"Chạy sô” đi lễ thật nhiều chùa là do tâm tham lam và mê tín quá lớn?

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, không phải cứ đi lễ thật nhiều chùa, đền, phủ, miếu… là sẽ được nhiều tài lộc, may mắn. Thậm chí, bỏ việc để “chạy sô” đi lễ còn được xem là tham lam và mê tín.

“Chạy sô” lễ thật nhiều nơi mới có nhiều tài lộc?

Đi lễ chùa, đền, phủ, miếu… đầu năm để cầu bình an vốn dĩ là một nét văn hoá hết sức đẹp đẽ của người Việt. Nét đẹp này từng được truyền từ đời này đến đời khác như một sự tiếp nối và gìn giữ văn hoá.

Tuy nhiên, nét đẹp này đang dần mất đẹp khi người ta đổ xô đến các cơ sở thờ tự không còn đơn thuần để vãn cảnh chùa, để du xuân, để cầu bình an… mà đôi khi chỉ vì phong trào, vì mê tín quá mức.

Chạy sô” đi lễ thật nhiều chùa là do tâm tham lam và mê tín quá lớn? - 1

Quang cảnh chen chúc nhau đi lễ ở phủ Tây Hồ dịp đầu năm. 

Thậm chí, có nhiều người còn cuồng tín tới mức đầu năm phải “chạy sô” đi lễ cho bằng được nhiều chùa, đền, miếu, phủ… để có thật nhiều may mắn, tài lộc. 

Chính những quan niệm này đã khiến cho nhiều cơ sở thờ tự bị quá tải trong những dịp đầu xuân. Cơ sở thờ tự nào càng “nổi tiếng” người ta lại càng chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp… để đến lễ cho bằng được. Và đi lễ đầu năm trở thành một cuộc “đánh trận” chen chúc với đúng nghĩa đen của từ này.

Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách cho rằng, hiện tượng người người, nhà nhà… đổ xô đi lễ đầu năm là vì hiểu sai ý nghĩa lẫn mục đích của việc lễ chùa, lễ hội. Và vì hiểu sai nên họ mới đến chùa, đền, phủ, miếu… không phải với tâm thế du xuân - ngoạn cảnh mà với tâm thế tham lam, nhu cầu lợi ích bản thân.

“Việc nhiều người dân đổ xô đi lễ đầu năm gây nên những hình ảnh phản cảm, méo mó, biến tướng… cho lễ hội. Tôi nghĩ nếu có lòng thành tâm, ăn ở có đức thì không phải đi cầu xin ở đâu hết.

Và lúc đó nếu đi dự lễ hội sẽ cảm thấy được sự thoải mái, vui vẻ của lễ hội; nếu có đi lễ chùa cũng mang cái tâm bình an, thanh thoát để cảm nhận được sự thanh tịnh chốn thiền môn…

Hãy sống có tâm, hành thiện tích đức thì mọi nghiệp xấu sẽ tiêu tan, hay ít ra sẽ đỡ đi. Cái nghiệp của mình nếu tốt thì luôn cảm thấy rõ rồi, không phải đi cầu xin gì nữa”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách bày tỏ.

Tương tự, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng: “Theo quan điểm của những người theo đạo Phật, cứ ăn ở thiện lành, làm được nhiều việc tốt sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bởi thế, việc đi lễ chùa mang tâm tốt sẽ được nhiều lợi ích tốt. Nếu mình không vướng bận chuyện gia đình và công việc thì có thể đến chùa lễ Phật, vãn cảnh, du xuân… để tìm sự bình an, thanh thản.

Nhưng nếu trong gia đình, cha mẹ già yếu không ai trông nom, con nhỏ đang bú mớm không ai săn sóc, nhà cửa bề bộn không ai dọn dẹp, việc công việc tư đang rất cần mình… mà bỏ bê tất cả để đi lễ chùa, đền, phủ, miếu… thì cái đó hoàn toàn không hợp lý chút nào.

Thậm chí, làm như thế là còn mắc tội. Người ta thường đi lễ để cầu sự bình an mà tâm còn vọng tưởng nhiều thứ thì dù có lễ bái nhiều tới đâu cũng khó lòng bình an lắm”.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Trần Đình Sơn thì người xưa có câu “Phật tại tâm”. Nếu tâm mình là tâm Phật thì không cần thiết phải đến chùa cầu xin cũng sẽ được nhiều điều tốt đẹp.

“Trên lý thuyết, trong nhà còn mẹ cha già đó chính là hai vị Phật lớn, trong tâm mình luôn có Phật nghĩa là trong mình cũng đã có một ngôi chùa lớn. Nếu mình biết phụng thờ những vị Phật đó thì không nhất thiết phải đi lễ ở đâu nữa cả.

Tuy nhiên, tâm lý của con người đó là nhu cầu được đi để tham quan cho biết chùa này chùa kia, đi để biết lễ hội này lễ hội kia… đó cũng là một nhu cầu chính đáng chứ không có gì phải bàn.

Nhưng đi với tâm thế như thế nào thì lại là điều đáng nói. Không Phật – Thánh nào dạy phải đi nhiều chùa, đền, phủ, miếu... lễ bái mới có nhiều lộc cả”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói thêm.

Đừng biến việc đi lễ thành trào lưu nhuốm màu mê tín

GSTS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, không chỉ có chuyện “chạy sô” lễ chùa đầu năm mà còn cả chuyện bạ đâu cúng đó, lấy tiền thoa lên tượng Phật, nhổ lông lợn tế và lấy tiền dính máu vật tế để lấy may cũng được xem là mê tín.

Chạy sô” đi lễ thật nhiều chùa là do tâm tham lam và mê tín quá lớn? - 2
Chạy sô” đi lễ thật nhiều chùa là do tâm tham lam và mê tín quá lớn? - 3

Dùng tiền thoa lên tượng Phật, thấm máu vật tế... để cầu may.

Và chính câu chuyện này đã gây xôn xao trên mạng xã hội thời gian qua đã ít nhiều nói lên sự cuồng tín của người dân trong mùa lễ hội đầu xuân.

“Tôi rất không ủng hộ chuyện người dân cứ lấy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xoa vào tượng Phật - chuông chùa khi đến lễ, rồi thậm chí còn lấy tiền thấm máu lợn tế ở lễ hội làng Ném Thượng - Bắc Ninh.

Đầu năm, tôi đến một số cơ sở thờ tự thấy người ta cứ làm việc này một cách không hiểu biết mà thấy buồn cười. Người này làm, người kia cũng học đòi theo mà không hiểu vì sao lại làm như thế. Rõ ràng đây là một hành vi rất mê tín dị đoan.

Trong hiến pháp của chúng ta đã nói rất rõ là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân nhưng nếu đi quá những quyền đó thì nghĩa là đã vi phạm pháp luật.

Và tôi nghĩ cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cũng như tăng cường các biện pháp quản lý hành chính để những quan niệm và hành vi mang tính chất mê tín như thế nên được loại bỏ”, GS Nguyễn Chí Bền nói thêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Yên - Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Văn hoá cho rằng, việc “bạ đâu cúng đó” của người Việt Nam tồn tại từ khá lâu. Điều này bắt nguồn từ việc không chịu tìm hiểu hoặc không có hiểu biết về văn hoá tín ngưỡng.

“Nhiều người đi đến đâu thấy người ta khấn khứa là cũng khấn, thấy người ta đặt lễ mình cũng đặt lễ, thấy người ta cắm hương mình cũng đốt hương… mà không chịu tìm hiểu xem vị thần chủ ở đó là ai.

Thậm chí, nhiều người không biết ở đó có thờ cúng vị thần chủ nào không nhưng vẫn vái lạy xì xụp, xin đủ các thứ trên trời dưới biển khiến cho việc đi lễ đầu năm trở thành một trào lưu nhuốm màu mê tín”, PGS Nguyễn Thị Yên nói.

PGS.TS Trần Đình Hượu trong tác phẩm “Đến hiện đại từ truyền thống” có viết: “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa” theo nghĩa đẹp nhất của các từ này. Song xem ra, chưa mấy ai hiểu đúng…

Khi đi lễ phải cốt ở mộ đạo, thành tâm chứ không thể “trần tục” thậm chí “thực dụng” hóa các Thần - Phật, trong khi thực tâm lại rất tôn sùng. Vô tình hóa ra có khi ta làm khổ thêm cho các bậc tu hành mà mình rất nể trọng”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm