Phim truyền hình đang lạm dụng chuyện ngoại tình, người thứ ba?
(Dân trí) - Việc lạm dụng quá nhiều chuyện ngoại tình, người thứ ba trên màn ảnh… sẽ tác động như thế nào đến tư tưởng của người xem?
Ngồn ngộn chuyện ngoại tình trên phim ảnh
Phim truyền hình nhiều năm trở lại đây đã bám sát nhiều hơn hơi thở cuộc sống, thể hiện trong cách xây dựng kịch bản, hình tượng nhân vật lẫn cách truyền tải thông điệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng chuyện ngoại tình, nhân vật người thứ ba… trên phim đang là vấn đề khiến nhiều người bàn cãi.
Tỉ lệ các phim truyền hình phát sóng giờ vàng có đề cập đến chuyện ngoại tình ngày càng nhiều. Có thể kể đến một số phim như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Bán chồng, Đừng bắt em phải quên… Có những phim, chuyện ngoại tình trở thành yếu tố cuốn hút khán giả nhưng cũng có những phim gây ức chế cho người xem vì nhiều chỗ khiên cưỡng.
Bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” từng gây nhiều tranh cãi khi chồng chất chuyện ngoại tình. Thái (Ngọc Quỳnh) ngoại tình với Trà (Lương Thanh) nên đang tâm đối xử tệ bạc với vợ và phá huỷ sự nghiệp của chính mình. Trước đó, bố của Thái cũng đã phản bội mẹ của anh vì có người đàn bà khác khiến mẹ con anh phải đối diện với không ít khó khăn. Trà trong khi đang cặp với Thái vẫn qua lại với người đàn ông đã có vợ con.
Bộ phim “Bán chồng” thuộc thể loại tâm lý - xã hội cũng xoáy vào chuyện những người trẻ ngoại tình. Trong phim, hai nhân vật nam chính đều có những mối quan hệ ngoài luồng khi đã có vợ. Chuyện ngoại tình đã khiến các nhân vật lâm vào những bi kịch trớ trêu và cay đắng.
Ở thời điểm hiện tại, bộ phim “Đừng bắt em phải quên” cũng đang gây ức chế cho người xem trong từng tập một khi xây dựng nhân vật “tiểu tam” Linh (Kim Oanh) quá trơ trẽn và giả tạo. Đáng nói hơn, “chính thất” là nhân vật Ngân (Quách Thu Phương) lại ngây ngô tới mức không hề nhận ra ý định cướp Luân (NSƯT Hoàng Hải - chồng Ngân) của Linh. Tới mức, người xem không chỉ “sôi máu” với Linh mà cũng mất cả thiện cảm với Ngân. Chính những “vết nứt” này đã khiến hôn nhân của họ đứng bên bờ vực.
Càng lạm dụng càng dễ gây nhàm chán
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, thời gian gần đây, các phim truyền hình khai thác về đề tài gia đình ngày càng nhiều vì đây là mảng hút khán giả. Tuy nhiên, việc tạo ra sự thú vị thông qua kịch tính lại đang bị nghèo nàn. Thậm chí, nhiều phim chỉ quanh quẩn với chuyện ngoại tình, xung đột thế hệ, người thứ ba.
“Người ta gọi đó là sự nghèo nàn về chất liệu đời sống. Khai thác đề tài gia đình thì tốt, đó là mảng phim nhiều người thích xem… nhưng nếu không hiểu hết các khái niệm về hạnh phúc trong gia đình hiện đại sẽ rất dễ bị luẩn quẩn. Nhiều biên kịch, cứ nghĩ đến gia đình là chỉ có hạnh phúc lứa đôi trong khi gia đình còn nhiều thứ lắm. Người lớn có cách hạnh phúc của người lớn, người già có cách hạnh phúc của người già, người trẻ có kiểu hạnh phúc của người trẻ. Nếu hiểu được nhu cầu đời sống của con người hiện nay thì sẽ khai thác được rất nhiều thứ.
Quan hệ vợ chồng không chỉ có vấn đề tình dục mà còn có cả quan hệ ân nghĩa. Chính vì không khai thác được các khía cạnh khác trong hôn nhân nên cái gì cũng quy vào tình dục. Cho nên nhiều người nước ngoài xem phim Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng phải thốt lên: “Các nước này có ẩn ức tình dục rất lớn”. Đó là vì người làm phim kém hiểu biết về tâm lý người và không có cái nhìn sâu sắc về quan hệ xã hội nên chỉ có một hướng để khai thác. Phim nào cũng lặp đi lặp lại chuyện ngoại tình - người thứ ba, nếu không có người thứ ba thì không có kịch tính”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói thêm.
Một đạo diễn (xin giấu tên) cho biết, không chỉ chuyện ngoại tình mà phim truyền hình khi nhất thiết phải xây dựng người thứ ba thì cũng rất phiến diện. Phần lớn người thứ ba được mô tả rất xấu và rất đáng ghét.
“Trong nhiều trường hợp, người thứ ba đôi khi đến từ một sự ngưỡng mộ chứ không hẳn chỉ là chuyện xen chân vào hôn nhân của người khác. Tức vợ chồng không thể hoà hợp được về tinh thần và người ta bắt gặp một người thứ ba hợp với mình thì vô tình cảm mến người này. Vì không thể sống trái đạo lý được (tức không thể ngoại tình được) nên họ ngưỡng mộ “đối phương” như một điểm tựa tinh thần. Những khía cạnh này nhiều nhà làm phim không để ý hoặc vô tình bỏ qua nên cứ xây dựng nhân vật người thứ ba theo lối mòn”, đạo diễn này nói.
Theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, việc lạm dụng chuyện ngoại tình và xây dựng người thứ ba một chiều khiến cho người xem dần cảm thấy nhàm chán. Và một bộ phim xoáy vào bi kịch ngoại tình quá cũng dễ khiến người xem bị nặng nề theo. Bên cạnh đó, các phim như thế sẽ làm cho bức tranh xã hội “phai mờ” đi những giá trị tốt đẹp.
“Đành rằng, các tình tiết, câu chuyện, nhân vật… trong phim được xây dựng nhằm gửi gắm những thông điệp phía sau. Nhưng rõ ràng chuyện ngoại tình và nhân vật người thứ ba đang bị lạm dụng quá nhiều, tác động không nhỏ đến tư tưởng của người xem”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Hà Tùng Long