Những thói quen pha cà phê sai lầm mà nhiều người thường mắc
(Dân trí) - Cà phê là thức uống được nhiều người ưa chuộng với công dụng giúp tỉnh táo, cải thiện tâm trạng,... Tuy nhiên, bạn cần pha cà phê đúng cách để phát huy tối đa lợi ích sức khỏe của loại đồ uống này.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, cà phê đã trở thành thức uống được ưa chuộng, có tác dụng duy trì sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng và tăng khả năng tập trung,...
Tuy nhiên, để phát huy tối đa công dụng của cà phê, bạn cần tránh những sai lầm mà mọi người thường mắc dưới đây khi pha chế chúng.
Sử dụng cà phê không đủ tươi
Cà phê cần được bảo quản trong hộp kín để đảm bảo chất lượng và giữ được mùi thơm, hương vị đặc trưng. Nếu sử dụng cà phê hạt, bạn nên dùng hết sản phẩm cũ rồi hãy mở gói mới. Tránh trường hợp bóc nhiều gói cùng lúc rồi chứa trong một chiếc hộp cho tiện. Đây là thói quen sai lầm mà nhiều người thường mắc phải khiến hạt cà phê không còn tươi.
Cà phê hạt chỉ có độ tươi nhất trong khoảng thời gian từ 4-10 ngày nếu được bảo quản đúng cách. Bạn nên cất trữ cà phê trong các hộp kín ở chỗ râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp và tuyệt đối không bỏ vào tủ lạnh hay những nơi có độ ẩm cao.
Không vệ sinh dụng cụ pha chế cà phê
Mùi ẩm mốc, hôi hám từ máy móc hoặc các dụng cụ pha chế lâu ngày không cọ rửa chính là nguyên nhân làm giảm chất lượng hương vị của cà phê. Đừng để một ngày nào đó, khi mở máy pha cà phê ra, bạn sẽ tá hỏa vì các cặn bám, vết hoen ố, gỉ sét, mùi hôi bám đầy máy và dụng cụ pha chế.
Bạn cần duy trì thói quen dọn vệ sinh máy móc và dụng cụ sạch sẽ sau mỗi lần pha chế cà phê. Nếu không sử dụng cà phê thường xuyên thì bạn cũng nên lôi đồ đạc ra lau dọn, rửa lại để tránh tình trạng ẩm mốc, bốc mùi. Điều này không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ cho máy móc và dụng cụ mà còn đảm bảo giữ nguyên vẹn chất lượng cà phê.
Pha quá nhiều cà phê
Cà phê là thức uống không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi người không nên uống quá 2 cốc cà phê/ngày (tương đương 250ml caffeine).
Nếu sử dụng quá nhiều cà phê đồng nghĩa với việc thu nạp liều lượng caffeine vượt mức cho phép vào cơ thể. Điều này có thể gây nên tình trạng đau bụng, co giật, tăng nồng độ axit trong máu, nhịp tim đập nhanh bất thường, giảm lượng máu đến tim, từ đó làm giảm tuổi thọ.
Ngoài ra, sử dụng nhiều cà phê cũng làm phản tác dụng của thức uống này như làm tăng mức độ lo âu, mất ngủ, khiến bạn thường xuyên mệt mỏi, thiếu tập trung.
Thêm quá nhiều đường
Nhiều người thường có thói quen cho đường vào cà phê để làm tăng độ ngọt. Tuy nhiên, điều này là sai lầm và có thể dẫn đến nhiều tác hại. Trên thực tế, đường tinh luyện chỉ chứa calo và không chứa chất dinh dưỡng. Việc thêm quá nhiều đường vào cà phê có thể dẫn đến suy giảm năng lượng, tăng nguy cơ béo phì và thậm chí là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tốt hơn hết là bạn hãy cố gắng tiêu thụ càng ít đường càng tốt. Nếu muốn thức uống ngọt ngào hơn, bạn có thể thay thế đường bằng các chất tạo ngọt, gia vị lành mạnh khác như đường thốt nốt, bột quế,...
Pha cà phê sau 2 giờ chiều
Không chỉ uống vào buổi sáng, nhiều người còn sử dụng cà phê vào buổi chiều, nhất là khi cảm thấy uể oải hoặc mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, uống cà phê sau 2 giờ chiều có thể là nguyên nhân khiến bạn mất ngủ vào buổi tối. Nếu thường xuyên mất ngủ còn gây ra một số tác dụng phụ đối với sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.
Nếu cần phải sử dụng cà phê vào chiều tối thì bạn nên chọn các sản phẩm từ cà phê decaf (cà phê không chứa caffeine).