Những vai diễn truyền hình để đời của nghệ sĩ Hán Văn Tình
(Dân trí) - Có thể nói, nghệ sĩ Hán Văn Tình là một trường hợp hết sức đặc biệt của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ông không chỉ nổi danh trên sân khấu truyền thống mà còn được biết đến nhiều với những vai diễn trong các bộ phim nhựa, tiểu phẩm hài và phim truyền hình.
Trong suốt hơn 45 năm gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã từng đoạt Huy chương Bạc vai Lý Đại Hỷ trong vở tuồng "Hoàng Hôn Đen" (1985), Huy chương Bạc vai Ngự Y trong vở tuồng "Tiếng thét giữa Hoàng cung" (1990), Huy chương Bạc vai Hạng Võ trích đoạn tuồng "Hạng võ Bại Ô Giang (1993), Huy chương Bạc vai Sứ Nguyên trong vở tuồng "Trần Hưng Đạo" (1995), Huy chương Bạc vai Thổ Công trong vở tuồng "Bạch Tinh" (1996), Huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam" do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng năm 1999...
Ngoài ra, ông cũng gây ấn tượng với khán giả truyền hình qua hàng loạt bộ phim như: Đất và người, Bão qua làng , Canh Bạc , Vụ áp phe Đông Dương, Người thổi tù và hàng tổng, Phía trước là bầu trời… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được điểm lại những vai diễn truyền hình đã đưa nghệ sĩ Hán Văn Tình đến gần hơn với khán giả và trở thành một nam nghệ sĩ được nhiều khán giả yêu mến, nhất là khán giả vùng nông thôn.
Chu Văn Quềnh của Đất và người
Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ. Ông học Trường đào tạo Sân khấu ở Hà Nội từ năm 1973. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp ông được phân về Đoàn tuồng Trung ương, nay là Nhà hát tuồng Việt Nam.
Nhắc đến người nghệ sĩ có nước da ngăm ngăm đen, đôi mắt to, cái đầu trọc lóc và dáng đi chẳng giống ai… người ta lại nhớ ngay đến một Chu Văn Quềnh trong bộ phim truyền hình dài tập “Đất và người” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chiếu trên VTV vào năm 2002. Vai diễn thành công tới mức người ta toàn gọi tên ông bằng tên nhân vật “lão Chu Văn Quềnh”. Trong phim Quềnh là anh nông dân nghiện rượu, "dày ăn mỏng làm" và hành động theo quán tính. Sự thiển cận, nông nổi của Quềnh trở thành công cụ để những kẻ thủ đoạn, cơ hội trong làng Giếng Chùa sai khiến, lợi dụng.
Để tạo nên thành công cho vai diễn đầu tay này, Hán Văn Tình từng đã phải lặn lội về miền quê để cảm nhận không khí đặc trưng của làng quê và nghiền ngẫm quyển tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường (kịch bản Đất và người được chuyển thể từ tiểu thuyết này - PV) để nhập tâm vào nhân vật.
“Hồi đóng phim Đất và người tôi và cả ê-kíp diễn xuất dưới trời mùa đông rất lạnh, có hôm rét 10 độ C mà tôi phải lội xuống ruộng lúa và diễn đi diễn lại nhiều lần. Gần cả tháng trời chúng tôi phải cố gắng để phim kịp tiến độ và cũng may là không ai bị ốm. Vất vả là vậy thế nhưng khi phát sóng, được khán giả cả nước, đặc biệt là những khán giả ở nông thôn thích vai diễn Chu Văn Quềnh khiến tôi thấy rất hạnh phúc”, nghệ sĩ Hán Văn Tình từng chia sẻ.
Những cố gắng của ông cuối cùng cũng được đền đáp khi ông diễn nhập tâm đến mức khán giả màn ảnh nhỏ phải ngỡ ngàng. Vẻ điên điên khùng khùng như một Chí Phèo thời hiện đại của ông đã chinh phục khán giả màn ảnh nhỏ qua vai diễn Chu Văn Quềnh.
Câu nói “không nên hoãn sự sung sướng đó lại” của Chu Văn Quềnh trong phim thậm chí trở thành một khẩu ngữ thông dụng mà đến ngày hôm nay vẫn nhiều người sử dụng như một cách nói hài hước. Dù vào vai một anh nông dân nghiện rượu và nhiều tật xấu nhưng Hán Văn Tình lại được khán giả yêu thích nhờ lối diễn xuất “diễn như không diễn” chân chất, mộc mạc, hài hước.
Thành công quá lớn của vai diễn để đời này tuy giúp ông được nhiều người biết đến nhưng cũng khiến nhiều người e ngại rằng ông khó bước qua được cái bóng quá lớn của Chu Văn Quềnh trong những phim sau.
Chủ quán ăn trong Bão qua làng
Bão qua làng cũng là bộ phim về đề tài nông thôn, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu như: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Công Lý, Phú Đôn, Quốc Thắng… Trong phim, nghệ sĩ Hán Văn Tình vào vai lão chủ quán thức ăn chín xấu tính, nhiều chuyện tên Sở.
Từ khi cái quán của ông Sở được mở ra, chị em phụ nữ trong làng chẳng còn thiết chuyện nấu ăn, nội trợ. Tới bữa, họ ùn ùn kéo đến mua bán qua quýt rồi “đẩy đưa” những chuyện vô thưởng phạt của thiên hạ. Không chỉ “làm hư phụ nữ”, quán thức ăn này còn là cái “trạm thông tin” cho đám đàn bà ưa tọc mạch, đưa chuyện.
Một lần nữa, Hán Văn Tình lại thành công với lối diễn như không diễn. Cái đầu trọc, hàng ria mép. nụ cười đầy thâm ý và lời lẽ bộc toạc của ông đã giúp khán giả dễ dàng hình dung ra những thói xấu của một bộ phận tiểu thương đam mê lợi ích tới mờ mắt.
Chủ xóm trọ của Phía trước là bầu trời
Vai ông chủ trọ khó tính, bủn xỉn và tham lam của nghệ sĩ Hán Văn Tình trong bộ phim này cũng đã để lại khá nhiều ấn tượng. Dù phải diễn với những cô cậu sinh viên "nhất quỷ nhì ma" nhưng Hán Văn Tình vẫn tạo được sức hút khi vào vai một người có tính cách keo kiệt và soi mói.
Năm 2001, khi bộ phim trở thành một cơn sốt, vai ông chủ phòng trọ này cũng được khán giả nhắc đến rất nhiều. Đặc biệt, đây là lần hiếm hoi, nam nghệ sĩ này hóa thân vào một vai diễn “phố xá”. Không còn quanh quẩn lũy tre làng, ông trở thành chủ của xóm trọ với gần chục phòng cho sinh viên thuê giữa đất Thủ đô. Nhiều người đến nay vẫn còn nhớ khi xem cảnh Hán Văn Tình “ăn gian” của người trọ một vài số điện hoặc việc ông hét giá ‘trên trời’ mỗi lần Nguyệt, Thương sang gọi nhờ điện thoại. Sự tham lam còn lên tới đỉnh điểm khi “Trà cave” bị bắt, lão chủ nhà trọ hăm hở ‘niêm phong’ hết đồ đạc giá trị trong phòng.
Tuần trong “Người thổi tù và hàng tổng”
Người thổi tù và hàng tổng” là bộ phim tâm lý xã hội hài hước của đạo diễn Phi Tiến Sơn ra đời năm 2001. Phim gồm 5 tập là tập hợp những câu chuyện bi hài xảy ra đối với một anh trưởng thôn trẻ tuổi và mọi khó khăn anh vấp phải trong việc xây dựng, quản lý xóm làng. Khi phát sóng, bộ phim nhận được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả bởi sự hài hước, tếu táo nhưng sâu sắc trong cách thể hiện, đặc biệt là diễn xuất “thật như đời” của dàn diễn viên chính gồm: Quốc Tuấn, Khánh Huyền, NSƯT Văn Hiệp, Hán Văn Tình.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình vào vai Trương Tuần trong phim là một anh nông dân mộc mạc chân chất có biệt tài trộm gà. Tuy vẻ ngoài thô lỗ, bặm trợn nhưng Tuần rất tình cảm và thương mẹ. Tuần yêu Lan - một cô gái quê dịu dàng bằng tình cảm chân thành, giản dị. Cặp đôi này đã mang đến nhiều cảm xúc cho người buồn cười đến cảm động.
Nói đến việc đối lập giữa tính cách ngoài đời với những dạng vai “xấu tính” trong phim, nam nghệ sĩ từng chia sẻ: “Cá tính ngoài đời với phim ảnh nó cũng giống nhau ít thôi, chứ giống hệt thì chết. Ngoài đời, ít hay nhiều mình cũng là người nghệ sĩ, lại làm công tác quản lý nên bắt buộc phải có những khuôn thước nhất định. Chứ “ba ngang ba ngửa” như Chu Văn Quềnh hay cái anh Trương Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng thì đâu có được. Nhân vật thuộc típ như thế thì mình phải đóng theo. Diễn viên phải dựa theo ý đồ của tác giả và đạo diễn”, nam nghệ sĩ từng chia sẻ về vai Trương Tuần.
Trước khi vướng bạo bệnh, nam nghệ sĩ này có tham gia một số bộ phim hài tết như: Đại gia đóng gạch, Chôn nhời, Hài Vượng Râu: Kỳ phùng địch thủ… Các vai diễn của ông vẫn để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, đặc biệt là khán giả vùng nông thôn.
Hà Tùng Long