Nhà nghiên cứu văn hóa “đau đầu” trước hiện tượng cướp lộc ở đền Gióng
(Dân trí) - Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, GS Nguyễn Chí Bền đều lấy làm buồn bã khi chứng kiến cảnh hàng nghìn người xô đẩy, chen lấn, vượt qua mọi vòng bảo vệ để cướp lộc ở hội Gióng đền Sóc năm nay.
Sáng 2/2 (tức ngày 6 Tết), lễ hội Gióng đã diễn ra tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Mặc dù BTC đã có những phương án bảo vệ an ninh nhưng hàng nghìn người vẫn xông vào cướp lộc tạo nên cảnh hỗn loạn trong Lễ hội.
Chia sẻ về điều này, Nhà nghiên cứu Văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng, những hành vi xô đẩy nhau trong lễ hội để cướp lộc lá và coi những hành động ấy mang tính linh thiêng là có từ thời Trung cổ, chứ không phải mới phát sinh. Và đấy cũng chính là bản chất của hội Gióng, nên ngày xưa người ta gọi hội Gióng là hội Trận.
“Vấn đề ở đây là chúng ta lại tôn vinh lễ hội ấy thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta làm hồ sơ đệ trình lên thì phải có cả phần thực hành Lễ hội trong đó. Ngày nay, trong xã hội văn minh, chúng ta nhìn nhận hành vi “đả thương để cướp lộc” ấy là phản cảm. Bởi, rõ ràng nó xâm hại con người. Mọi năm còn đánh nhau đến thương tích. Người văn minh sẽ không thể nào chấp nhận được điều này. Nhưng vì chúng ta trót phục dựng nó rồi, trót tôn vinh nó rồi nên người dân ở đấy tiếp tục duy trì cái mà người ta cho là có tính thiêng ấy, biết làm sao được”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhấn mạnh.
Theo nhà nghiên cứu này, việc chúng ta nhìn nhận mọi lễ hội đều tốt đẹp là hợp lý nhưng tốt đẹp theo từng thời kỳ.“Ở thời kỳ Trung cổ, người ta xem chém lợn, đả thương, đánh nhau… là điều bình thường. Có những nơi được phép đánh nhau mà nếu có bị làm sao cũng không được phép đưa ra quan kiện tụng. Nhưng ngày nay, chúng ta nhìn nhận đó là những điều không chấp nhận được và mọi lễ hội đều không hoàn toàn tốt đẹp như thời kỳ mới khởi phát.
Và biết làm sao được, khi đi đâu chúng ta cũng phục dựng những tín ngưỡng thời nguyên thuỷ, chúng ta làm sống lại cả một hệ tín ngưỡng thời nguyên thuỷ. Chúng ta hãy thử bình tâm mà đọc lại “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính thì thấy cái đó cụ đã lớn tiếng phê phán từ cách đây 100 năm rồi. Điều đó bây giờ chúng ta gần như bất lực”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói thêm.
Bản thân nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thấy đáng buồn khi bất kỳ lễ hội nào của Việt Nam hiện nay cũng phải có công an, cảnh sát… cầm dùi cui điện hoặc mặc áo giáp để bảo vệ cả vòng trong lẫn vòng ngoài như đi “đánh trận”. Và nếu không có lực lượng này, người ta dễ dàng đánh nhau hoặc gây gỗ với nhau ngay tại lễ hội.
“Tôi khẳng định luôn là không có công an, cảnh sát cơ động trang bị vũ khí để bảo vệ thì nhiều lễ hội có cả đổ máu. Vì chúng ta biết, hành vi kích động của con người trong đám đông rất man rợ. Ngay cả xã hội văn minh, người ta đổ xô xuống đường cổ vũ bóng đá cũng có thể đập phá, đốt phá, đánh nhau… kích động tâm lý đám đông đó rất là kinh khủng. Mà bản chất của lễ hội là đám đông. Họ hò la, làm cho tâm lý lan truyền. Và các nhà chức năng không thể không có những giải pháp cụ thể để hài hòa được các yếu tố”, ông Hiền chia sẻ.
Bản thân GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng bày tỏ: “Thật là đáng buồn khi chứng kiến cảnh hàng nghìn người bất chấp mọi biện pháp bảo vệ lao vào cướp lộc tại hội Gióng đền Sóc, một di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Là Trưởng ban xây dựng Hồ sơ quốc gia "Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc" trình UNESCO xem xét, đánh giá rồi vinh danh năm 2010, tôi lại càng buồn hơn”.
GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, có cả hai loại nguyên nhân khiến tình trạng này cứ lặp đi lặp lại trong mỗi mùa lễ hội đó là chủ thể và khách thể của lễ hội cổ truyền. Về phía chủ thể, nhất là chủ thể quản lý lễ hội cổ truyền, GS Bền cho rằng nên xem lại, đổi mới cơ chế tổ chức lễ hội cho phù hợp với tình hình hiện nay, khi nhu cầu tín ngưỡng của người dân tăng lên.
Về phía khách thể, nhận thức về giá trị của lễ hội cổ truyền cần nâng cao hơn. Hiểu cho đúng giá trị của từng trò diễn, từng lễ hội cổ truyền. Các cơ quan truyền thông đại chúng có vai trò rất lớn trong công việc này.
“Tôi biết, BTC Hội Gióng ở đền Sóc những năm qua và cả năm 2017 đã có quá nhiều cố gắng, nỗ lực để giữ an toàn, trật tự và "chất văn hóa" cho lễ hội ở đây. Nhưng tôi nghĩ, phải đổi mới công tác tổ chức - quản lý lễ hội ở Hội Gióng ở đền Sóc trên cơ sở nghiên cứu khoa học sâu sắc. Cam kết của chúng ta trong bộ hồ sơ quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký năm 2009 trình UNESCO vinh danh năm 2010 có nội dung quản lý di sản văn hóa phi vật thể này”, GS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chia sẻ: “Năm nay tôi không đi hội Gióng ở đền Sóc nên không được chứng kiến thực tế. Tuy nhiên, tôi được biết, năm nay mọi người rất quan tâm đến vấn đề làm sao để không xảy ra tình trạng cướp lộc và xô xát tại lễ hội này. Trong Hội thảo về Lễ hội Gióng do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức đã bàn tới việc không cho phép người được giao nhiệm vụ khiêng lộc dùng tay thước hoặc dụng cụ để cản người dân vào cướp lộc, nếu được phép lấy lộc cứ để họ được lấy. Thứ hai, có quy định những người trực tiếp khiêng thì cũng không được giữ lộc cho mình. Tôi nghĩ, hai đề xuất đó tốt và giúp loại trừ các hiện tượng đả thương cướp lộc tại lễ hội. Tôi hoàn toàn không ngờ năm nay, khi lễ hội diễn ra lại có nhiều diễn biến khác”.
Hà Tùng Long