Những người giữ hồn quê giữa phố

(Dân trí) - Những ngày này, Đà Nẵng trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn với không khí Tết đã đến gần. Dạo quanh những con đường trong thành phố dễ dàng bắt gặp những hình ảnh gợi nhớ chốn thôn quê khi nhiều người đã bắt đầu làm các loại bánh, mứt mùa Tết.

Cứ mỗi dịp cận Tết là các gia đình làm bánh mứt truyền thống trên đường Trần Cao Vân- quận Thanh Khê lại nhộn nhịp làm bánh mứt, phục vụ cho nhân dân trong thành phố. Con đường Trần Cao Vân đông đúc xe cộ giờ ai đi ngang qua đây cũng cảm nhận được mùi hương thoang thoảng của những loại bánh mứt được trưng bày trước cổng những gia đình làm nghề truyền thống. 

Mặc cho cái lạnh của tiết trời, không gian của những người làm bánh mứt truyền thống vẫn luôn ấm áp với những bếp than hồng tỏa mùi hương ngào ngạt. Chúng tôi ghé thăm nhà chị Văn Thị Thùy Trang, người có thâm niêm 30 năm làm nghề mứt mỗi dịp Tết đến xuân về. Chị Trang làm 2 loại mứt là mứt gừng và mứt dừa. Từ nhiều ngày trước, bếp than của chị Trang đã luôn rực hồng làm những mẻ mứt đầu tiên đóng gói bán cho khách hàng gần xa.

Chị Trang làm món mứt dừa.

Chị Trang làm món mứt dừa.

Nhiều người ở tận Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng ghé vào nhà chị mua bằng được gói mứt gừng mang về nhà làm quà biếu. Chị Trang cho biết: “Do là mứt truyền thống nên tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công. Từ lựa chọn mứt đến khâu đóng gói và bảo quản.

Mứt gừng phải đến chợ đầu mối Hòa Cường chọn những củ gừng non, không sâu bệnh và lớp vỏ phải mỏng. Trải qua những công đoạn từ bóc vỏ, gọt gừng, luộc và xả với nước. Sau đó gừng được ngào với đường cho đên khi cô lại rồi bỏ ra nia có lót một lớp giấy báo đem phơi ngoài trời trong một buổi là được.”

Chị Văn Thị Thùy Trang (áo trắng) vẫn giữ được nghề làm mứt truyền thống suốt 30 năm nay.

Chị Văn Thị Thùy Trang (áo trắng) vẫn giữ được nghề làm mứt truyền thống suốt 30 năm nay.

Chị Văn Thị Thùy Trang (áo trắng) vẫn giữ được nghề làm mứt truyền thống suốt 30 năm nay.

Món mứt gừng dân dã nhưng lại có sức cuốn hút với nhiều người bởi vị cay nồng và mùi thơm đặc biệt. Thưởng thức trong dịp Tết trong không khí se se lạnh của tiết trời mùa Xuân thì thật tuyệt vời. Trải qua nhiều công đoạn vất vả thức khuya dậy sớm lựa từng củ gừng tại chợ đầu mối nhưng chị Trang lại không có ý định kinh doanh.

“Mỗi năm, cứ dịp Tết là mình cứ làm như một thói quen và muốn lưu giữ những món ăn truyền thống của dân tộc. Tuy vất vả nhưng lưu giữ được hồn cốt của món ăn trong từng công đoạn là việc mình cần phải làm. Tuy có vất vả một chút nhưng mình thấy vui.

Làm mứt giữa những ngày cận Tết dường như mình cảm nhận được không khí xuân đang tràn về”- chị Trang tâm sự. Chị Trang còn cho biết thêm, mỗi ngày làm được bao nhiêu chị đều đóng gói và đưa ra tủ kính. Ai qua đường thì ghé vào mua còn không thì chị để dùng ngày Tết và biếu gia đình, họ hàng, bạn bè.

Những gói mứt được đặt trong tủ kính bán cho khách hàng.

Những gói mứt được đặt trong tủ kính bán cho khách hàng.

Chia tay chị Trang, chúng tôi lại tiếp tục ghé đến nhà chị Nguyễn Thị Kim Dung. Người dân ở đây ai cũng gọi là chị Dung “bánh thuẫn” vì đã gần 40 năm sống ở Đà Nẵng chị vẫn giữ ngọn lửa nghề làm bánh vào mỗi dịp Tết và khi thưởng thức ai cũng tấm tắc khen ngon.

Nguyên quán ở vùng đất Quảng Bình- quê hương của món bánh thuẫn, mấy chục năm trước, cả gia đình chị vào Đà Nẵng lập nghiệp. Có được công thức gia truyền về nghê làm bánh thuẫn, cứ vào mỗi dịp Tết đến xuân về căn nhà nhỏ 2 gác rộng chi 12 mét vuông của chị lại chứa đầy những nguyên liệu làm bánh.

“Bánh thuẫn là món ăn mà ai cũng có thể làm được nhưng để làm được ngon thì không phải ai cũng có thể thực hiện.”- chị Dung cho hay. Chỉ là những nguyên liệu như bột mì, đường, trứng gà, sữa người làm bánh phải có công thức phối hợp những nguyên liệu hợp lý để có được một hỗn hợp đạt chuẩn thi mới có những chiếc bánh ngon.

Những gói mứt được đặt trong tủ kính bán cho khách hàng.

Cặm cụi với bếp than hồng và 2 chiếc khuôn do bà nội để lại đã tồn tại hơn 1 thế kỷ vậy mà những chiếc bánh thuẫn của chị vẫn hấp dẫn khách hàng gần xa.

Khi đổ bánh người thợ cũng phải điều chỉnh nhiệt độ ở trên và dưới sao cho hợp lý, ước lượng thời gian để bánh không bị cháy và có mùi thơm đặc trưng của bột mỳ. Bánh thuẫn được nhiều người ưa thích bởi mùi thơm dịu, không quá ngọt như nhiều loại bánh khác, khi ăn nóng bánh rất xốp và mùi thơm của bột mỳ.

Cũng như nhiều loại bánh truyền thống khác, bánh thuẫn cũng làm hoàn toàn thủ công và không có bất kỳ một hóa chất hay phụ gia nào khác. Tất cả nguyên liệu đều được chị Dung mua ở những cơ sở sản xuất uy tín. 3h sáng chị Dung phải dậy để chuẩn bị làm bột, đánh bột. Đến 6h sáng chị lại ngồi bên 2 chiếc bếp than đổ bánh tới 21h tối vậy mà nhiều khi vẫn thiếu bánh cho khách.

Những chiếc bánh thuẫn được sấy bằng than ấm trước khi đóng gói.

Những chiếc bánh thuẫn được sấy bằng than ấm trước khi đóng gói.

“Những năm đầu mình làm vừa bán vừa cho hàng xóm và người thân. Dần những năm sau cứ đến tháng Chạp là nhiều người lại đến đặt hàng. Có người là Việt Kiều cũng đến mua để mang bánh ra nước ngoài làm quà cho người thân. Vì thế, cứ sau ngày tiễn ông Công ông Táo mình lại phải thuê thêm 10-15 lao động để có bánh đáp ứng cho nhu cầu khách hàng.”-chị Dung cho biết.

Bánh mứt truyền thống hết sức dân dã được làm bằng những người nặng lòng với những món ăn truyền thống của người Việt vẫn có sức lay động nhiều người ở chốn phố thị sầm uất.

 
Hà Thế An