Phong tục, lễ hội ngày càng bị xô lệch: Vì đâu ra cớ sự này?

(Dân trí) - Cứ mỗi dịp đầu năm, “điệp khúc” xấu xí về một số phong tục, lễ hội bị biến tướng; những giá trị văn hoá bị xô lệch... lại được đem ra bàn tán xôn xao. Vì đâu ra cớ sự này?

Một bộ phận “trượt dài” trong niềm tin mù quáng

Trong khi các nhà nghiên cứu tỏ ra lo ngại bởi những giá trị văn hoá đang bị xô lệch theo chiều hướng gia tăng thì nhiều người dân lại tỏ ra hoang mang bởi một bộ phận người đang trượt dài trong những niềm tin mù quáng.

cuop_phet_1.jpg

Cảnh trai làng hỗn chiến trong Lễ hội cướp phết Hiền Quan ở Phú Thọ.

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL 2009, Việt Nam có 7966 lễ hội. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội, tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức. Trong đó có 7039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác. Các địa phương có nhiều lễ hội nhất là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Phú Thọ.

Nhiều lễ hội lớn có thể thu hút hàng triệu người tham gia như: hội Lim (Bắc Ninh), hội chùa Hương (Hà Nội), hội đền Trần (Nam Định), hội Yên Tử (Quảng Ninh)… và những lễ hội nhỏ cũng hút hàng trăm đến hàng người tới dự.

Nhiều lễ hội vẫn giữ được những nét đẹp đậm đà bản sắc nhưng cũng có không ít đã bị biến tướng… Đặc biệt, những lễ hội gắn với yếu tố cầu may lại đang có xu hướng xô lệch – biến tướng nhiều nhất như: chọi trâu, đá gà, đấu vật, chém lợn…

Bằng chứng cụ thể nhất đó là lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) vừa phải dừng phần đánh phết vào chiều 13 tháng Giêng (âm lịch) vì lí do không đảm bảo được trật tự an ninh cũng như không theo đúng kế hoạch - điều lệ trong đề án “Đổi mới công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Phết xã Hiền Quan, huyện Tam Nông” do UBND xã Hiền Quan xây dựng từ trước mùa lễ hội.

Ngay sau khi có thông báo tạm dừng, hàng trăm thanh niên bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh đã có những hành động quá khích, tạo nên cảnh tượng lộn xộn ngay trước cửa đền.

Trước đó, cảnh tượng hàng trăm người gồm già trẻ, gái trai, lớn bé... chen chúc, dẫm đạp, tranh giành... để cướp bằng được sợi chiếu cói hầu mong đẻ được con trai tại Lễ hội Đúc Bụt – Vĩnh Phúc diễn ra ngày mồng 8 tháng Giêng cũng tạo nên một cảnh tượng hết sức hỗn loạn và cuồng tín.

Cảnh hàng trăm người lao vào bứt lông lợn để cầu may tại Lễ hội bắt “ông cầu” (ông lợn) ở Phú Thọ trong ngày mồng 5 Tết cũng khiến không ít người ngao ngán.

Ở một số lễ hội có vật tế như: lợn, trâu, bò... còn thường xuyên tái diễn cảnh hàng trăm người chen chúc, dùng tiền thật quệt máu vật tế để cầu may tạo nên một hình ảnh phản cảm chưa từng thấy.

Chưa dừng lại ở đó, cứ hễ dịp đầu năm, người ta lại thấy cảnh người người – nhà nhà chen chúc nhau đăng ký cầu an – giải hạn tại những ngôi chùa “nổi tiếng”.

Người ta thậm chí còn ngồi tràn ra cả lòng đường để khấn vái xì xụp trong buổi lễ, rồi dẫm đạp lên nhau để cướp lộc sau khi kết thúc khoá lễ. Vàng mã cũng được đốt vô tội vạ gây nên cảnh nhem nhuốc, lãng phí... ở nhiều cơ sở thờ tự.

Vì đâu lễ hội, phong tục, giá trị văn hoá... bị xô lệch tới mức như vậy? Tới mức chính những con người đã gắn bó với những hệ giá trị đó cũng phải lắc đầu ngán ngẩm bởi nó đã bị đẩy đi quá xa.

Lễ hội, phong tục... đang bị tác động bởi cơ chế thị trường?

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam bày tỏ: “Những hành động tranh cướp, đánh nhau, chen lấn ở lễ hội vừa qua là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng nên mê tín, cuồng tín, a dua... Những hành động giẫm đạp lên bệ thờ, tranh cướp vật phẩm thờ cúng là hành vi thiếu văn hóa, nếu không muốn nói là báng bổ Thần - Thánh”.

nhet_1_zing_5_222241188-1524.jpg

Đua nhau lấy tiền thoa vào mình tượng.

PGS.TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, lễ hội cổ truyền đang có xu hướng biến đổi cả về mục đích, chức năng và cấu trúc. Mục đích của các hội làng là cầu người yên vật thịnh, lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong thời điểm nông nhàn.

Nhưng hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, lễ hội lại có mục đích quảng cáo cho các thành thị và địa phương hoặc là nơi cầu may, cầu lợi lộc cho cá nhân, cầu thăng quan tiến chức...

Biến đổi của lễ hội còn thể hiện ở sự nghèo nàn, đơn điệu trong các hình thức giải trí nhưng lại “nở rộ” các hình thức tín ngưỡng, mê tín. Quan hệ giữa ban tổ chức lễ hội và du khách thập phương là quan hệ dịch vụ, tận thu được nhiều nguồn tiền, dẫn đến tình trạng “chặt chém” ở các dịch vụ ăn nghỉ.

“Việc tranh cướp diễn ra lộn xộn trong lễ hội là điều không hay. Nó phá vỡ tín ngưỡng, biến tín ngưỡng thành thứ mê tín”, PGS Trần Hữu Sơn nói.

PGS.TS Phạm Văn Dương - PGĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, lễ hội dân gian vốn không có hình thức hoặc ý nghĩa ban phát như bây giờ. Chính vì người ta thổi vào lễ hội tinh thần ban phát nên mới lôi kéo, thu hút... một bộ phận công chúng có niềm tin lệch lạc đến với lễ hội.

Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, mô hình quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay bước đầu có sự tham gia của nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý của nhà nước cần tăng cường hơn nữa chức năng giám sát, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vướng mắc xảy ra.

Mặt khác, vai trò quản lý nhà nước cũng cần được phân cấp dần tới cộng đồng và thể chế hóa bằng hệ thống hương ước, quy ước chung của làng. Thậm chí, có thể sử dụng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng.

Đồng thời, vai trò quản lý của nhà nước cũng thể hiện ở chỗ thường xuyên giám sát, theo dõi diễn biến của các lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào nhằm đảm bảo không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện hình thức mê tín dị đoan hoặc xuyên tạc, truyền bá phản cách mạng. Vai trò của nhà nước cũng thể hiện ở việc đảm bản trật tự, an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội.

Mới đây, trong công văn gửi các Sở VHTT&DL, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL cũng đã yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu xuân.

Cụ thể, Cục này nhấn mạnh, qua theo dõi một số lễ hội và hoạt động tín ngưỡng, tại di tích một số tỉnh, thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi...

Các hiện tượng tiêu cực như: đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại các di tích, đền, phủ; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã...  vẫn còn xuất hiện tại một số lễ hội, di tích.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm