Ông bố ở TPHCM làm vườn rau trái sai trĩu trên sân thượng
(Dân trí) - Gần 3 năm qua, gia đình anh Đặng Tấn Phát (ở TPHCM) hiếm khi phải đi chợ mua rau nhờ có khu vườn sum suê trên sân thượng. Ngoài dưa lưới, anh còn trồng cả chục loại rau khác nhau.
Mong muốn có nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình nên cách đây 3 năm, anh Đặng Tấn Phát (làm việc trong ngành công nghệ thông tin ở TPHCM) quyết định tận dụng sân thượng để làm vườn, trồng rau và cây ăn trái.
Sân thượng có diện tích 50m2, nằm trên tầng 5 nên anh Phát phải đầu tư máy tời để vận chuyển đất. Dù từng có thời gian dài làm vườn dưới mặt đất nhưng việc trồng trọt trên cao cũng khiến gia chủ gặp đôi chút khó khăn.
Anh lên mạng, tham gia các hội nhóm để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của những người có cùng đam mê làm vườn sân thượng rồi áp dụng vào thực tế. Dần dần, anh đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân và bắt đầu gặt hái được thành quả.
"Sân thượng ở trên cao, lại nhiều nắng và gió nên việc trồng trọt gặp khó khăn và đòi hỏi kỳ công hơn so với làm vườn dưới mặt đất. Ngoài yêu cầu về mặt kỹ thuật thì bạn cần phải kiên trì, chịu khó và có niềm đam mê thật sự mới làm được vườn trên cao", anh Phát nói.
Trong vườn hiện có nhiều loại rau khác nhau, dao động khoảng 21-31 chậu. Anh ưu tiên trồng rau cải, gồm cải bẹ xanh, cải bẹ trắng, cải xà lách, cải ngồng, cải hoa hồng, cải thảo, cải kale.
Ngoài ra còn có các giống rau ngắn ngày, cho thu hoạch liên tục như rau dền, rau muống.
Để hạn chế sâu bệnh và côn trùng gây hại, anh Phát tự chế dung dịch từ gừng, ớt, tỏi và rượu, ngâm khoảng 20 ngày. Sau đó, đem pha loãng dung dịch với nước sạch và vài giọt nước rửa bát rồi phun đều lên cây. Mỗi tuần, anh phun phòng trừ cho rau hai lần vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Đặc biệt với giống cải kale, người "nông dân sân thượng" dành nhiều thời gian để chăm sóc hơn. Đây là loại rau giàu dinh dưỡng, lại có khả năng kháng bệnh cao nên lúc nào cũng được trồng nhiều trong vườn.
Về giá thể, gia chủ trộn theo tỉ lệ 50% đất sạch, 30% chất tạo xốp (tro trấu, vỏ lạc, xơ dừa đã xử lý), 20% phân hữu cơ (phân gà/ bò hoai mục, phân dơi, phân trùn quế…) và 1% vôi với lân nung chảy. Trộn đều các thành phần rồi đem phơi nắng giá thể cho thật khô. Sau khoảng 5-7 ngày thì tiếp tục ủ giá thể với nấm tricho trong một tuần cho đất sạch mầm bệnh mà vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất.
Khi cải kale lên được 2-3 lá thật, anh đem trồng cây vào chậu, mỗi cây cách nhau khoảng 20cm. Ba ngày đầu cần tưới nước đủ ẩm, sau đó bổ sung đạm cá và trứng sữa tuần 2-3 lần trong khoảng một tháng. Buổi sáng anh sẽ tưới dinh dưỡng, chiều tưới nước cho cây. Chỉ tưới đủ ẩm và lưu ý vặt bỏ lá gốc.
Đều đặn mỗi tháng/lần, gia chủ lại bón phân trùn quế và phân gà Nhật cho cải kale. Khi cây đạt 50 ngày tuổi thì ngưng tưới phân. Sau 2 tháng trồng và chăm sóc, anh Phát đã có thể thu hoạch "mỏi tay" loại rau giàu dinh dưỡng này.
"Khi hái cần chừa lại phần thân và lá non để cây tiếp tục phát triển và cho thu hoạch lứa sau. Giai đoạn này vẫn cần tưới đạm cá và trứng sữa tuần 2-3 lần, đồng thời bổ sung thêm dịch chuối với lần mỗi tuần/lần để cây phát triển. Loại rau này tuy trồng một lần nhưng có thể cho thu hoạch tới hai năm", chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Không chỉ riêng cải kale mà các loại rau trái khác đều được anh Phát chăm sóc khoa học, kỹ lưỡng. Nhờ thế mà khu vườn nhỏ luôn xanh tốt, cho thu hoạch thường xuyên.
Đặc biệt trong mùa dịch, giữa những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, gia đình anh Phát vẫn có nguồn thực phẩm sạch để cải thiện bữa ăn hàng ngày nhờ vườn rau trên sân thượng.
Ngoài các loại rau xanh, gia chủ còn trồng 80 gốc dưa, chủ yếu là những giống dưa lê da báo, ThongKham 999 và dưa lưới Huỳnh Long, dưa Nhật ruột xanh.
Trung bình mỗi quả dưa khi chín nặng từ 1,5 - 2kg. Thời kỳ cao điểm, vợ chồng "nông dân thành thị" thu hoạch được tới 150kg dưa các loại.