Phim truyền hình Việt vừa gây “sốt” đã vội hạ “sốt”?
(Dân trí) - “Cơn sốt” của loạt phim truyền hình thành công gần đây khiến nhiều người đặt nhiều kỳ vọng vào thời huy hoàng mới của phim Việt. Tiếc rằng, “cơn sốt” đó chưa kéo dài được bao lâu đã “hạ sốt”.
Phim truyền hình "hạ nhiệt" đến khó ngờ!
Những năm gần đây, sự thành công của hàng loạt phim truyền hình đã góp phần đưa phim Việt lấy lại vị thế một thời. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 gây rất nhiều trở ngại nhưng một số đơn vị sản xuất vẫn cố gắng cho ra nhiều sản phẩm bắt kịp với xu hướng thị trường.
Nửa đầu năm 2020, các bộ phim: Sinh tử, Cô gái nhà người ta, Những ngày không quên, Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng… đã tạo nên những hiệu ứng tích cực. Tiếc rằng, hiệu ứng đó đã không thể nối dài tới những bộ phim sau.
Ở thời điểm hiện tại, trên sóng VTV, có 3 phim đang phát là Cát đỏ, Lửa ấm và Trói buộc yêu thương. “Cát đỏ” là một bộ phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, phát sóng trên VTV3. Phim xoay quanh số phận và cuộc đời của ba người phụ nữ là Đủ, Nhớ, Nhan - những con người sống ở vùng cồn cát quanh năm nắng cháy. Dù cuộc sống giản đơn, tính tình bộc trực, thậm chí cục cằn nhưng thẳm sâu bên trong họ là tình người, là khát vọng vượt qua số phận, ước vọng về hạnh phúc, tình yêu.
“Lửa ấm” là một bộ phim của đạo diễn Đào Duy Phúc, phát trên VTV1. Phim phản ánh đời sống và sự vất vả hy sinh của những người lính phòng cháy chữa cháy, những bác sĩ cấp cứu. Trải qua biến cố và mất mát, những con người quả cảm ấy vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghề mình lựa chọn, khiến cho cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa hơn và hạnh phúc riêng cũng vì thế mà trọn vẹn hơn.
“Trói buộc yêu thương” là một phim của đạo diễn Lê Hùng Phương, phát trên VTV3. Phim xoay quanh câu chuyện gia đình của bà Lan và ba người con là Khánh, Thanh, Hiếu. Chuyện công việc, tình cảm của các con bà Lan đều xen vào khiến mâu thuẫn liên tục xảy đến.
Mặc dù được phát sóng khung giờ vàng và được đầu tư bài bản nhưng sau một số tập phát sóng, cả 3 bộ phim vẫn chưa tạo được hiệu ứng bùng nổ như nhiều phim trước đó. Thậm chí, theo một nguồn tin thì lượng rating (lượng theo dõi) của 3 phim này tương đối thấp. Nhiều tập phim ngay khi vừa phát sóng đã nhận lại nhiều bình luận chê bai hoặc bị soi lỗi về cả nội dung lẫn hình ảnh của phim.
Ngoài ra, các phim “Gạo nếp gạo tẻ” phần 2, “Mẹ ghẻ” và “Gia đình là số 1” phần 3 phát trên một số kênh truyền hình địa phương từng được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn sốt nhưng cuối cùng vẫn chỉ dừng ở mức độ nhạt nhoà.
Không chịu thay đổi để bắt kịp thị hiếu mới?
Thực tế cho thấy, đa phần các phim gây tiếng vang lớn trong thời gian qua đều khai thác đề tài gần gũi với cuộc sống như: mẹ chồng - nàng dâu, ngoại tình, tình yêu tay ba, mẹ ghẻ con chồng… Tuy nhiên, những đề tài này nếu cứ khai thác mãi theo một lối mòn thì sẽ tạo nên sự nhàm chán.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, bất kỳ một bộ phim về đề tài nào cũng phải cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và giải trí. Giải trí và nghệ thuật đều đòi hỏi phải có sự sáng tạo, sự mới lạ và tính hấp dẫn. Nhiều nhà sản xuất vì “thấy bở” nên “cứ đào mãi” mà không chịu thay đổi tư duy để bắt kịp thị hiếu mới của khán giả.
“Rõ ràng, chúng ta thấy khán giả bây giờ có rất nhiều phương tiện giải trí để lựa chọn. Nếu không chịu thay đổi trong cách thức sáng tạo và lối làm phim thì phim sẽ không thể kéo được khán giả đến với phim. Nhìn rộng ra, có thể thấy những phim gây được tiếng vang vừa qua như: “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Người phán xử”… là vì biết đẩy cái mới, cái lạ, cái dị lên cao trào. Nhưng nếu bây giờ chúng ta cứ thấy bở nên đào mãi mà không chịu nâng cao tính sáng tạo, khai phá những cái mới thì chắc chắn sẽ rất khó để tạo tiếng vang mới”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, những bộ phim “xịt” gần đây, đa phần đều có kịch bản luẩn quẩn, nhạt nhoà và phi thực tế. Nhiều phim mở đầu rất hoành tráng nhưng chỉ chiếu được một số tập đã thấy luẩn quẩn với cách giải quyết tình huống. Nhiều câu chuyện phim bị đẩy xa tới mức phi thực tế hoặc thiếu tính logic. Nhiều nhân vật được xây dựng rất gượng ép và chắp vá. Nhiều phim thậm chí ôm đồm quá nhiều thứ dẫn đến nặng nề, rối rắm và phức tạp. Tất cả làm cho khán giả thấy nhàm chán và mất lòng tin.
Theo nhận định của một số chuyên gia, một trong những lí do khiến phim truyền hình Việt thời gian qua bị lắng lại là bởi xu hướng “xã hội hoá” tất cả dòng phim. Nghĩa là bất kỳ phim khai thác đề tài nào cũng được đẩy lên để mang tính xã hội.
Và vì thế, nhiều phim thay vì đào sâu cái riêng để truyền tải thông điệp riêng thì lại ôm nhiều cái vào làm một để cuối cùng không cái nào ra cái nào. Một bộ phim mờ nhạt từ đầu đến cuối, từ kịch bản cho đến tuyến nhân vật và cả câu chuyện phim. Thậm chí, nhiều phim ôm các vấn đề xã hội vào cả chuyện gia đình và tình yêu khiến cho phim thiếu chất đời sống, lan man, gượng gạo.
Một trong những lí do khiến phim truyền hình gần đây trầm lắng là bởi sự xuất hiện của mảng phim ngành nghề. Cụ thể là phim về ngành toà án (Lựa chọn số phận), phim về lực lượng phòng cháy chữa cháy và bác sĩ (Lửa ấm)… Bản thân NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC đã phải thừa nhận, những bộ phim chính luận về ngành nghề thường rất kén khán giả.
Và mặc dù biết những bộ phim này khi lên sóng sẽ không thể đạt được những chỉ số rating lý tưởng như những phim tâm lý - tình cảm, tình yêu - gia đình… nhưng VFC vẫn thực hiện. Bởi theo NSƯT Đỗ Thanh Hải, phim ảnh của VFC không được phép chỉ là những tác phẩm hoặc thuần nghệ thuật, hoặc thuần giải trí mà phải có giá trị về mặt xã hội.