Sóc Trăng:

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc

Huỳnh Hải Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Tối 6/11, ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer Nam bộ và lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng đã khai mạc trong không khí vui rươi, rộn ràng.

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 1

Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, diễn ra từ ngày 2-8/11. Ngày hội nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Đồng thời, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Xem tái hiện lễ Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer (Video: Huỳnh Hải).

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 2

Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, hấp dẫn, mang đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, như: Hội chợ xúc tiến thương mại; liên hoan ẩm thực; triển lãm ảnh, tư liệu về dân tộc, tôn giáo; trưng bày, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn thả đèn nước; thi đấu giải ghe Ngo.

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 3

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày hội, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. "Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân. Vì vậy, tôi mong muốn đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông, bà, cha, mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình", ông Chiến lưu ý.

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 4

Qua sự thể hiện của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng, người dân và du khách thập phương được cảm nhận và trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa Khmer say đắm lòng người. Du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục rực rỡ qua sự trình diễn của các nghệ nhân người Khmer, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua sự thể hiện khéo léo, tài hoa của nghệ nhân đến từ 12 tỉnh, thành.

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 5

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa, nghệ thuật sân khấu độc đáo và đặc sắc. Đặc biệt, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer Nam bộ đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông - đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 6

"Chúng ta hết sức vui mừng và tự hào khi các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã và đang được đồng bào Khmer Nam bộ bảo tồn, phát huy trong đời sống hàng ngày, phát triển hài hòa trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh tại lễ khai mạc ngày hội.

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 7

Cùng khai mạc ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, Sóc Trăng cũng tổ chức lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo. Oóc Om Bóc nghĩa là "Đút cốm dẹp", là một nghi lễ nông nghiệp của cư dân người Khmer nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng được tổ chức hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch để tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, đã giúp cho con người làm ăn được khá giả trong năm.

Rộn ràng ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và lễ Oóc Om Bóc - 8

Lễ Oóc Om Bóc thường rơi vào ngày cuối của mùa hạ và cũng là thời gian thu hoạch mùa màng, hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất. Để nhớ ơn vị thần có ảnh hưởng đến mùa màng, họ lấy lúa nếp đâm thành cốm dẹp cùng với các loại hoa trái khác cúng mặt trăng để tỏ lòng biết ơn vị thần. Kết thúc buổi lễ, người ta mời bà con cùng dùng những thức cúng, còn thanh niên nam, nữ thì múa hát, vui chơi dưới ánh trăng rằm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm