Những con số bí mật của… quần jeans
(Dân trí) - Khởi điểm là quần áo bảo hộ lao động, jeans, denim đã trở thành dòng thời trang thịnh hành trên khắp thế giới như thế nào?
Cứng và thô, hay mềm và co giãn, được mặc bởi những người dân lao động hay những siêu mẫu nổi tiếng, quần jeans, denim là một phong cách thời trang vừa mạnh mẽ, cá tính, vừa tinh tế, thú vị, gây ấn tượng đặc biệt, bởi đằng sau jeans, denim, là cả một lịch sử kéo dài bất ngờ, ẩn chứa nhiều bí mật về một dòng thời trang phản ánh cả một phần văn hóa đại chúng.
Khởi điểm là quần áo bảo hộ lao động, jeans, denim đã trở thành dòng thời trang thịnh hành trên khắp thế giới như thế nào? Dưới đây là những con số bí mật của… quần jeans:
4 - Hình ảnh 4 chiếc đinh tán này có khiến bạn cảm thấy tò mò? Tại sao đi với quần jeans hay đồ denim nói chung, luôn phải là những chiếc đinh tán, khuy kim loại? Ngoài yếu tố thẩm mỹ, giúp đồng điệu với sự khỏe khoắn, chắc chắn của chất liệu denim, những chiếc đinh tán nằm trên những chiếc túi quần jeans còn có một công dụng thực sự.
Người ta dùng đinh tán ở những vị trí chịu lực giằng co lớn nhất bởi nếu không sử dụng đinh tán ở những điểm này, quần jeans sẽ bớt đứng dáng, vải sẽ không “đanh” mà bị xô lệch. Chịu lực giằng lớn trong quá trình sử dụng, quần sẽ nhanh bị rách nếu chỉ đơn thuần được máy lại, việc có những chiếc đinh tán giúp quần jeans bền đẹp hơn.
Dần dần, từ công dụng thực tế, những chiếc đinh tán trở thành một nét đẹp không thể thiếu của đồ denim, giúp gia tăng vẻ đẹp mạnh mẽ, bụi bặm, rất “ngầu” của những món đồ thời trang khỏe khoắn.
Hồi thập niên 1870, quần jeans chỉ dành cho những người lao động chân tay bởi chất liệu này khá bền, dù vậy, các động tác lao động tạo nên lực giằng lớn đối với các thớ vải khiến quần jeans nhanh chóng bị rách ở những điểm mà ngay nay chúng ta thấy có sự xuất hiện của những chiếc đinh tán.
Dần dần, các nhà sản xuất quần jeans cũng nhận ra vấn đề này và họ rập thêm những chiếc đinh tán vào những điểm chịu lực như góc túi hay nút khuy cài cửa quần. Những chiếc đinh tán thực sự giúp các thớ vải kết nối bền chặt với nhau hơn. Từ đó, quần jeans lại càng trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động.
Thực tế, quần jeans sử dụng đinh tán là một sáng kiến đã được cấp bằng sáng chế ở Mỹ hồi năm 1873. “Ông tổ của quần jeans hiện đại” là hai người đàn ông Mỹ gốc Do Thái có tên Levi Strauss và Jacob W. Davis.
139.121 - Sau khi nhận được bằng sáng chế có số thứ tự 139.121 tại Mỹ, dành cho sản phẩm quần jeans sử dụng đinh tán, Levi Strauss và Jacob W. Davis đã cùng nhau lập nên công ty chuyên sản xuất quần jeans đầu tiên trên thế giới với quy trình công nghiệp.
Trước đó, quần jeans vốn đã được sử dụng rất rộng rãi trong những người lao động, nhưng chính từ sau khi đinh tán được đưa vào thiết kế, quần jeans mới được sản xuất và bày bán rộng rãi trên thị trường và tạo nên dòng thời trang denim mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.
Chính Levi Strauss đã nghĩ ra cái tên “jeans” để gọi những chiếc quần do mình sản xuất, cái tên này giờ trở nên phổ biến trên khắp thế giới, trước đó, người ta có rất nhiều cách để gọi một chiếc quần jeans nhưng thường những tên gọi này dài dòng hơn và không phong cách bằng tên gọi “jeans”.
1 - Quần bò thường có một chiếc túi con nằm trong chiếc túi to ở mặt quần trước, thường chúng ta ít khi sử dụng chiếc túi con nhỏ xíu này và có thể đã đôi lần bạn tự hỏi người ta thiết kế chiếc túi đó để làm gì bởi kích thước của nó quá nhỏ để có thể thực sự có một công dụng đáng kể nào.
Tuy vậy, lần lại lịch sử thời trang quần jeans, những chiếc túi nhỏ đó đã từng được thiết kế để nhét đồng hồ bỏ túi. Hồi thế kỷ 19, chủ yếu những cao bồi miền Tây nước Mỹ mới mặc quần jeans bởi chất liệu bền, phù hợp với công việc của họ. Những chiếc túi nhỏ giúp họ có thể cất những đồng hồ bỏ túi thật chắc, không sợ rơi mất.
Sau này, khi quần jeans trở nên phổ biến hơn nhiều trong đời sống văn hóa đại chúng trên khắp thế giới, chiếc túi nhỏ này lại có thêm những công dụng như nhét tiền xu, bật lửa, vé xe, dao nhíp… Nhìn chung, công dụng của chiếc túi nhỏ này tùy thuộc vào mỗi người, và cho tới giờ, nó đã trở nên quá quen mắt trong tổng thể chiếc quần jeans đến mức không thể bỏ đi.
10 - Hồi thập niên 1870, khi quần jeans vẫn chủ yếu dành cho người lao động, thường gấu quần jeans được may dài hơn kích thước cần thiết của size quần đến cả chục phân, để khi mua về, những người đàn ông lao động có thể gập mép gấu thừa lên, tạo thành một chiếc “túi dã chiến”, đựng sợi thuốc lá.
16 - Thế kỷ 16 là khi những chiếc quần may bằng vải cotton dày cứng, nhuộm xanh bắt đầu trở nên phổ biến ở hai thành phố cảng Nimes (Pháp) và Genoa (Ý). Trong suốt vài thế kỷ, đây được xem là món đồ đặc trưng của các thủy thủ, bởi chất liệu bền chắc. Từ “denim” mà chúng ta sử dụng hôm nay chính là biến thể từ “De Nimes” có nghĩa là “đến từ Nimes” trong tiếng Pháp.
400 - Năm 2011, Từ điển Tiếng Anh Oxford đã đưa thêm 400 từ mới vào trong từ điển, trong đó có từ “Jeggings” để chỉ một dòng thời trang quần kiểu mới, kết hợp giữa “jeans” và “leggings”, thành một dạng quần jeans ống bó, ôm sát như leggings.
1951 - Năm 1951, nam ca sĩ người Mỹ Bing Crosby từng không được vào một khách sạn sang trọng ở Canada chỉ bởi ông mặc quần jeans, chỉ cho tới khi người ta nhận ra ông là ai, Bing Crosby mới được cho vào.
Đáp lại “sự phân biệt đối với quần jeans” này, hãng thời trang chuyên về đồ jeans nổi tiếng thế giới - Levi’s (do “ông tổ quần jeans hiện đại” Levi Strauss sáng lập) đã thực hiện một bộ tuxedo từ chất liệu denim tặng Bing Crosby.
1953 - Năm 1953, nam diễn viên Marlon Brando 27 tuổi, anh xuất hiện trong bộ phim “The Wild One”. Trang phục gắn liền với tạo hình nhân vật của Brando là áo da và quần jeans. Phong cách này đã có tác động mạnh tới cộng đồng chơi xe motor phân khối lớn ở Mỹ thời bấy giờ, tạo thành một diện mạo tổng thể “kinh điển”, cho tới giờ vẫn còn rất thịnh hành.
1984 - Năm 1984, nhà thiết kế thời trang danh tiếng thế giới Yves Saint Laurent từng nói: “Tôi ước gì mình là người sáng tạo ra quần jeans… Jeans có cảm xúc và tuyên ngôn, có sự khiêm nhường, giản dị, có cả sự hấp dẫn giới tính, tất cả những điều đó tôi luôn hy vọng có được trong những mẫu thiết kế của mình”.
1990 - Thập niên 1990, những chiếc quần jeans quá khổ vốn dùng cho thợ mộc với những túi và dây móc may dọc ống quần để những người thợ cất tạm các dụng cụ lao động đã được ứng dụng để đưa vào dòng thời trang hip hop, mà tiếng lóng đường phố vẫn gọi là… “quần tụt”.
2009 - Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng vui vẻ “bênh vực” cho những chiếc quần jeans ống suông vốn không được công chúng Mỹ đánh giá cao về mặt thẩm mỹ thời trang rằng: “Những chiếc quần jeans của tôi rất thoải mái, và đối với những ai muốn Tổng thống của họ phải trông thật thời trang trong những chiếc quần jeans ống bó, xin lỗi, tôi không phải là người đàn ông mặc những chiếc quần như vậy”.
Bích Ngọc
Tổng hợp