Quần bò rách có từ bao giờ?
(Dân trí) - Những đầu gối, cẳng chân, bắp đùi… lộ ra dưới những mảng rách lớn. Tất cả “lấp ló” dưới lần vải denim xước rách. Từ những ngôi sao nổi tiếng cho tới những con người bình thường đều “chết mê” quần jeans xước rách.
Thế giới thời trang là sự quay vòng của mốt, có những mốt khi mới xuất hiện có vẻ rất kỳ quái, lập dị, thậm chí buồn cười, nhưng vẫn tạo được hiệu ứng. Trong suốt vài năm trở lại đây, thời trang denim chứng kiến cơn sốt “bò rách” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những đầu gối, cẳng chân, bắp đùi… lộ ra dưới những mảng rách lớn. Tất cả “lấp ló” dưới lần vải denim xước rách. Từ những ngôi sao nổi tiếng cho tới những con người bình thường đều “chết mê” quần jeans xước rách.
Thị trường thời trang denim hiện nay chiếm giữ một mảng lớn trong bất cứ nền công nghiệp sản xuất thời trang nào trên thế giới. Riêng tại Anh, ngành sản xuất denim trị giá 1,5 tỷ bảng (hơn 44 nghìn tỷ đồng). Phong cách thời trang denim “xước rách” lại nắm giữ vị thế chủ đạo so với các phong cách denim khác.
Từ những hãng thời trang cao cấp với những chiếc quần bò rách lên tới tương đương cả chục triệu đồng, cho tới những chiếc quần jeans rách bình dân giá chỉ vài trăm ngàn đồng, quần bò rách xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, tạo nên cơn sốt toàn cầu. Vậy tại sao mọi người đều thích mặc quần bò rách?
Quần bò rách có từ bao giờ?
Lần lại lịch sử thời trang denim, jeans lần đầu xuất hiện hồi cuối thập niên 1870, được thiết kế bởi doanh nhân người Đức - Loeb Strauss, người đã có công sáng lập ra hãng thời trang denim Levi’s. Strauss đã sử dụng vải cotton dệt chéo go với độ bền cao, phù hợp với người lao động.
Màu chàm được ông sử dụng để nhuộm vải thành màu xanh sẫm, giúp sản phẩm trở nên phù hợp với môi trường lao động. Mốt jeans rách xuất hiện sau đó, ở thời kỳ thập niên 1970, khi giới trẻ chuộng lối sống phóng túng, nổi loạn. Lúc này, jeans rách đồng nghĩa với cá tính mạnh.
Thời kỳ này, jeans rách chưa được sản xuất phổ biến mà do tự mỗi người mua jeans về rồi tự mài, cắt, xé… theo sở thích riêng. Ngay lập tức, các nhà sản xuất denim đã bắt kịp xu hướng.
Tại sao jeans rách trở lại sau thập niên 1970?
Bắt đầu từ năm 2010, jeans rách quay trở lại. Các chuyên gia thời trang cho rằng đây là sự quay vòng của mốt, khi thời trang thập niên 1970-1980 hồi sinh với sự tái xuất của “jumpsuit”, quần cạp cao, quần soóc rộng “culottes”… Bước vào cửa hàng quần áo nào giờ đây cũng có quần jeans xước rách.
Điểm khác biệt giữa jeans rách thập niên 1970 và 2010, đó là bây giờ người ta mua jeans đã được mài rạch sẵn, thay vì phải tự thao tác như trước đây. Thực tế, vải denim hiện giờ dai bền, khó xé hơn trước nhiều.
Người ta làm jeans rách như thế nào?
Các nhà sản xuất denim có hai cách làm rách jeans: hoặc dùng tia laser hoặc xé tay. Cách dùng laser thường dùng cho những sản phẩm có giá bình dân, có thể thực hiện cho hàng loạt sản phẩm trong thời gian ngắn khoảng 1 phút/jeans.
Cách xé tay chỉ gặp ở những chiếc quần jeans đắt tiền, bởi mỗi công nhân sẽ nhận một sản phẩm, xé theo ý tưởng thiết kế và chỉ giao sản phẩm sau khi đã hoàn thành việc làm rách như ý tưởng. Quá trình xé tay mất tới vài tiếng cho một chiếc quần jeans.
Jeans rách cũng tiềm ẩn những nguy cơ
Xé rách chỉ là một phần của công đoạn tạo mốt cho jeans. Để thực sự đưa cảm nhận thời trang vào jeans, đòi hỏi phải có công đoạn mài, phối những mảng sờn bạc trên quần. Nhà sản xuất có nhiều cách mài jeans, từ việc dùng giấy nhám công nghiệp để mài, cho tới đá bọt cọ vải.
Gần đây, xuất hiện một phương cách mới, đó là nén cát vào súng bắn hơi và rồi bắn cát đang chịu sức nén lớn lên bề mặt denim để tạo nên mảng bạc màu.
Cách bắn cát tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ cao hơn, nhưng rất nguy hiểm, bởi những hạt bụi li ti có thể theo không khí đi vào phổi người công nhân thao tác. Vì lợi ích người lao động, một số hãng denim nổi tiếng thế giới đã tuyên bố không sử dụng phương pháp bắn cát nữa.
Jeans rách không hề tùy tiện, ngẫu hứng
Trông jeans rách có phần ngẫu hứng, phóng túng, nhưng kỳ thực lại không phải vậy. Tùy vào ý tưởng làm rách mà người ta phải lên phương án khác nhau: có jeans thủng lỗ, có jeans rách nhưng vẫn còn để lại sợi vải, và có jeans dù chày xước nhưng không để mất vải.
Quần jeans “lành lặn” lại rẻ tiền hơn quần jeans xước rách
Về giá thành, so sánh hai chiếc quần jeans của cùng một thương hiệu, “na ná” nhau về kiểu dáng, thì jeans nguyên vẹn, “lành lặn” lại rẻ hơn jeans xước rách. Đơn giản là bởi quần jeans xước rách tốn thời gian thực hiện hơn.
Liệu có khi nào jeans xước rách hết mốt?
Mốt quay vòng, mốt thay đổi, không có một xu hướng thời trang nào có thể tồn tại vĩnh viễn với dòng chảy của mốt, chỉ là nó tạm thời nổi lên hoặc chìm xuống. Đối với những tín đồ jeans xước rách sớm đón đầu xu hướng từ năm 2010, đến nay, hẳn nhiều người đã cảm thấy “chán”. Giờ đây, xu hướng jeans thiết kế độc lạ, bất tuân xu hướng lại trở thành mốt.
Xu hướng mài xước rách bây giờ chuyển xuống vùng gấu quần với cách xử lý đa dạng, từ tạo sợi tua rua cho tới “crop” gấu, không giữ viền mép… Phong cách jeans xước rách sau 7 năm tồn tại cũng đang tìm những hướng đi mới, trước đây có jeans vảy sơn, giờ có jeans “bùn đất”. Các hãng thời trang nổi tiếng đều đang “đau đáu” tìm ra cơn sốt mới cho tín đồ denim.
>> Sửng sốt trước dòng thời trang denim “bùn đất” có giá… “trên trời”
>> Những con số bí mật của… quần jeans
Bích Ngọc
Theo Business Insider/Daily Mail