NSND Trần Hạnh: Cuộc đời còn buồn khổ hơn phim!

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Ở tuổi 90, NSND Trần Hạnh vẫn phải rau cháo, giặt giũ cho con. Ngày ngày, ông ngồi góc cổng khu B Ga Hà Nội bán xăng và rất nhiều thứ lặt vặt khác để mưu sinh cùng gia đình.

NSND Trần Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 4/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của NSND Trần Hạnh để lại cho khán giả nhiều nỗi tiếc thương.

Những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh

Nhớ NSND Trần Hạnh, nhớ đến những vai diễn đã đi vào lòng khán giả với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác. Khán giả sẽ không quên hình ảnh NSND Trần Hạnh trong vai ông bí thư đảng ủy của phim "Làng nổi", bố An trong "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong "Người cầu may", ông Cần trong "Cuốn sổ ghi đời", ông Lâm trong "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong "Hãy tha thứ cho em"...

Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện "Nước mắt đàn bà" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Quốc Trọng.

NSND Trần Hạnh: Cuộc đời còn buồn khổ hơn phim! - 1

 NSND Trần Hạnh trong phim "Ngõ lỗ thủng". (Ảnh chụp màn hình)

Với phim "Ngõ lỗ thủng", NSND Trần Hạnh đóng vai ông Thống, bố của hai cô Hạnh và Sương. Ông Thống sống cả đời nghèo khổ nhưng đến khi hai người con gái của ông trưởng thành, họ không cam chịu cuộc sống như vậy nên đã tìm mọi cách để làm giàu cho bản thân. Ông Thống lo lắng, bất lực khi các con bỏ việc, suốt ngày đú đởn, quần quần áo áo, dần sa vào tội lỗi.  Bộ phim cũng gợi lại những tháng ngày trong thời kỳ bao cấp của những năm 80 thế kỷ trước.

Nhân vật ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của NSND Trần Hạnh cũng ghi dấu ấn với hình ảnh người cha thương con, muốn kiếm cho mỗi đứa con một mảnh đất để khỏi phải ra đụng vào chạm nên kiếm tiền bằng cách thu nhặt những vỏ lon bia, những điếu thuốc lá... Được đồng nào đem cất đi đồng ấy và ghi cẩn thận vào một cuốn sổ mà đến lúc chết vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện…

NSND Trần Hạnh từng nói, vai ông Cần là vai diễn tâm đắc vì giống với cuộc sống của chính ông ngoài đời thực.

Với "Chiếc bình tiền kiếp", NSND Trần Hạnh vào vai ông Lâm- một người nông dân khắc khổ, vất vả và rước họa vào nhà vì hư vinh.

Trong một lần vô tình tìm được một chiếc bình được chôn dưới đất, ông Lâm tưởng rằng chỉ là chiếc bình bình thường nhưng sau khi bị một chuyên gia đồ cổ lừa bảo rằng, bình này vô giá, ông đã quyết định đem cất giữ như một báu vật...

"Cuộc đời tôi còn khổ hơn phim"

Chia sẻ về các vai diễn khắc khổ, nghệ sĩ Trần Hạnh từng bộc bạch rằng, cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim.

Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau khi bị tai biến mạch máu não. Năm 2011. vợ ông mất vì bị tai biến sau một thời gian dài nằm liệt giường.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn phải chăm cậu con trai út tuổi bị ngớ ngẩn do nhiều năm trước bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não.

Ông thân gà trống nuôi con, ở tuổi gần 90, vẫn ngày ngày ngồi góc cổng khu B Ga Hà Nội bán xăng và rất nhiều thứ lặt vặt khác để mưu sinh cùng gia đình.

NSND Trần Hạnh: Cuộc đời còn buồn khổ hơn phim! - 2

NSND Trần Hạnh. (Ảnh: Hà Tùng Long)

"Sức khỏe của tôi bây giờ cũng kém đi nhiều lắm. Mỗi bữa ăn được lưng bát cơm, sáng lưng bát, chiều lưng bát, trưa ăn quà với con dâu ở cửa hàng. Nhiều người bảo tôi ăn tốt vào mới khỏe nhưng tôi không ăn được. Cách đây một năm, mỗi bữa tôi còn ăn được vài bát phở, còn bây giờ tôi chỉ ăn được có nửa bát mà cũng vất vả lắm. Đến tuổi này rồi, sức khỏe mỗi lúc một yếu dần đi như ngọn đèn hết dầu ấy.

Bây giờ mắt bên phải của tôi là hoàn toàn không nhìn thấy gì, mắt bên trái chỉ còn 40%. Mỗi lần người ta đưa kịch bản mời tôi đóng tôi toàn phải nhờ con dâu đọc cho nghe còn mình ngồi nhẩm để thuộc thoại. Bình thường nhìn mọi thứ xung quanh cũng chỉ là cái bóng thôi chứ không rõ hình hài và màu sắc nữa.

Chân tay đi lại cũng run rẩy và yếu lắm. Tay phải cũng không nắm được thì nữa. Nhiều khi các con phải bê cơm đến tận giường cho tôi vì sợ tôi đi lại vấp ngã. Lương hưu bây giờ tôi không thể đi nhận được vì không ký nổi. Tôi phải làm giấy ủy quyền nhờ con dâu đi nhận hộ", ông từng chia sẻ về tình trạng sức khỏe của mình trên Dân trí.