Ra mắt vở kịch về Tổng đốc Hoàng Diệu nhân 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

(Dân trí) - Tối qua (1/11), Nhà hát Kịch Hà Nội đã chính thức ra mắt vở kịch “Hà Thành chính khí” nhân dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (2020), 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959 – 2019) và đánh dấu sự ra đời của sân khấu mới của Nhà hát.

“Hà Thành chính khí” lấy bối cảnh những năm 1880, khi thực dân Pháp đem quân ra miền Bắc, nhăm nhe đánh chiếm thành Hà Nội. Nhận thấy điều này, người trấn giữ tỉnh Hà Ninh (Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình) lúc bấy giờ là Tổng đốc Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào việc chiến đấu. Ông cho đào hào, đắp thành, chuẩn bị vũ khí đạn dược…

Ra mắt vở kịch về Tổng đốc Hoàng Diệu nhân 1010 năm Thăng Long - Hà Nội - 1

Cảnh Tổng đốc Hoàng Diệu cùng các quan bàn việc giữ thành Hà Nội.

Mặt khác, Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn hết lòng chăm lo cho đời sống của dân chúng. Ngày nay, ở Ô Quan Chưởng - đầu phố Hàng Chiếu, còn áp ở mặt tường cổng ra vào một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ được niêm yết năm 1881 của Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng nhằm ngăn chặn các tệ nạn nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới hỏi và nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông, trên chợ. Đó là một di tích quý hiếm nói lên tấm lòng nhân ái, chính trực, sống và làm việc vì dân của Tổng đốc Hoàng Diệu.

Tuy nhiên, chính sự đớn hèn của triều đình đã khiến Tổng đốc Hoàng Diệu thân cô thế cô chống chọi lại sức mạnh của đội quân Pháp. Bất chấp triều đình Huế khiển trách, Tổng đốc Hoàng Diệu cùng các tướng sĩ đã cùng nhau quyết tử để bảo vệ thành Hà Nội tới hơi thở cuối cùng. Nhưng do sự phản trắc của hoàng thân - Án sát Tôn Thất Bá, đến năm 1882 thành Hà Nội đã thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tại Võ Miếu.

Ra mắt vở kịch về Tổng đốc Hoàng Diệu nhân 1010 năm Thăng Long - Hà Nội - 2
Ra mắt vở kịch về Tổng đốc Hoàng Diệu nhân 1010 năm Thăng Long - Hà Nội - 3
Ra mắt vở kịch về Tổng đốc Hoàng Diệu nhân 1010 năm Thăng Long - Hà Nội - 4

Vai Tổng đốc Hoàng Diệu do diễn viên Phạm Tiến Lộc đảm nhận.

Khâm phục trước tấm gương của quan Tổng đốc Hoàng Diệu, thà chết chứ không chịu luồn mình dưới chân giặc, nhân dân và sĩ phu Hà Thành lập bàn thờ ông bên cạnh vị quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa.

Dù thành Hà Nội thất thủ nhưng hình ảnh quan Tổng đốc Hoàng Diệu kiên trung, bất khuất, một lòng vì dân, quyết tử bảo vệ thành Hà Nội vẫn luôn sáng mãi muôn đời.

Vở kịch quy tụ sự tham gia của 100 nghệ sĩ, diễn viên… đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau. Trong đó có thể kể đến: NSND Công Lý, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Thu Hạnh, NSƯT Linh Huệ, Hoàng Sơn, Tiến Lộc, Thuý An, Mạnh Kiên, Thiện Tùng, Thanh Tùng, Mạnh Hưng, Mạnh Hà, Xuân Tùng, Quang Minh, Kim Oanh, Tiến Huy, Xuân Hồng, Tiến Mạnh, Đam San, Trần Tuấn, Xuân Hiển, Duy Hưng, Mạnh Cường, Quân Anh, Diệu Linh….  

Hà Tùng Long