hiện giao dịch mua bán là 7/12/1959. Tấm biên lai này nhằm xác nhận quyền sở hữu của người mua đối với một "vùng nghệ thuật cảm nhận hình ảnh phi vật chất".
Thực tế, nghệ sĩ Yves Klein còn ghi chép lại danh tính những người đã mua các "vùng nghệ thuật" vô hình của ông. Những thương vụ mua bán lạ lùng này được giới nghệ thuật đánh giá là tiền thân của những tác phẩm nghệ thuật số được mã hóa để trở thành "độc nhất vô nhị", mà giới nghệ thuật đương đại đã và đang thấy xuất hiện trên thị trường trong những năm trở lại đây.
Ban đầu, nhà đấu giá ước tính tác phẩm vô hình này sẽ được mua với giá trong khoảng từ 300.000 - 550.000 USD nhưng tại phòng đấu giá của nhà đấu giá Sotheby tại Paris, Pháp, con số mà các bên đưa ra đã nhanh chóng đẩy mức giá của tác phẩm lên cao, sau cùng, một người mua ẩn danh đã trả cho tác phẩm số tiền gần 1,2 triệu USD.
Theo nhà đấu giá, người mua là một nhà sưu tập tư nhân đến từ Châu Âu. Lúc sinh thời, đối với số vàng không bị nghệ sĩ Yves Klein ném xuống sông Seine, nghệ sĩ sử dụng để chế tác nên những lá vàng và xem đó là những tác phẩm nghệ thuật. Yves Klein từng quyên tặng ẩn danh một lá vàng cho một nhà thờ tại Ý.
Lá vàng đã được nhà thờ cất giữ nhiều năm cho tới khi xảy ra một trận động đất hồi năm 1979, khi kiểm kê lại những món đồ giá trị, người ta mới tìm thấy lại lá vàng, một họa sĩ có dịp chiêm ngưỡng lá vàng đã ngay lập tức nhận ra đó là tác phẩm của Yves Klein.