Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả "siêu thị mini" vào căn bếp

Hà Hiền

(Dân trí) - Trữ thực phẩm để tiết kiệm thời gian đi chợ không phải là cách làm mới, đặc biệt trong mùa dịch, thói quen này vừa giúp các gia đình an tâm ở nhà chống dịch mà vẫn có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Có "siêu thị mini" trong nhà, nửa tháng không phải đi chợ

Trước đây, chị Nguyễn Ngọc Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không có thói quen trữ thực phẩm và cả gia đình chỉ có chiếc tủ lạnh nhỏ. Kể từ khi có dịch Covid-19 và theo chế độ ăn giảm cân nên chị đã đổi sang chiếc tủ lạnh 660 lít 2 cánh.

Kể từ khi có chiếc tủ lạnh to, bà mẹ 2 con đầu tư hơn 10 triệu đồng mua 60 chiếc hộp trữ thực phẩm chuyên dụng cho các công năng khác nhau, từ dùng cho tủ đông, tủ mát hay đựng rau củ. Nhờ trữ thực phẩm trong hộp mà tủ lạnh luôn gọn gàng, sạch sẽ, việc nấu ăn trở nên dễ dàng.

Ngay trước ngày Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, gia đình chị Ngọc Anh được tiếp tế 2 thùng đồ ăn, một thùng rau củ quả từ gia đình bác giúp việc và thùng hải sản tươi sống của bà ngoại.

Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả siêu thị mini vào căn bếp - 1

Chiếc tủ lạnh chứa cả "siêu thị", giúp gia đình chị Ngọc Anh ở trong nhà phòng dịch nửa tháng không phải đi chợ (Ảnh: Ngọc Anh).

Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả siêu thị mini vào căn bếp - 2
Thực phẩm tươi sống được mẹ chị Ngọc Anh gửi từ quê Sầm sơn, Thanh hóa (Ảnh: Ngọc Anh).

"Mọi người hay nói trữ thực phẩm là do lười đi mua và thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng. Nhưng từ khi Hà Nội giãn cách, mình thấy yêu cái siêu thị mini này, yên tâm để ở trong nhà làm việc và chống dịch", chị Ngọc Anh nói.

Mẹ đảm cũng chia sẻ thêm, thực phẩm tươi sống nếu biết cách bảo quản thì chất dinh dưỡng cũng như hương vị, màu sắc vẫn giữ được gần như mới. Chỉ việc lên thực đơn hôm nay ăn gì và lấy ra sơ chế, nấu nướng.

Cũng có thói quen trữ thực phẩm giống chị Ngọc Anh, chị Hoàng Diễm (Bình Phước) không có nhiều thời gian rảnh vì phải ở nhà chăm con nhỏ và khi phải thực hiện giãn cách xã hội thì việc đi chợ hạn chế và khó khăn hơn nên mẹ bỉm sữa tranh thủ mỗi lần đi chợ mua thực phẩm ăn từ 5-7 ngày, thay vì 2-3 ngày như trước kia.

"Đây là lần đầu tiên nhà mình trữ thực phẩm còn nhiều hơn cả ngày Tết. Đi chợ rất khó khăn, cả người bán lẫn người mua. Mình phải qua khâu khai báo ý tế, kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn mới được vào chợ mua. Nên đi chợ 1 lần mua thực phẩm cho 5-7 ngày dự trữ trong tủ lạnh, bữa ăn của gia đình vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà hạn chế việc tiếp xúc để phòng dịch", mẹ bỉm sữa nói.

Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả siêu thị mini vào căn bếp - 3
Rau, củ quả được chị Diễm sơ chế qua, để ráo nước cho vào hộp bảo quản ngăn mát tủ lạnh (Ảnh Hoàng Diễm).
Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả siêu thị mini vào căn bếp - 4

Với thực phẩm tươi sống, chị Diễm cho thêm 1 lát gừng để giảm mùi lan ra tủ lạnh.

Trữ thực phẩm có nguyên tắc, khoa học

Mùa dịch này, chị Anh Thy (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) và 2 con nhỏ phải về nhà ngoại ở phường Thanh Bình để tránh dịch vì nhà chồng và nhà riêng ở trong khu phong tỏa đã hơn 2 tuần nay. Bố chị, chồng và em gái phải làm việc và ở tại cơ quan.

Chị Thy làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nên công việc rất bận, thêm chồng là lực lượng vũ trang nên không phải khi dịch bệnh xảy ra chị mới trữ thực phẩm mà mẹ đảm đã duy trì thói quen này được 4 năm nay, để tiết kiệm thời gian đi chợ.

Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả siêu thị mini vào căn bếp - 5
Chị Thy trữ đông thực phẩm bằng cách dùng hộp kín chịu được nhiệt -25⁰C (Ảnh: Anh Thy).

"Mình thấy may mắn vì luôn có sự chuẩn bị. Từ khi phải giãn cách, mình không đi siêu thị mà đặt hàng ship tận nhà. Đặc biệt, mình không đợi khi tủ lạnh hết nhẵn thực phẩm mới mua tiếp mà thấy vơi tủ là tìm chỗ đặt cuốn chiếu luôn", cô cho biết.

Chị Anh Thy còn có nguyên tắc trữ thực phẩm đều tủ đông, tủ mát và đồ khô, ăn đều và không khen chê. Cố gắng ăn tiết kiệm, không đổ bỏ, không quá cầu kỳ. Rau để ngăn mát, củ nào để ngoài được là để.

"Nguyên tắc bất di bất dịch là dự trữ khoa học và an toàn, không bọc thực phẩm bằng nilon, hạ nhiệt độ xuống một vài độ, để thực phẩm trong hộp kín hoặc túi chân không kín, túi phải chịu được đúng nhiệt cần. Vì vậy mà tủ dự trữ nhiều nhưng vẫn không có mùi", mẹ đảm Biên Hòa chia sẻ thêm.

Khi trữ đông, nhiều người hay vướng vào vấn đề thực phẩm bị đóng tảng, nguyên nhân là do thức ăn khi được cấp đông vẫn đang bị ướt.

"Trước khi cho vào cấp đông nên để thật ráo, lau thật khô. Cho vào hộp kín thì không lo vấn đề hơi ẩm lọt vào. Hoặc trữ đông riêng từng thực phẩm để cho se lại rồi mới lấy ra dồn lại 1 hộp", chị Ngọc Anh chia sẻ cách trữ đông chị áp dụng thường xuyên.

Đối với rau xanh thì sẽ trữ ngắn hạn hơn. Nhưng vẫn là cách quay thật khô và cho vào hộp thở. Rau gửi ở quê vẫn để được 1-2 tuần.

Ở nhà mùa dịch, chị em phụ nữ mang cả siêu thị mini vào căn bếp - 6

Bữa cơm từ thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh của gia đình chị Ngọc Anh vẫn hấp dẫn và đầy đủ dinh dưỡng (Ảnh: Ngọc Anh).

Mẹ đảm Hà Nội hài hước nói: "Từ ngày có chỉ thị, được làm online là gia đình mình không ai dám bước chân ra khỏi cửa. Nhờ chiếc "siêu thị mini" nằm trong nhà rồi nên bữa cơm nào cũng như vừa đi siêu thị về".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm