Nhiếp ảnh gia “Em bé Napalm” - Nick Út nghỉ hưu trong tháng này
(Dân trí) - Cây bút John Rogers của hãng tin Associated Press (AP) đã vừa thực hiện bài viết chia tay nhiếp ảnh gia kỳ cựu Nick Út - tay máy nổi tiếng với bức ảnh từng khiến cả thế giới chấn động - bức “Em bé Napalm”. Bài viết gọi Nick Út là “nhiếp ảnh gia huyền thoại của AP”.
Nick Út đã nổi danh với những bức ảnh được chụp giữa địa ngục chiến tranh, mà nổi bật nhất chính là bức “Em bé Napalm”, để rồi sau này, khi trở thành nhiếp ảnh gia thời bình, ông chuyển sang một địa hạt khó ai có thể hình dung nổi - chuyên chụp các ngôi sao Hollywood.
Là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới, Nick Út sẽ chính thức nghỉ hưu trong tháng 3 này, sau 51 năm cộng tác với hãng tin AP (Mỹ). Trong suốt sự nghiệp cầm máy của mình, Nick Út ghi lại nhiều khoảnh khắc đắt giá, nhưng được biết đến nhiều nhất là bức ảnh đen trắng cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh - bức “Em bé Napalm”.
Khoảnh khắc dữ dội đó ghi lại chân dung một bé gái sợ hãi hoảng loạn, chạy trên đường làng, trên người không một mảnh vải, cơ thể bị cháy sém bởi bom napalm vừa thả xuống ngôi làng.
Bức ảnh “Em bé Napalm” được chụp vào ngày 8/6/1972, khi đó Nick Út 21 tuổi. Sau khi ghi lại khoảnh khắc dữ dội đó, Nick Út đã đưa “em bé Napalm” Kim Phúc, khi đó 9 tuổi, tới bệnh viện.
Sau bức ảnh đáng nhớ nhất sự nghiệp, Nick Út còn thực hiện thêm hàng chục ngàn bức ảnh khác trong vòng 44 năm sau đó, bao gồm cả những bức ảnh chụp các ngôi sao Hollywood, các sự kiện thảm đỏ, sự kiện thể thao, đưa tin ảnh từ phòng xử án…
Trong ấn tượng của các đồng nghiệp tại AP, Nick Út là một con người thân thiện, “dù rằng mái tóc dày và đen của ông dần ngả sang màu xám theo năm tháng, nhưng vẫn luôn còn đó vẻ hấp dẫn của một người đàn ông trẻ trung, vui tươi, cùng một sự háo hức không thể nào kìm nén nổi đối với công việc”.
Trong một cuộc họp giao ban buổi sáng mới đây tại văn phòng của AP đặt ở Los Angeles, Mỹ, Nick Út lần giở một tập ảnh ghi lại những khoảnh khắc nhiếp ảnh đáng nhớ của các tay máy làm việc cho AP, trong đó có những khoảnh khắc do ông thực hiện.
Đó là khoảnh khắc ghi lại hình ảnh nam diễn viên Robert Blake bật khóc, đầu gục trên bàn trong phòng xử án, khi tòa tuyên bố ông trắng án trước cáo buộc giết vợ hồi năm 2005.
Đó là khoảnh khắc “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson nhảy múa trên nóc xe hơi bên ngoài tòa án khi ông được tuyên bố trắng án trước những cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em hồi năm 2004.
Hay như khoảnh khắc ghi lại cảnh “gái hư” Paris Hilton khóc lóc vì chuẩn bị phải chịu án tù ngắn hạn vì vi phạm luật giao thông nghiêm trọng. Bức ảnh này được chụp vào ngày 8/6/2007, đúng 35 năm sau ngày Nick Út chụp bức “Em bé Napalm”.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn và Nick Út say mê với công việc, với những đề tài nhiếp ảnh mới, ông không ngần ngại lăn xả vào công việc với những yêu cầu, thách thức mới, đặc biệt, không bao giờ tự cho mình là một phóng viên ảnh “ngôi sao”.
Đối với các diễn viên Hollywood mà sau này Nick Út có dịp gặp gỡ, không phải ai cũng biết ông… là ai. Nam diễn viên Warren Beatty có lần gặp Nick Út tại một sự kiện của giới sao và được biết người nhiếp ảnh gia này chính là tác giả của bức “Em bé Napalm”, đã liền kéo Nick Út ra một góc để trò chuyện trong nửa tiếng về bức ảnh.
Hay như nữ diễn viên Joan Collins đã ngay lập tức khui một chai vang để mời Nick Út khi ông xuất hiện tại nhà riêng của bà để chụp hình một buổi gặp gỡ của giới sao, lúc này, qua giới thiệu, bà Collins mới được nghe kể về tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của tay máy gốc Việt.
Trong chặng sau của sự nghiệp, Nick Út tiếp tục hồ hởi thực hiện những nhiệm vụ được giao khi là một nhiếp ảnh gia gắn bó với đời sống Hollywood.
Nhớ lại sự việc năm xưa, khi Nick Út đưa bé Kim Phúc - “em bé Napalm” - tới bệnh viện, thoạt tiên, các bác sĩ không tin rằng Kim Phúc sẽ có thể sống sót bởi vết bỏng quá nặng, nhưng rồi kỳ tích đã xảy ra, Kim Phúc dần hồi phục ngoài mong đợi.
Chia sẻ với các đồng nghiệp ở AP, Nick Út từng nói: “Tôi đã khóc khi chứng kiến cô bé chạy trong hoảng loạn và đau đớn. Nếu tôi không thể giúp cứu sống Kim Phúc, nếu có chuyện xảy ra khiến cô bé chết, tôi nghĩ tôi cũng sẽ tự sát sau đó”.
Giờ đây, đã là một phụ nữ ở tuổi 53, là mẹ của hai người con trưởng thành, bé Kim Phúc ngày nào giờ đã là một phụ nữ đứng tuổi, bà vẫn duy trì liên lạc thân thiết với “bác Nick Út”. Thực tế, đối với Nick Út, khoảnh khắc chụp hình Kim Phúc không phải khoảnh khắc đáng sợ nhất của chiến tranh mà ông từng chứng kiến.
Những làng mạc bị tàn phá, những dân thường chết thảm thương vì chiến tranh, đó chính là “địa ngục chiến tranh” mà Nick Út đã chứng kiến trong bước đầu làm phóng viên ảnh.
Anh trai của Nick Út vốn cũng là một nhiếp ảnh gia chiến trường, đã chết trong chiến tranh. Trong lễ tang của anh, Nick Út đã lại gần nhiếp ảnh gia chiến trường cũng rất nổi tiếng, khi đó đang tác nghiệp tại Việt Nam và là biên tập ảnh của hãng tin AP - tay máy Horst Faas, để đề nghị được cộng tác.
Thoạt tiên, Horst Faas lạnh lùng từ chối vì cho rằng cậu thanh niên trẻ chưa hiểu hết chính điều cậu đang yêu cầu. Nhưng sau nhiều tuần Nick Út kiên trì liên lạc, Horst Faas đã đồng ý và chính thức nhận lời cộng tác với Nick Út vào ngày 1/1/1966, nhưng ông đặt ra một điều kiện đối với cậu thiếu niên 15 tuổi, đó là không bao giờ được phép vào chụp trong vùng chiến sự.
Vì vậy, trong khoảng hai năm sau khi được chấp nhận cộng tác với AP, Nick Út chủ yếu làm công việc rửa ảnh và thực hiện các bức ảnh xung quanh Sài Gòn thời bấy giờ. Ở tuổi 17, Nick Út mới bắt đầu thực hiện những bức ảnh chiến trường
Trong những năm tháng chụp ảnh chiến trường, Nick Út có bị thương 4 lần. Có lần, một nhiếp ảnh gia chiến trường cũng rất nổi tiếng - Henri Huet - đã tình nguyện đi thay Nick Út trong một nhiệm vụ chụp hình, vì tại thời điểm đó, Nick Út đã quá mệt mỏi sau nhiều nhiệm vụ khác.
Sự việc xảy ra vào năm 1971, sau chuyến đi tình nguyện thay người bạn đồng nghiệp, nhiếp ảnh gia Henri Huet không bao giờ trở về nữa… Chính Henri Huet là người thường gọi Út là Nick bởi những đồng nghiệp nước ngoài khác trong hãng tin không thể gọi tên Út một cách dễ dàng.
“Đó là lý do tại sao tôi đã giữ tên Nick Út suốt những năm tháng qua, để tưởng nhớ người bạn đồng nghiệp Henri Huet”, Nick Út chia sẻ.
Hiện giờ, hai người con của Nick Út đều đã trưởng thành và ông đã có hai người cháu, lên 8 và lên 10 tuổi. Nick Út dự định sẽ dành thời gian nghỉ hưu để giúp các con chăm sóc các cháu và đương nhiên, ông vẫn sẽ chụp ảnh.
“Tôi sẽ chụp ảnh cho tới khi tôi chết. Máy ảnh giống như là bác sĩ, là liều thuốc chữa mọi bệnh tật cho tôi”, Nick Út cười nói trong bài phỏng vấn chia tay AP.
Trong trí nhớ của các đồng nghiệp tại đây, Nick Út là một người đàn ông đi từ xa đã có thể nhận ra ngay, một người đàn ông cao 1,6m bước đi trên đường phố Los Angeles với chiếc máy ảnh trong tay, luôn sẵn sàng nở nụ cười nồng nhiệt khi bắt gặp một người quen.
Bích Ngọc
Theo Denver Post