Phê bình điện ảnh và chuyện “Ai bảo anh chê con tôi xấu”

(Dân trí)- Cách phản ứng dữ dội trước những lời phê bình không chỉ trở nên ầm ĩ trong âm nhạc. Với điện ảnh, việc các đạo diễn “nổi đóa” trước những lời chê bai cũng đã trở thành chuyện thường ngày, thậm chí, có cả giai thoại mang tên “Ai bảo mày chê con tao xấu”…

“Ai bảo mày chê con tao xấu”

Cách đây vài năm đã từng có cuộc “bút chiến” giữa một nhà báo và đạo diễn phim Ký ức Điện Biên. Vào thời điểm ấy, với số tiền đầu tư ngất ngưởng lên tới 13 tỷ đồng (tính theo mệnh giá cách đây gần 10 năm), bộ phim lịch sử được kỳ vọng sẽ là bản hùng ca hoành tráng, kỳ vĩ về chiến dịch Điện Biên, tuy vậy, phim đã không có được thành công như mong đợi. Trước những lời chê bai của truyền thông, đạo diễn “nổi đóa” đăng đàn mắng phóng viên trình độ kém, không hiểu hết được những gì đạo diễn đã gửi gắm trong tác phẩm của mình. Sau sự việc ầm ĩ, một nhà báo có tiếng đã viết bài “Ai bảo mày chê con tao xấu” như một câu chuyện ngụ ngôn châm biếm về sự việc này.
 
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên

Chuyện đạo diễn “phản pháo”, thậm chí cãi nhau, to tiếng, dọa dẫm truyền thông khi tác phẩm bị chê tơi tả không còn là chuyện lạ. Từng có họa sỹ (của đoàn làm phim) nhắn tin đe dọa, thóa mạ phóng viên khi tham gia viết bài chê bai tác phẩm.

Nói về công việc viết phê bình phim, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Phê bình phim là một công việc nhạy cảm. Dễ động chạm. Nếu chỉ viết những lời khen ngợi, tán tụng sẽ không sao. Nhưng viết những lời chê, rất dễ bị phản ứng. Song, nếu phim quá dở, quá tệ mà vẫn cứ viết những lời ngợi khen, lương tâm của người cầm bút tự phải cảm thấy xấu hổ”.
 
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên
Sau khi nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn viết bài chê đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã "đập tan" mọi giá trị của truyện vừa Cánh đồng bất tận khi chuyển thể kịch bản lên phim, phía nhà sản xuất đã phản pháo rằng, Nguyễn Thanh Sơn phê bình như... trẻ con (!?)
 

Sâu xa trong những “bi kịch” của người viết phê bình phim và các đạo diễn tồn tại nhiều thực tế, nhiều khúc mắc không thể giải quyết, để câu chuyện phê bình phim trên báo chí luôn diễn ra trong tình cảnh “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Đó là chuyện các nhà báo viết về điện ảnh bị "chê" là không học lý luận phê bình, những người học lý luận phê bình điện ảnh lại không làm báo.

Thế nên, trước mỗi bài viết chê phim dở, các đạo diễn luôn có một “kịch bản” phản ứng chung rằng, các nhà báo không học về điện ảnh, không có kiến thức phê bình- tại sao dám chê phim họ không hay?

“Phê bình điện ảnh đang rất yếu và thiếu”

Đề cập đến những vấn đề xung quanh nội dung lý luận và phê bình trong điện ảnh, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh khẳng định, “Điện ảnh Việt Nam đang rất yếu và thiếu những cây bút lý luận phê bình. Hầu hết chỉ là lý luận kiểu báo chí. Trên thực tế, các nhà báo đều không có chuyên môn về lý luận phê bình điện ảnh. Đây là một công việc khó. Người cầm bút viết lý luận phê bình điện ảnh phải là người hiểu quy trình sáng tác tác phẩm, phải là người biết diễn đạt bằng văn phong lập luận, logic. Chúng ta đang không có những cây bút như thế trong đời sống điện ảnh. Những cây bút như thế mới có thể định hướng dư luận về điện ảnh”.
 
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên
"Tình trạng chung trong đời sống văn hóa hiện nay là thiếu vắng hoàn toàn những người viết phê bình mang tính chuyên môn. Trong tất cả các lĩnh vực từ điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, hội họa, mỹ thuật... đều không có văn hóa phê bình"- bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.
 

NSND Đặng Nhật Minh khẳng định, nếu có nền móng lý luận phê bình vững chãi, sẽ không có những phản pháo ầm ĩ, và cũng sẽ không có những kiểu phát ngôn “Tôi sẽ chỉ làm phim hài, không làm phim nghệ thuật cao siêu” (của một đạo diễn khi trả lời phỏng vấn báo chí).

Lẽ ra, lý luận phê bình phải là nền tảng, là “xương sống” của một nền điện ảnh. Nhưng, điện ảnh Việt Nam đang “thả nổi”, đang tồn tại mà không có bất kỳ nền tảng lý luận phê bình nào.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã giải thích cho “bi kịch” này bằng một hiện trạng… đau xót. “Năm nay, khoa Lý luận Phê bình của Đại học Sân khấu Điện ảnh không nhận được hồ sơ nào đăng ký dự thi. Hai năm khoa mới tuyển sinh một lần. Gần như chẳng có ai theo học. Nếu có, khi ra trường- hơn 90% sinh viên lý luận phê bình điện ảnh chuyển nghề. Họ làm việc khác. Không ai có thể kiếm sống bằng nghề viết lý luận phê bình điện ảnh cả!”.
 
Trao đổi với phóng viên Dân trí về những yếu kém trong lý luận phê bình điện ảnh và “văn hóa phê bình”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định, “Hầu hết các đạo diễn phản ứng vì cách viết của các nhà báo, đa số các bài viết không mang tính phê bình, mà mang phong cách “đánh” nhiều hơn. Phê bình phải xuất phát từ mục đích xây dựng, không mang theo bất kỳ mục đích nào khác. Người viết phải thấu hiểu quá trình sáng tác một tác phẩm điện ảnh, phải lập luận bằng chuyên môn để chỉ ra bộ phim ấy đã bị thất bại ở đâu, ở quy trình sáng tác nào, vì sao thất bại? Chứ không phải bằng giọng chê bai, quy chụp. Viết phê bình khác viết “đánh” ở chỗ, người viết phải thiện tâm, người viết phải có chuyên môn về sản xuất phim, phải thấu hiểu những người sáng tác tác phẩm”.
 
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã
 
Đặt câu hỏi, "Phóng viên có thể viết về bộ phim bằng cảm nhận của một khán giả. Số đông khán giả khi xem phim, họ không quan tâm đến việc đạo diễn đã dùng thủ pháp gì, quay phim đã đặt góc máy ra sao... Điều họ quan tâm duy nhất là, câu chuyện của đạo diễn có hấp dẫn hay không. Vậy, tại sao phóng viên không có quyền viết về bộ phim với cảm nhận của một khán giả?", biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định, "Đôi khi cảm nhận của phóng viên với tư cách khán giả chỉ là cảm nhận mang tính cá nhân. Khi bài viết đăng tải rộng rãi lại có khả năng định hướng dư luận. Độc giả đọc bài có thể tin ngay rằng, bộ phim đó rất dở, rất tệ. Tôi đã đọc nhiều bài viết chê phim Mùi cỏ cháy, tôi rất bất bình. Theo tôi, với số tiền ít ỏi như thế, Mùi cỏ cháy đã làm quá tốt. Bộ phim đã đánh thức biết bao cảm xúc trong thế hệ những người lớn lên, chứng kiến, tham gia chiến tranh như chúng tôi. Một bộ phim có thể khiến cả thế hệ bật khóc, sao có thể là một bộ phim dở?".
 
Trong quan điểm của giới làm phim, bên cạnh dòng chảy thông tin của báo chí viết về điện ảnh, vẫn phải tồn tại một mạch nguồn lý luận phê bình điện ảnh vững chãi. Dòng chảy lý luận phê bình ấy là không thể thay thế.
 
Trở lại câu chuyện về giai thoại- “Ai bảo mày chê con tao xấu”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, nếu viết dưới lý luận chuyên môn, chỉ ra bộ phim Ký ức Điện Biên đang đi theo lối làm phim cũ của tất thảy những phim chào mừng, tuyên truyền, kỷ niệm, và chưa “có gan” đột phá theo một hướng làm phim mới , cách xây dựng nhân vật theo kiểu mới… chắc chắn câu chuyện phê bình và bị phê bình đã không đi xa như thế.
 
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã đặt niềm tin vào cách viết lý luận phê bình có chuyên môn, nếu viết phê bình với những lập luận chặt chẽ, nhất định sẽ không để lại những hệ lụy ồn ào của những cuộc “bút chiến” trên báo chí.

Tuy nhiên, những cây viết lý luận phê bình như thế lại đang “rất yếu và rất thiếu”.

Và đó cũng là một “bi kịch” khác của một nền điện ảnh đang bị thả nổi, về mọi giá trị.

 
 
Hiền Hương