Phải xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam để tránh tình trạng bị “đánh cắp bản quyền”

(Dân trí) - Trước những ồn ào liên quan đến chuyện một nhà thiết kế Trung Quốc đưa lên sàn diễn thời trang một số thiết kế giống hệt áo dài của Việt Nam trong bộ sưu tập xuân hè 2019, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải sớm xây dựng một thương hiệu cho văn hoá và áo dài Việt Nam.

Áo dài là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết, dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), từ cuối năm 1828 đã cólệnh từ sông Gianh (Quảng Bình) trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục. Từ thời điểm này, áo dài năm thân cổ đứng, chít năm khuy bên phải kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian.

Phải xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam để tránh tình trạng bị “đánh cắp bản quyền” - 1

NSND Hoàng Cúc cùng ca sĩ Dương Hoàng Yến và các người mẫu trình diễn áo dài trong Lễ hội Áo dài 2016.

Đến đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, các họa sĩ của trường Mỹ thuật Đông Dương như: Lê Phổ, Cát Tường... đã cách tân áo dài của thời Nguyễn thành một mẫu áo dài mới, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của phụ nữ thời đại đó. Thời người ta bắt đầu thích phô diễn vẻ đẹp cơ thể. Trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi của lịch sử, áo dài vẫn luôn là nét đẹp đặc sắc và đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

PGS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, áo dài, nón lá đã được khẳng định từ lâu là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Trong bước đường phát triển và hội nhập, điều này lại càng được khẳng định chắc chắn với đầy đủ bằng chứng lịch sử và nguồn gốc hình thành.

“Dù thời gian có thay đổi thế nào thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt, giữ được hồn cốt của tâm hồn Việt. Văn hóa của Việt Nam cần một sự độc lập, là chính nó chứ không phải cái đuôi của bất kể nền văn hóa nào khác”, PGS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

NSND Hoàng Cúc cũng chia sẻ rằng, với bà, áo dài là một biểu tượng khẳng định chủ quyền Việt Nam, là vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc Việt trong chiều dài thời gian và chiều rộng không gian. Nhiều lần bà được mời tham dự liên hoan phim ở nước ngoài, bà đã tự hào đến rơi nước mắt khi thấy bạn bè quốc tế gọi tên Việt Nam khi vừa nhìn thấy chiếc áo dài bà mặc.

Bà càng tự hào hơn khi vai diễn của bà trong bộ phim “Hồi chuông màu da cam” mang đi dự thi liên hoan phim ở nước ngoài đã gây ấn tượng sâu sắc cho hội đồng chuyên môn lẫn khán giả nước ngoài vì tà áo dài mà nhân vật mặc trong phim. Nhiều người thậm chí còn muốn gặp người phụ nữ mặc áo dài trong bộ phim này bằng da bằng thịt ở ngoài đời.

Phải nhanh chóng xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ rằng, tháng 12/2014, trong lễ khánh thành Bảo tàng Áo dài do ông cất công xây dựng ròng rã suốt 12 năm, ông đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách. Nước mắt của ông là nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để tạo ra được một Bảo tàng Áo dài cho người Việt.

Phải xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam để tránh tình trạng bị “đánh cắp bản quyền” - 2
Phải xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam để tránh tình trạng bị “đánh cắp bản quyền” - 3

Những mẫu áo dài được trưng bày tại Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

“Suốt bao năm qua có dịp giao lưu với học sinh - sinh viên các trường, tôi luôn nhấn mạnh với các bạn trẻ rằng, mặc áo dài không chỉ để đẹp mà còn là trách nhiệm công dân khi thế hệ trẻ phải nối tiếp cha ông gìn giữ văn hoá Việt. Biên giới hải đảo một khi bị chiếm lấy một cách sai quấy, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp nhưng văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta?

Cho đến bây giờ, chưa có bất kỳ một sự công nhận nào chính thức rằng “áo dài là quốc phục Việt Nam”. Nên chỉ còn cách, người Việt dù ở nơi đâu, hãy xem việc mặc áo dài trong những dịp nào có thể tức là đã cùng nhau gìn giữ cho người Việt tấm áo mang hồn cốt dân tộc”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng bộc bạch.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ, việc các nhà tạo mẫu Trung Quốc sử dụng mẫu áo dài Việt Nam để thiết kế các trang phục, về mặt lý thuyết, không phải là một việc làm sai, thậm chí thể hiện sức mạnh, sự phổ biến và quyến rũ của áo dài Việt Nam đã chinh phục các nhà tạo mẫu trên thế giới.

Vì vậy, đây cũng là niềm tự hào của thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng phê phán ở đây là cách các nhà tạo mẫu Trung Quốc gọi mẫu áo dài Việt Nam là “phẩm giá trang phục truyền thống Trung Quốc”. Cách gọi này khiến nhiều người liên tưởng đến việc “ăn cắp bản quyền” một thương hiệu văn hóa của Việt Nam.

“Từ câu chuyện này cũng đặt ra bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung, để từ đó, không chỉ giúp các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam tạo ra những giá trị kinh tế cho đất nước, thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới, tránh tình trạng “đánh cắp bản quyền” như trường hợp của áo dài này”, PGS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Theo PGS Bùi Hoài Sơn, một trong những giải pháp để “xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam” là cần phải tập trung xây dựng thương hiệu cho một số nhà thiết kế áo dài, tổ chức các tuần lễ thời trang áo dài quốc tế tại Việt Nam và đưa áo dài đến với các tuần lễ thời trang quốc tế.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý văn hóa và công chúng cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của áo dài trong dòng chảy văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của Việt Nam. Từ đó, có những hành động phù hợp để tôn vinh áo dài.

Về vấn đề công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, PGS Bùi Hoài Sơn cho rằng, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thương hiệu - danh hiệu quốc gia như: quốc hoa, quốc phục, quốc tửu... cũng cần cân nhắc.

“Quốc phục là một câu chuyện dài, phức tạp và cần có quy trình. Tôi cho rằng, điều quan trọng bây giờ là sự đồng thuận của toàn xã hội đối với tầm quan trọng và giá trị của áo dài, từ đó ứng xử trân trọng đối với trang phục đặc biệt của dân tộc”, PGS Bùi Hoài Sơn nói thêm.

Hà Tùng Long