NSND Lê Khanh: “Ngày xưa, cứ mỗi lần tôi giở “thủ đoạn” gì lại bị chị gái bắt thóp”

(Dân trí) - “Nhớ mãi kỷ niệm, cứ mỗi lần đến bữa ăn, biết tôi định giở “thủ đoạn” gì ra, chị Vân (NSƯT Lê Vân) lại nhanh như cắt, đón đầu tóm ngay “con này nhá!”, NSND vui vẻ nhớ lại ký ức thuở ấu thơ.

Điều gì khiến chị gác lại công việc một bên để nhận lời tham gia phim truyền hình sau 10 năm vắng bóng?

Thực ra, năm ngoái cũng có 3 phim điện ảnh và truyền hình cùng “bật đèn xanh” mời tôi một lúc. Trong đó, có những vai khá giống với tôi ngoài đời nhưng do không có thời gian nên tôi không dám tham gia.

Năm nay, tôi đã quyết tâm dành thời gian để quay trở lại với phim ảnh chứ không tuyệt đối với sân khấu như trước nữa nữa. Tôi đã thay đổi suy nghĩ kiểu “Bây giờ sân khấu không có mình không sao” (cười).

Tuy nhiên, sự quyết định mãnh liệt nhất để lôi kéo tôi trở lại với phim truyền hình, “trở lại với chiến trường xưa” đó chính là kịch bản phim. Nhà tôi từ xưa tới có mỗi một nghề duy nhất, không làm nghệ thuật thì cũng không làm được gì khác (cười). Nếu có thời gian thì đóng cả phim lẫn kịch, nếu không có thời gian thì đóng mỗi kịch thôi.

NSND Lê Khanh trẻ trung khi trở lại với phim ảnh sau 10 năm vắng bóng.
NSND Lê Khanh trẻ trung khi trở lại với phim ảnh sau 10 năm vắng bóng.

Kịch bản bộ phim có những gì hấp dẫn khiến chị quyết định mãnh liệt đến thế?

Bộ phim “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” cuốn hút và thú vị lắm. Phim xoay quanh gia đình có 3 cô con gái, giống nhà tôi cũng có 3 chị em. Bên cạnh đó, phim có quá nhiều những màu sắc sinh động của đời sống. Những câu thoại, tình huống, câu chuyện… trong phim dù nho nhỏ xinh xinh nhưng lại xảy ra hàng ngày với tất cả các gia đình.

Tôi đã tham gia khá nhiều phim truyền hình nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải qua khái niệm đúng nghĩa “đi vào cuộc sống”. Từ đầu đến cuối bộ phim đều tái hiện tất cả những gì gần gũi và thân thiết trong nhịp sống hàng ngày, đặc biệt là ngôn ngữ thoại.

Ngôn ngữ thoại không phải tự nhiên sinh ra mà từ những tình huống cụ thể. Mọi tình huống ở trong gia đình này đều rất tự nhiên. Mỗi tập phim mang đến những bài học sâu sắc chứ không dừng lại ở sự giải trí, vui vui. Phim vừa vui, vừa thú vị, vừa hài hước nhưng cũng sâu sắc, lãng mạn… có những chỗ cũng làm người ta ngân ngấn nước mắt.

Vai diễn của chị trong phim có nét tương đồng nào với chị ngoài đời?

Nét tương đồng lớn nhất chính là tình yêu của một người bà mẹ. Tình yêu ấy là tình yêu của tất cả những người phụ nữ trên thế gian này chứ không phải mỗi phụ nữ Việt Nam. Sự hy sinh của người mẹ trong phim không phải là sự đày đoạ, khổ ải, tảo tần… mà chính là sự hạnh phúc.

Càng vất vả, càng bận rộn, càng đau khổ đối phó với sự trưởng thành của con người mẹ càng cảm thấy hạnh phúc. Và khi người mẹ này không được hy sinh lại cảm thấy hụt hẫng, cô đơn, bị bỏ rơi. Thậm chí cảm thấy bị stress như kiểu mọi người không cần đến mình nữa.

Tất cả những điều đó thể hiện sự tài tình của nhà biên kịch. Cứ như họ lấy chất liệu từ những chiếc máy nghe trộm trong mỗi gia đình nên không khách xáo, không giả vờ. Nó sinh động nhưng lại rất thật. Nhiều khi tôi còn giật mình không hiểu vì sao lại sinh động được đến như thế.

Những tình huống của 3 chị em gái trong phim có bóng dáng nào đó của 3 chị em gái trong gia đình chị ở ngoài đời?

Gia đình trong phim không giống với một gia đình cụ thể đâu mà đại diện cho tất cả các gia đình, không cứ chỉ mỗi nhà có con gái. Trong phim 3 chị em gái suốt ngày chí cha chí chóe thì nhà tôi ngày xưa 3 chị em tôi (Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi - PV) cũng suốt ngày cãi lộn.

Trong phim Mẹ ơi, bố đâu rồi?, NSND Lê Khanh vào vai bà mẹ có 3 cô con gái.
Trong phim "Mẹ ơi, bố đâu rồi?", NSND Lê Khanh vào vai bà mẹ có 3 cô con gái.

Ngày xưa, chị em chúng tôi cũng suốt ngày chí chóe nên mẹ tôi (Mẹ của NSND Lê Khanh là NSƯT Lê Mai) mới không thể chịu đựng được và nhiều lúc bà phải hét lên “Tao phải giết một trong 3 đứa”. Mỗi lần mẹ “bốc hoả” như thế là chị Vân - người thông minh nhất nhà lại chạy vèo đến bảo với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có giết thì giết con Khanh ấy, con còn bế được em Vi” (cười).

3 chị em gái trong cũng thế, không có một ngày chúng yên ổn. Lắm lúc người mẹ bị stress khủng khiếp. Nhưng một giờ mà không thấy chúng nó đâu, không thấy chúng nó nhờ vả gì, không phải lo toan và cáu kỉnh vì chúng nó là cứ như người bị rơi tầng trên xuống. Cảm thấy mình vô dụng, vô ích, thừa thãi. Mỗi lần như vậy, ông chồng lại phải nghĩ ra chiêu trò gì đó để an ủi vợ.

Ông chồng trong phim gốc miền Nam nên rất trực tính, nóng nảy, nghiêm khắc… nhưng cũng rất hài hước, tâm lý và yêu vợ. Nhìn bên ngoài có vẻ xù xì, gai góc, cau có, quạu cọ… nhưng lại rất yêu vợ thương con. Điều thú vị là tất cả các nhân vật không có nhân vật nào mô phạm, kiểu như sinh ra để dạy đời mà sẽ trưởng thành theo dấu vết thời gian.

Trong hai chị em: Lê Vân và Lê Vi, ai là người đanh đá nhất và hay chí chóe với chị nhất?

Chị Vân hơn tôi 5 tuổi nhưng lúc lên 10, tức mới học hết lớp 4, chị đã sống nội trú ở trường Múa Việt Nam. Cứ mỗi lần cuối tuần chị về, 3 chị em lại chí cha chí choé.

Mẹ phân công chúng tôi thay nhau rửa bát, giặt quần áo, dọn nhà… nhưng mỗi khi đến phiên mình tôi lại mắt trước mắt sau lỉnh ngay (cười). Nhớ mãi kỷ niệm, cứ mỗi lần đến bữa ăn, biết tôi định giở “thủ đoạn” gì ra, chị Vân lại nhanh như cắt, đón đầu tóm ngay “Con này nhá!”.

Ngày xưa mùa đông lạnh làm gì có điều hòa hay bếp củi để sưởi nên mỗi lần chuẩn bị lên ngủ tôi cứ giả bộ lần khần lên sau để chị Vân lên trước nằm vào chăn cho ấm. Chị ấy “bắt thóp” được tôi nên bảo: “Con kia nhá, mày đừng có giả vờ lần khần để lên sau nhá!”. Nhiều đêm nằm ngủ, đứa nào cũng tranh nằm cạnh mẹ để còn với tay sờ ti.

Ba chị em: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi cùng bố là NSND Trần Tiến.
Ba chị em: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi cùng bố là NSND Trần Tiến.

Ngày xưa bố mẹ tôi đều là nghệ sĩ nên chế độ cũng đầy đủ nhưng dù sao cũng phải hòa vào sự khó khăn chung. Cả tuần học múa ở trường rất cực, đến khi về nhà chẳng có gì ăn (tức không đúng ngày đi mua thực phẩm theo chế độ) chị Vân lại bi hài hét toáng lên: “Mẹ ơi, mẹ bảo cái Khanh đi nhá, nó toàn ăn vã nước mắm đây này” (cười). Mẹ tôi lại véo von “Mai mày cầm tiền mà đi chợ đi nhá”.

Bữa nào nhà nấu chè, bao giờ hai bà chị cũng “đánh” vèo một phát hết sạch còn em Vi thì bao giờ cũng thẻ thọt, dịu dàng, để dành bát chè đằng sau chứ chưa ăn ngay. Hai bà chị nhìn cô em cứ thủng thẳng lại thòm thèm lắm. Lại ngồi nịnh em: “Cho chị xin một miếng”. Vi lại là người thảo ruột, thấy các chị xin lại bón cho chị này một thìa rồi chị kia một thìa. Các chị ăn xong vẫn thòm thèm, lại xin thêm miếng nữa. Mẹ thấy thế lại hét ầm lên: “Này, chúng mày không để cho em ăn à?”.

Trẻ con ngày đó tháo vát, tần tảo lắm, vì ai cũng phải chia sẻ khó khăn với gia đình. Khác hẳn với trẻ con bây giờ. Đám trẻ con trong nhà tôi bây giờ hầu như không phải làm gì hết, cái gì cũng đã có mẹ làm cho.

Còn hai con của chị có thường chí chóe với nhau như 3 chị em nhà chị trước đây?

Nhà tôi có một gái tên là Hến, một trai tên là Thóc. Có một điều rất đặc biệt đó là tôi sinh hai đứa con đều gắn với hai tác phẩm lớn. Năm 1995, khi tôi vừa “gật đầu” nhận lời đóng phim “Xích lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng thì lại biết mình có bầu con gái đầu lòng.

Tôi đành phải lỗi hẹn với bộ phim này và hẹn vào một phim khác. Đến năm 1997, cũng vừa nhận lời Trần Anh Hùng đóng phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” thì biết tin mình có bầu con trai thứ hai. Nhiều khi tôi cứ nói đùa, cả hai lần “dính” đến Trần Anh Hùng là tôi lại có bầu (cười).

Sau đó Trần Anh Hùng đã quyết định sửa lại kịch bản để tôi có thể tham gia phim. Tuy nhiên, thời gian sửa kịch bản lại kéo dài mất một năm và trong thời gian đó cậu con trai đã ra đời. Và cuối cùng tôi vẫn tham gia được bộ phim này chứ không lỗi hẹn như lần trước.

3 chị em nghệ sĩ họ Lê từng có một tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm.
3 chị em nghệ sĩ họ Lê từng có một tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm.

Hồi Hến và Thóc còn nhỏ, lúc nào hai chị em cũng vui vẻ, thân thiết và yêu thương nhau. Hến thì dịu dàng, chịu dựng, ít chia sẻ, ít cười… Thóc thì dễ gần, dễ mến, cởi mở, chia sẻ… Lúc nào cu cậu cũng vui vẻ, nhiều lúc nổi hứng lên còn đấm chị bùm bụp. Nhiều khi chú Chí Trung thấy xót quá lại bảo: “Hến ơi, sao con Hiền thế, sao em đánh thế mà con vẫn cứ cười được?”. Là vì mỗi lần cậu em đấm chị một cái, cô chị lại lăn ra cười.

Ngày mẹ bắt đầu biết lái xe, hai chị em háo hức lắm, nhất quyết không đi xe bố nữa mà đi xem mẹ. Nhưng đi được 5 phút thì đứa nào đứa nấy ngưng lặng hoàn toàn. Thấy lạ tôi hỏi thì cô chị bảo: “Đi xe mẹ chán lắm. Mẹ ăn chậm, nói chậm, đi chậm… giờ lái xe cũng chậm”. Thấy cô chị nói thế cậu em nhoài từ dưới lên bảo: “Nhưng mẹ cười nhanh nhở, mẹ nhở?” (cười). May là cả hai chị em vẫn chưa lớn hẳn nên tôi chưa có cảm giác hụt hẫng như người mẹ trong phim.

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm