NSND Trịnh Thịnh qua đời vì nhồi máu cơ tim
(Dân trí)- Liên lạc vào lúc đêm muộn với gia đình NSND Trịnh Thịnh, người viết bất ngờ khi nhận được sự ân cần trò chuyện của vợ cố nghệ sỹ. Vượt qua nỗi mất mát riêng tư, người phụ nữ ấy trả lời về sự ra đi của chồng mình điềm tĩnh, đầy trách nhiệm.
Có thể là thất lễ khi gọi điện đến một tang gia giữa lúc đêm muộn để… hỏi chuyện, vì thế, người viết rất cân nhắc khi bấm số và gọi cho vợ NSND Trịnh Thịnh khi đã hơn 10h đêm, nhưng người phụ nữ ấy đã nhấc máy nhẹ nhàng, trò chuyện điềm tĩnh, hỏi lại phóng viên ân cần, chỉ khi nhắc đến bệnh tình của chồng lúc lâm chung, bà mới để lộ sự nghẹn ngào, pha chút mệt mỏi.
Lặng đi đến một phút trong điện thoại để tìm câu chữ nói về sự ra đi của chồng mình, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh chia sẻ, “Ông ấy mang nhiều bệnh tật. Ông ấy bị sỏi thận, viêm túi mật, nhồi máu cơ tim… Ông ấy đã nhập viện nhiều lần trước đây nhưng đều qua khỏi. Đến lần này, chứng nhồi máu cơ tim đã quật ngã ông ấy. Ông ấy đã ra đi sáng nay tại bệnh viện Bạch Mai”.
Nhắc đến cuộc sống hạnh phúc với NSND Trịnh Thịnh, bà Khanh nghẹn ngào, “Sự ra đi của ông ấy sẽ để lại một khoảng trống lớn…”. Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên đứt quãng vì sự nghẹn ngào…
Năm 1956, khi bắt tay vào làm bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam, Chung một dòng sông - đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời Trịnh Thịnh tham gia. Kể từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, NSND Trịnh Thịnh đã có cuộc hành trình dài với điện ảnh Việt Nam. Ông có hàng trăm vai diễn đáng nhớ, có thể kể tên: Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Lá ngọc cành vàng, Lời nguyền của dòng sông, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ…
Với vai diễn phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim Thằng Bờm, NSND Trịnh Thịnh được trao Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc gia lần thứ 8 (1988). Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.
Lễ tang của NSND Trịnh Thịnh sẽ diễn ra vào 14h45 ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
H.H