Tiết lộ thú vị về tên ban đầu của loạt phim truyền hình đình đám
(Dân trí) - Phía sau cái tên của loạt phim truyền hình đình đám trên màn ảnh Việt là những câu chuyện khá thú vị lần đầu được kể.
Bất ngờ với tên ban đầu của loạt phim đình đám
Phim truyền hình Việt đang lấy lại vị thế sau một thời gian bị “thất sủng”. Nhiều bộ phim gây được tiếng vang với lượng rating (người xem) lớn chưa từng có. Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công đó chính là cách đặt tên phim khá gần gũi với đời sống và thị hiếu của người xem.
Một loạt phim đình đám gần đây như: Về nhà đi con, Chạy trốn thanh xuân, Hoa hồng trên ngực trái, Bán chồng, Sinh tử, Cô gái nhà người ta… đều có những cái tên ban đầu không ai ngờ tới. Và đến phút chót, phim đã phải thay đổi tên với nhiều lí do thú vị.
Theo biên kịch Nguyễn Thuỷ, phim “Về nhà đi con” lúc đầu có tên là “Nước mắt của gà trống”. Tên này được đội ngũ biên kịch đặt tạm vì lấy mô-tuýp gà trống nuôi con để xây dựng kịch bản. Tuy nhiên, khi triển khai được khoảng 40 tập kịch bản thì NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã trao đổi lại với ê-kíp để thay đổi tên phim vì thấy tên phim chưa bao trùm được nội dung.
“Đạo diễn Đỗ Thanh Hải thấy có tình huống chủ đề tốt nên đã trao đổi để đặt tên phim thành “Về nhà đi con”. Anh Hải cho rằng, cái tên đó giống như tiếng gọi của cha mẹ với những đứa con, khi chúng gặp trắc trở trong đời. Nhóm nội dung đều thấy cái tên đó rất đúng tinh thần và khi đổi tên thì cả nhóm cũng đã điều chỉnh để khai thác sâu hơn về chủ đề này trong trọn vẹn kịch bản”, biên kịch Nguyễn Thuỷ chia sẻ thêm.
Bộ phim “Chạy trốn thanh xuân” lúc đầu cũng được đặt tên là “Oan gia xóm trọ”. Đây cũng là cái tên được giữ cho đến khi phim đã khởi quay và các đoạn giới thiệu về phim trên truyền hình cũng gọi tên này. Tuy nhiên, sau đó, đích thân đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã chủ động đề nghị ê-kíp đổi tên mới vì diễn biến nội dung phim đã vượt ra khỏi câu chuyện của một xóm trọ. Cái tên “Chạy trốn thanh xuân” ra đời, ngay lập tức nhận được sự đồng tình của hầu hết đoàn làm phim, bởi nó bám sát thông điệp của bộ phim và nghe hấp dẫn hơn, gây tò mò hơn.
Các phim khác như: “Hoa hồng trên ngực trái” lúc đầu có tên là “Em đồng ý li hôn”, “Cô gái nhà người ta” lúc đầu được đặt tên là “Chuyện làng Đẩu”, “Sinh tử” còn có tên mềm mại hơn là “Cơn mưa đầu mùa”... cũng được đổi bởi “mô-tuýp” tương tự.
Trường hợp đặc biệt hơn cả chính là phim “Bán chồng”. Bộ phim lúc đầu được giữ nguyên tên gọi cho đến ngày họp báo và công bố lịch phát sóng. Tuy nhiên, cách ngày phát sóng tập đầu tiên không xa thì nhiều ý kiến lo ngại cái tên “Bán chồng” hơi khiêu khích và nhạy cảm nên đề nghị đổi lại thành tên “Bẫy chồng”. Nhưng “so đi tính lại”, ê-kíp nhận thấy cái tên này vẫn chưa thực sự làm toát lên hết nội dung chính của phim nên cuối cùng chọn lại tên cũ.
Hài hước chuyện khán giả đòi đổi tên phim
Theo một biên kịch, 90% tên phim ban đầu đều do đội ngũ biên kịch đặt tạm. Vì thế, trong quá trình khởi quay hoặc trước khi phát sóng sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với tên phim. Trong vô số những bộ phim truyền hình, đã có rất nhiều phim đổi thành tên mới, có phim giữ lại tên ban đầu nhưng cũng có phim đổi tên mới rồi chọn lại tên ban đầu. Và tất nhiên, mỗi tên phim cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó sự thoả mãn của đạo diễn, biên kịch hoặc diễn viên.
Diễn viên Hồng Diễm kể, bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” khi phát sóng dù có lượng người xem rất lớn nhưng nhiều người vẫn mơ hồ với thông điệp của phim. Nữ diễn viên cũng thích cái tên ban đầu hơn “Em đồng ý li hôn” hơn.
Theo Hồng Diễm, bộ phim muốn hướng đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình, hướng đến hình ảnh nữ quyền, có lẽ vì thế mà VFC muốn nhấn mạnh về điều đó. “Hoa hồng” là biểu tượng của phụ nữ còn “ngực trái” là biểu tượng của trái tim. “Hoa hồng trên ngực trái” đem đến thông điệp phụ nữ là để yêu thương mà VFC muốn gửi đến khán giả.
“Thực ra tôi rất thích cái tên ban đầu vì cái tên đó đề cập trực diện vào vấn đề và trong đoàn phim cũng rất nhiều người thích cái tên đó. Có lẽ bên lãnh đạo có quyết định riêng của mình và tôi nghĩ cho đến thời điểm này phim đã có một lượng khán giả riêng và việc thay đổi tên đó cũng không ảnh hưởng quá nhiều”, Hồng Diễm nói.
Riêng với phim “Quỳnh búp bê” và “Về nhà đi con” là hai phim mà khán giả đòi đổi tên nhiều nhất. Ngay khi phim phát sóng phần II, nhiều khán giả đã đề nghị đổi tên thành “Lan cave” vì phần này tập trung vào nhân vật Lan sau khi hoàn lương, trở về làng quê để làm lại cuộc đời nhưng sóng gió vẫn bủa vây lấy đời cô.
Một tình huống hài hước khác đó là khi phim “Về nhà đi con” đang phát sóng thì trên trang fanpage của phim đã nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi về việc nên đổi tên phim thành “Về nhà đi bố”. Nhiều khán giả cho rằng, đổi tên này sẽ phù hợp hơn với bối cảnh nhân vật ông Sơn (NSƯT Trung Anh) để lại lá thứ cho 3 cô con gái rồi tìm đến một ngôi chùa quê để suy nghĩ khiến 3 cô con gái lo lắng, khóc lóc đi tìm... mong bố trở về.
Hà Tùng Long