Sự ảo tưởng của... K-pop

(Dân trí) - K-pop đang "làm mưa làm gió" khắp châu Á. K-pop đang khiến các fan Việt Nam "nức nở, gào khóc", "vật vã gọi tên". Nhưng, K-pop đang ảo tưởng về chính mình!

K-pop được coi là cá tính âm nhạc nổi bật nhất Châu Á nhưng vẫn còn quá xa lạ với thị trường âm nhạc Âu - Mỹ vốn được coi là văn minh và đẳng cấp nhất thế giới. Vẫn còn rất lâu nữa K-pop mới có thể hy vọng thâm nhập được vào thị trường này.

 

Sự ảo tưởng của... K-pop - 1

Trong khi nhạc Hàn, hay còn được biết tới với cái tên K-pop, nhanh chóng vươn lên vị trí “thống soái” làng nhạc Châu Á và trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp giải trí Châu Á, thì thực tế, trong bức tranh âm nhạc toàn cảnh của thế giới, K-pop vẫn chỉ “nằm bên lề” của dòng chảy âm nhạc đương đại và không thể nào sánh vai với nhạc Âu - Mỹ, chưa nói đến việc thâm nhập vào thị trường này.

Theo các chuyên gia quốc tế góp mặt tại Diễn đàn Âm nhạc Seoul (SMF) - một diễn đàn thảo luận về triển vọng của K-pop ở thị trường quốc tế, thành công của K-pop trên quy mô quốc tế rất khác với thành công của K-pop ở thị trường nội địa cũng như cách mà người dân Hàn Quốc nghĩ về tầm ảnh hưởng của nhạc Hàn trong thị trường âm nhạc thế giới.

Điều này đã được ông Rob Schwartz, giám đốc tạp chí âm nhạc Billboard chi nhánh tại Nhật Bản chia sẻ thẳng thắn tại diễn đàn được tổ chức trong hai ngày 11-12/9 vừa qua.

Một nhóm những chuyên gia am hiểu về thị trường âm nhạc đương đại đã có mặt tại diễn đàn này để cùng thảo luận thẳng thắn về những lý do còn đang cản bước tiến của K-pop, về triển vọng vươn ra thị trường quốc tế và những bước tiếp theo K-pop cần thực hiện để đảm bảo việc ngày càng mở rộng thị trường và không bị rơi vào thoái trào.

Sự ảo tưởng của... K-pop - 2

Nhiều chuyên gia có mặt tại sự kiện này đã đồng tình rằng mức độ thành công của K-pop trên thị trường quốc tế rất khác biệt so với cách mà K-pop được khắc họa bởi giới truyền thông Hàn Quốc. Ông Rob Schwartz phát biểu thẳng thắn rằng: “Ở Mỹ, K-pop không thành công như người Hàn Quốc vẫn nghĩ”.

Diện mạo bắt mắt, giai điệu bắt tai, vũ đạo điêu luyện là đặc điểm chung mà phần lớn các ca sĩ, nhóm nhạc K-pop đều có, nhưng những điều này dù đã được các lò đào tạo đầu tư cầu kỳ, tỉ mỉ vẫn không thể trở nên thân thuộc và gắn kết với khán giả Mỹ.

Nhạc phẩm “Gangnam Style” của nam ca sĩ Psy dù đạt được thành công lớn, thậm chí lớn hơn tất cả những nhạc phẩm thành công nhất của những ngôi sao đình đám nhất tại thị trường âm nhạc Mỹ hiện nay, nhưng “Gangnam Style” cũng chỉ được coi là bản hit mang tính “hiện tượng nhất thời”.

Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa K-pop mới lại có được một thành công tương tự như vậy. Làn sóng K-pop thực sự chưa thể nào lan tỏa và có tầm ảnh hưởng ở trời Tây.

Sự ảo tưởng của... K-pop - 3

Theo tư vấn của các chuyên gia có mặt tại diễn đàn, các nghệ sĩ và các công ty sản xuất âm nhạc của Hàn Quốc nên nhấn mạnh hơn nữa cá tính và thế mạnh riêng của các ca sĩ Hàn, để khi tiến vào thị trường âm nhạc Âu - Mỹ, nét khác biệt của họ sẽ tạo thành bản sắc K-pop.

Hiện tại, K-pop đã đạt được thành công lớn ở nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á và Nam Mỹ. Chỉ còn thị trường Âu - Mỹ là K-pop đang loay hoay. Thị trường này cũng là nơi diễn ra dòng chảy âm nhạc văn minh và thời thượng nhất thế giới. Nếu không thể thâm nhập vào thị trường này, mãi mãi K-pop vẫn chỉ là dòng nhạc “bên lề”, không thể hòa vào cuộc chơi lớn.

Không thể phủ nhận K-pop giờ đã vươn lên trở thành nhân tố văn hóa chủ đạo của nền giải trí Châu Á. Văn hóa đại chúng Châu Á đã bị thống trị bởi âm nhạc phương Tây cho tới tận năm 1980, khi J-pop (nhạc Nhật) bắt đầu lấy lại thị trường, tiếp sau là cuộc trỗi dậy của những bộ phim võ thuật Hồng Kông và truyện tranh Nhật Bản.

Đây vẫn là những nét cơ bản mà thế giới hình dung về văn hóa giải trí Châu Á. Giờ đây, trong thế kỷ 21, nhạc Hàn và phim Hàn đã nắm thế thượng phong trong bức tranh toàn cảnh của nền công nghiệp giải trí Châu Á.

Sự ảo tưởng của... K-pop - 4

Làn sóng K-pop tính đến nay có thể tạm chia thành 3 đợt. Đợt đầu với Rain, BoA sở hữu chất lượng âm nhạc vượt trội và công nghệ trình diễn hiện đại, thời đó, những điều này vẫn còn xa lạ đối với những nền âm nhạc chưa phát triển của Châu Á.

Đợt hai là thời kỳ của những nhóm nhạc thần tượng như Shinhwa, Super Junior, Girls’ Generation với phong cách biểu diễn hoàn hảo và một sự đồng bộ, ăn khớp giữa các thành viên như thể được “lập trình”.

Đợt ba chính là ở hiện tại với những ban nhạc như Big Bang, vừa sở hữu khả năng sáng tác, vừa biểu diễn live “cực chất”, đồng thời còn là những biểu tượng thời trang. Các ban nhạc kiểu này cũng bắt đầu mở rộng quốc tịch khi đưa thêm thành viên là người Trung Quốc để dễ bề tiến vào thị trường nhạc Hoa khổng lồ.

Đối với tương lai phát triển của K-pop, diễn đàn thống nhất rằng còn có những khó khăn phải đối mặt. Hiện tại, K-pop còn quá tập trung vào nhạc dance mà chưa có sự đa dạng, phong phú về thể loại. Việc giới hạn K-pop trong một màu nhất định sẽ khiến K-pop dễ rơi vào tình trạng thoái trào.

Sự ảo tưởng của... K-pop - 5

Ngoài ra, các ca sĩ K-pop đều có chung một tiến trình phát triển sự nghiệp, đó là khởi đầu ở Hàn Quốc, xuất hiện trong những chương trình âm nhạc lớn ở trong nước, thu hút sự quan tâm của khán giả nội địa, sau đó mới tấn công ra nước ngoài. Điều này khiến mức độ cạnh tranh giữa các nghệ sĩ Hàn là quá lớn và thực tế cũng chưa đem lại hiệu quả lớn trên quy mô quốc tế.

Vì vậy, các công ty sản xuất âm nhạc ở Hàn Quốc được khuyên nên khai thác những cách gây dựng tên tuổi kiểu mới, chẳng hạn để gương mặt mới xuất hiện tại thị trường âm nhạc nước ngoài trước rồi sau đó mới dội ngược hiệu ứng về quê nhà Hàn Quốc và bắt đầu tung ra sản phẩm âm nhạc.

Bích Ngọc
Theo Asia One

Sự ảo tưởng của... K-pop - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm