Đặc sắc nghi lễ truyền thống trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao lần thứ II
(Dân trí) - Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II sẽ tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống trong đời sống tinh thần của người Dao với sự tham gia của 2000 nghệ nhân, nghệ sĩ và diễn viên.
Chiều 28/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022 sẽ được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển".
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL) cho biết, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
"Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển," Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết.
Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra vào 20h ngày 6/10 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên với sự tham gia của khoảng 2000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, quần chúng dân tộc Dao đến từ các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái và có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương...
Các nghệ sĩ, nghệ nhân… sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội, gồm 12 hoạt cảnh tái hiện đời sống sinh hoạt văn hóa người Dao: Rừng thức, Đón mặt trời lên, Lễ cúng thần rừng, Sắc màu thổ cẩm, Kỹ nghệ giấy bản, Lễ tơ hồng, Lễ cấp sắc, Người Dao vui Tết nhảy...
Trong khuôn khổ Ngày hội cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện như triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam"; trưng bày giới thiệu văn hóa du lịch các địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi lễ truyền thống; hoạt động thể thao quần chúng gồm thi đấu 4 môn thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian: Bắn nỏ, Đẩy gậy, Kéo co và Chạy cà kheo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, đến nay, các hoạt động của Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Dao, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại, kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
Đây cũng là dịp Thái Nguyên hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập thành phố (19/10/1962 - 19/10/2022) và công bố thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (tháng 10/2022).