Phải ứng xử với đạo Mẫu như thế nào để xứng tầm di sản của nhân loại?
(Dân trí) - Theo GS.TSKH Ngô Đức Thịnh thì việc hồ sơ quốc gia “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một niềm vui lớn lao nhưng cũng đặt ra vấn đề: “Việt Nam phải ứng xử với đạo Mẫu như thế nào để xứng tầm là Di sản của nhân loại”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt
Thông tin từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đơn vị chủ trì xây dựng hồ sơ quốc gia về tín ngưỡng thờ Mẫu lần này cho biết, kỳ họp lần này của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO xem xét 50 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trong số nhiều Hồ sơ của các quốc gia gửi đến. Trong số đó có 37 hồ sơ đăng ký vinh danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 6 hồ sơ đăng ký vinh danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 7 hồ sơ đăng ký là những thực hành di sản tốt nhất và tài trợ trên 25.000 USD.
Trong số 37 hồ sơ đăng ký vinh danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hồ sơ quốc gia “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” của Việt Nam nằm trong số 18 hồ sơ được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt đủ 5 tiêu chí quy định của Công ước 2003.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc từ quan niệm thần thánh hóa thiên nhiên của người Việt cổ, dưới khái niệm Thánh Mẫu, hay nữ thần Mẹ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.
Trong dân gian, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ.
Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
GS.TSKH Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu có 4 vấn đề gắn với cộng đồng. Một là tín ngưỡng thờ Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ; hai là mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc - Lộc - Thọ. Đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người. Ba là, thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa, ví dụ như Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng thờ Mẫu chính là Trần Hưng Đạo. Bốn là, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa.
“Đây là một ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Trong số khoảng 50 vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ thì có tới hơn chục vị thần là người dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy, ngay từ rất sớm, người Việt Nam đã ý thức được vấn đề hòa nhập văn hóa. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi”- GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.
Cần phải tổ chức lại để hạn chế sự biến tướng
GS Ngô Đức Thịnh lý giải rằng, đã có một thời gian đạo Mẫu bị cấm nhưng sau khi được khôi phục lại thì rất phát triển. Lý do khiến đạo Mẫu trở nên phát triển mạnh là bởi đây là một tín ngưỡng thuần Việt xuất phát từ nhu cầu tâm linh của người Việt. Bên cạnh đó, xã hội phát triển theo cơ chế thị trường cộng với việc đô thị hoá ngày càng cao đã thúc đẩy đạo Mẫu bùng phát. Sự bùng phát này không theo một khuôn khổ hay trật tự nào cả dẫn đến những hệ luỵ mang tính tất yếu.
“Đã đến lúc cần phải có sự tính toán và có thái độ như thế nào đó để đạo Mẫu không bát nháo như bây giờ. Cái quan trọng nhất là bây giờ cần phải tổ chức các tín đồ đạo Mẫu lại để hướng họ đi theo một hướng dễ quản lý nhất. Thực tế là chúng ta đã buông lỏng vấn đề này từ lâu, để cho các cá nhân tự do trong tín ngưỡng của họ. Điều này xét về góc độ tôn giáo thì rất tích cực nhưng nó cũng đã tạo ra những hệ luỵ rất đáng tiếc. Cụ thể là sự biến tướng của nghi lễ hầu đồng và rất nhiều hoạt động mê tín dị đoan trá hình. Vấn đề này chúng tôi cũng đã đề cập với Ban Tôn giáo Chính phủ khá lâu và họ cũng đã có những đề án nhất định. Trong thời gian tới đây, chắc chắn chúng ta sẽ phải quyết tâm làm”, GS Thịnh nói.
Theo GS Thịnh, cả nước bây giờ có hàng nghìn tín đồ đạo Mẫu, đền phủ thờ Mẫu… nhưng nếu cứ buông lỏng như hiện tại hậu quả sẽ khôn lường.
“Trước giải phóng, chúng ta đã có tổ chức rồi, người ta gọi là Thiên Y Thánh Mẫu giáo. Tổ chức này hoạt động có quy cũ và chuẩn mực rõ ràng. Bây giờ chúng ta cần phải có một tổ chức như thế để quản lý các cá nhân hoạt động tự do. Vì rõ ràng, đạo Mẫu bây giờ không đơn giản chỉ là một tín ngưỡng mà đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của cả nhân loại. Chúng ta phải ứng xử như thế nào để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt chứ không chỉ nghĩ cho cá nhân. Những hoạt động biến tướng như bây giờ mà không kịp thời tổ chức lại là cực kỳ nguy hiểm.
Tôi thấy mô hình tổ chức các CLB đạo Mẫu mà chúng tôi khởi xướng cách đây 10 năm đang hoạt động rất hiệu quả. Chúng ta có thể nhân rộng mô hình này và chuyên nghiệp hoá hơn để mỗi CLB không chỉ là một tổ chức mà còn là nơi tuyên truyền hiệu quả nhất. Ngoài ra, cũng cần có một tổ chức Nhà nước để quản lý các CLB này”, GS Thịnh chia sẻ thêm.
PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Ủy viên thư ký Ban Xây dựng hồ sơ quốc gia về “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cũng cho biết thêm, sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu được vinh danh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ có phương hướng bảo tồn riêng. Đó là không hướng tới tổ chức các Liên hoan hầu thánh, tách nghi lễ ra khỏi bối cảnh của điện thờ Mẫu mà sẽ hướng tới việc khôi phục những yếu tố lễ hội bị mai một, tiếp tục tư liệu hóa những loại hình của di sản như hát văn, âm nhạc, tiếp tục hoàn thiện danh mục kiểm kê về các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
“Viện mong muốn có những biện pháp tích cực hơn nữa nhằm tôn vinh các nghệ nhân hát văn, hiểu thân phận và chức năng của những ông bà đồng trong việc thực hành nghi lễ lên đồng và vai trò tích cực của các thành viên cộng đồng, của các thủ nhang đồng đền tổ chức lễ hội truyền thống tôn vinh các vị thánh của thần điện Mẫu”, bà Hiền nói.
Anh Tùng Đỗ - quản trị của một trang dành cho cộng đồng đạo Mẫu chia sẻ, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESSCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một niềm tự hào đối với người Việt nói chung và các “đệ tử” của thánh Mẫu nói riêng. Bởi sự trân trọng, ghi nhận và đánh giá đúng đắn, có cơ sở khoa học của toàn thể nhân loại đối với tín ngưỡng nội sinh này của dân tộc Việt. Đứng trước cơ hội mới nhưng cũng là thách thức mới đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng đạo Mẫu để gìn giữ di sản thiêng liêng này của cha ông ta trước nguy cơ bị biến chất, lợi dụng của những thành phần kém hiểu biết.
Bên cạnh đó đòi hỏi sự tư vấn, tham mưu của các thanh đồng thực sự có hiểu biết về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng với đề cương quản lý để có thể bảo tồn, phát triển và truyền thừa tín ngưỡng này với đúng bản chất cùng sự linh thiêng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản nghệ thuật Chầu văn, từ năm 2012 Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với một số nghệ nhân và những người thực hành nghệ thuật Chầu văn ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung đã ra mắt Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu văn Việt Nam (CLB). CLB có sự tham dự của hàng trăm cung văn, nhà nghiên cứu và cộng đồng thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Hà Tùng Long